MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Techcombank: Ông Nguyễn Đức Vinh bất ngờ từ nhiệm thành viên HĐQT; không chia cổ tức 2011

28-04-2012 - 15:31 PM | Tài chính - ngân hàng

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho rằng việc không chia cổ tức để tăng các chỉ tiêu an toàn vốn. Năm 2012, Techcombank đặt kế hoạch đạt 5.300 tỷ đồng LNTT, nợ xấu 2,66%.

Sáng nay (28/4) đại hội cổ đông ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã diễn ra tại Hội trường khách sạn Melia, Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Vinh bất ngờ từ nhiệm

Điều bất ngờ với hầu hết các cổ đông là việc ông Nguyễn Đức Vinh,  nguyên Tổng giám đốc của Techcombank, Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank, người đã gắn bó với Techcombank trong suốt 12 năm qua đã xin từ nhiệm thành viên HĐQT vì lí do cá nhân. Đại hội đã thông qua quyết định việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2009-2014 của ông Vinh, hiệu lực kể từ ngày 01/7/2012.

Nội dung này không nằm trong tờ trình của HĐQT gửi cổ đông trước đó, vì ngày 27/4/2012 HĐQT mới nhận được đơn xin từ nhiệm của ông Vinh, với lý do cần có thêm nhiều thời gian hơn cho công việc gia đình và cá nhân tuy nhiên ông Vinh vẫn là một cổ đông của ngân hàng và Chủ tịch HĐQT Techcombank, ông Hồ Hùng Anh đã gửi lời cảm ơn đến ông Vinh vì những đóng góp của ông cho Techcombank trong suốt 12 năm qua.


Ông Hồ Hùng Anh (đứng ngoài cùng bên phải) tặng hoa cho ông Nguyễn Đức Vinh (người thứ ba từ trái sang) và các thành viên HĐQT, ban kiểm soát mới và cũ, người đứng thứ hai từ trái sang là TGĐ mới của Techcombank ông Simon Morris.

Trước đó, tờ trình chỉ xin ĐHCĐ thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Stephen Colin Moss và miễn nhiệm chức danh thành viên Ban kiểm soát của bà Vũ Thị Dung. Ông Colin Moss xin rút khỏi HĐQT do được đề cử công tác tại HSBC toàn cầu.

Đại hội đã bầu một thành viên HĐQT bổ sung mới do HSBC đề cử là ông Timothy Mark Francis Kenedy, ông Kenedy quốc tịch Anh, có nhiều năm kinh nghiệm làm việc cho tập đoàn HBSC, hiện ông là giám đốc đối tác, chi nhánh và chiến lược HSBC Châu Á Thái Bình Dương, Hồng Kông. Do đơn xin từ nhiệm của ông Vinh là bất ngờ nên sau bầu cử, HĐQT của Techcombank gồm 8 thành viên thay vì 9 thành viên như trước.

Đại hội cũng bầu ông Mag Rer Soc Oec Romauch Hannes làm thành viên Ban kiểm soát thay cho bà Vũ Thị Dung.

Năm 2012 đặt kế hoạch lợi nhuận 5.300 tỷ đồng, tập trung phát triển khu vực phía Nam

Đại hội đã thông qua báo cáo về công tác quản trị hoạt động ngân hàng năm 2011 và định hướng hoạt động cũng như kế hoạch hoạt động năm 2012.

Theo đó, năm 2012, Techcombank đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 223.421 tỷ (tăng 24%), huy động vốn đạt trên 140 nghìn tỷ (tăng 50% thực hiện 2011), dư nợ tín dụng 97.452 tỷ (tăng 17%), LNTT 5.300 tỷ (tăng 25,6%), nợ xấu 2,66% (năm 2011 nợ xấu của Techcombank lên tới 2,83%).


Chỉ tiệu hoạt động thực hiện 2011 và kế hoạch năm 2012 của Techcombank

Trả lời vấn đề tại sao nợ xấu của Techcombank vẫn ở mức cao hơn so với các ngân hàng khác, ông Hồ Hùng Anh trả lời do cách đánh giá nợ xấu của Techcombank theo hướng “bảo thủ” và tuân theo các chuẩn mực trong nước và quốc tế nên việc đánh giá nợ xấu chặt chẽ hơn các ngân hàng khác. Do cách tiếp cận và đánh giá khác nhau nên Techcombank cho rằng các khoản nợ xấu không thể xuống thấp như các ngân hàng khác.

