Giảm lãi suất, ngân hàng vẫn khó cho vay tiêu dùng
Nhiều ngân hàng rục rịch chào mời khách vay tiêu dùng trở lại với lãi suất giảm 4 - 6% so với trước, song người đi vay vẫn khá dè dặt.
Anh Nghĩa, nhà ở Mỹ Đình (Hà Nội), cần vay để mua ô tô, anh hỏi vay một số ngân hàng thì được chào lãi suất không như kỳ vọng. Anh kể, tại ACB, nhân viên cho biết lãi vay mua ô tô chỉ khoảng 14% một năm, nhưng tính lãi dựa trên số tiền gốc. Còn một số ngân hàng khác, mức này cao hơn khoảng 3 - 6%, nhưng lại tính lãi trên dư nợ giảm dần. Do đó, khách hàng này đang phân vân không biết nên vay kiểu nào, ở đâu, vì thực tế, lãi suất có giảm hơn so với trước, nhưng vẫn khá cao trong bối cảnh hiện tại.
Theo cán bộ tín dụng nhiều nhà băng, mặt bằng lãi vay tiêu dùng giảm phổ biến khoảng 2 - 4% so với trước. Tại một chi nhánh BIDV ở Hà Nội, cán bộ tín dụng cho biết, lãi vay mua ô tô đang là 19% một năm, tính theo phương pháp dư nợ giảm dần. 3 năm là kỳ hạn cho vay mua ô tô nội địa, 5 năm áp dụng với hàng nhập khẩu. Anh này cho biết, vay tiêu dùng dễ hơn so với những tháng cuối năm 2011, đầu năm 2012.Chị Quỳnh, nhân viên tín dụng Ngân hàng Á Châu cũng thông tin, nhà băng này đang có 2 hình thức cho vay tiêu dùng để khách hàng chọn lựa. Hình thức thứ nhất, lãi suất cho vay phổ biến từ 17,5% đến 20% một năm, đã giảm 2-5% so với trước. Khách vay vốn được trả nợ theo phương pháp dư nợ giảm dần, nghĩa là trả được bao nhiêu, ngân hàng sẽ tính lãi trên số tiền còn lại.
"3 tháng một lần, ngân hàng điều chỉnh lãi suất theo thị trường. Xu hướng bây giờ là giảm, do đó, vay kiểu này xem ra lợi hơn", chị Quỳnh tư vấn. Hình thức thứ hai, khách được vay với lãi suất tương đối thấp, có khi chỉ 13,5 - 14,5% một năm, nhưng lãi suất được tính dựa trên số gốc ban đầu. Đây là kiểu cho vay add-on mà ngân hàng thường áp dụng, nhưng khách cần cân nhắc theo nhu cầu, khả năng trả nợ.
Cùng với mở cửa vay tiêu dùng, một số ngân hàng bắt đầu cho vay tín chấp trở lại với mức lãi suất tương đương với vay tiêu dùng. Cán bộ tín dụng một ngân hàng trên phố Xã Đàn cho biết, lãi suất vay tín chấp tại nhà băng này đang phổ biến từ 17,5% một năm. Số tiền giải ngân tối đa tương đương với 10 tháng thu nhập của khách hàng. Tuy nhiên, gói vay này chỉ áp dụng với những người có thu nhập hàng tháng từ 6 triệu đồng trở lên và đang làm việc tại công ty hoạt động từ 2 năm, có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng thừa nhận, lãi suất đã giảm, cơ chế cho vay thoáng hơn do bất động sản, tiêu dùng đã bị loại ra khỏi nhóm đối tượng không khuyến khích, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng không được cải thiện nhiều so với những tháng đầu năm.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho biết, đơn vị này đã giảm lãi suất so với trước khoảng 5%, nhưng lượng khách đến vay vẫn không nhiều lên. Ngay cả khi ngân hàng không đòi hỏi tài sản thế chấp, mà cho vay theo kiểu tín chấp, lượng khách hàng vẫn không nhích lên nhiều. Theo ông, lãi suất hiện nay vẫn chưa thực sự thấp đến mức người dân có thể sẵn lòng vay vốn. Bản thân các nhà băng cũng muốn bán được sản phẩm (cho vay ra), nên rất nhiều lần hạ lãi suất, song người dân vẫn không vay, dù bình thường, gói cho vay tiêu dùng khá hút khách.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB nhận định, không nên lấy mức lãi suất trước kia để làm thước đo cho hiện nay, mà phải lấy sức mua của người dân cũng như tình hình lạm phát. Hầu hết ngân hàng không đẩy cao tín dụng được là do sức mua của người dân vẫn còn yếu, không có nhu cầu vay và chỉ số bán lẻ cực thấp, ông nói. Bản thân các doanh nghiệp cũng vẫn có hàng tồn kho, nhiều đơn vị phải đóng cửa, khiến cho người lao động nghỉ việc, không có lương nên không có cơ sở để đi vay, ông Toại nói.
Theo Tuệ Minh
Vnexpress