Trước mắt Techcombank chưa có ý định đầu tư ra nước ngoài. Năm 2012, Techcombank tập trung phát triển chiến lược miền Nam với trọng tâm tạo bứt phá thành công trên địa bàn một số tỉnh, thành phố lớn, mục tiêu tăng trưởng khách hàng và lợi nhuận ít nhất gấp 2 lần trên các địa bàn chọn lọc. Techcombank có định hướng tạo ra các sản phẩm đột phá và nắm giữ thị phần trong nước trước khi nghĩ tới việc đầu tư ra nước ngoài. Từ tháng 2 đến nay ban lãnh đạo Techcombank đã “nằm vùng” trong miền Nam để nâng hiệu quả hoạt động khu vực này, và quý 3 và quý 4 kỳ vọng Techcombank sẽ có bước đột phá lớn tại thị trường miền Nam. Hiện tại khá nhiều cán bộ ngân hàng quay trở về đầu quân cho Techcombank, điều chưa từng xảy ra trước đây.

Về hoạt động của các công ty con, như CTCK Techcombank, công ty quản lý quỹ..trong các năm vừa qua lợi nhuận chủ yếu từ việc gửi tiền, chưa thực sự hoạt động đầu tư.

Nóng vấn đề trả cổ tức

Trong tờ trình ĐHĐCĐ về việc trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2011, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2011 của Techcombank đạt 4.221 tỷ đồng, LNST đạt 3.153 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ lợi nhuận còn lại năm 2011 đạt 2.658 tỷ đồng. Tuy nhiên HĐQT quyết định không trả cổ tức cho cổ đông năm 2011 mà thay bằng việc phân phối lợi nhuận còn lại năm 2011 theo hướng dành 60 tỷ đồng làm nguồn phát thành ESOP cho cán bộ nhân viên và 2.270 tỷ còn lại để hạch toán bổ sung Qũy dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Sau khi phát hành ESOP (dự kiến khoảng 30/6/2012), vốn điều lệ của Techcombank sẽ tăng từ 8.788 tỷ đồng lên 8.848 tỷ đồng.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về việc không chia cổ tức, ông Hồ Hùng Anh cho biết việc chia cổ tức đã được lên kế hoạch dự kiến trong 5 năm đã đưa ra từ năm 2010.

Techcombank cho rằng để trở thành một ngân hàng hàng đầu, giá trị một ngân hàng được ghi nhận khi có các chỉ số an toàn tốt nhất, do vậy nếu như không có phương án huy động vốn ngoài thì HĐQT sẽ đưa ra nguyên tắc không chia cổ tức.

Với định hướng trở thành một ngân hàng hàng đầu và vươn ra tầm cơ khu vực, cộng thêm dự thảo thông tư 13 sửa đổi, yêu cầu rất lớn về đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn thì việc ưu tiên vốn để phát triển và đảm bảo an toàn vốn là cần thiết.

Ông Hồ Hùng Anh thừa nhận với tư cách là cổ đông, nếu nhìn bên ngoài việc không chia cổ tức có thể khiến cổ đông “không vui lắm” nhưng vấn đề lớn hơn là giá trị cổ phiếu sẽ cao. Hiện nay vốn chủ sở hữu của Techcombank so với các ngân hàng khác vẫn ở mức khiêm tốn, cổ đông cần cùng nhau đưa Techcombank lên một tầm cao mới.

Từ năm 2008, Techcombank đã có bước tiến rất dài từ top 2 lên top 1, trong suốt 3 năm qua Techcombank tăng trưởng tốt về hiệu quả tài chính, lợi nhuận, tổng tài sản… Tầm nhìn của Techcombank trở thành ngân hàng hàng đầu trong khối NHTM cổ phần ở đô thị và nâng lên thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Ông Hồ Hùng Anh cho rằng việc không chia cổ tức tăng vốn điều lệ, hiện nay việc tăng vốn điều lệ lên không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số an toàn, nếu tiếp tục pha loãng thì giá trị của cổ phiếu Techcombank sẽ không được như kỳ vọng, nếu giữ nguyên giá trị cổ phiếu sẽ lên.

Trao đổi với tư cách cá nhân ông Hồ Hùng Anh chia sẻ, mục tiêu của HĐQT và toàn bộ Techcombank là tạo được giá trị lớn nhất cho cổ đông và “cá nhân tôi tin tưởng Techcombank sẽ đạt được điều mà mình mong muốn trong kế hoạch ít nhất 2014”. Trong tầm nhìn và chiến lược của mình, HĐQT sẽ chịu sức ép mỗi năm phải tăng trưởng 25-30%, và đến năm 2014 lợi nhuận sẽ tăng lên 10.000 tỷ đồng và giá trị của cổ đông Techcombank sẽ tăng lên 3 lần thời điểm hiện nay. “Với vai trò là cổ đông của Techcombank, tôi tin điều này sẽ đến”, ông Hồ Hùng Anh chia sẻ.

Đại hội đã thông qua việc thay đổi địa điểm trụ sở chính của Tech từ số 70-72 Bà Triệu, Hà Nội sang địa điểm mới là số 191 Bà Triệu (tòa nhà trước đây của Vincom). Trụ sở cũ sẽ được dùng làm chi nhánh Hà Thành.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên