MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiều hối - Dòng vốn khổng lồ cho các nước đang phát triển

28-04-2012 - 10:26 AM | Tài chính quốc tế

Lượng kiều hối đổ về các nước nghèo là một con số khổng lồ và còn tiếp tục tăng lên bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tạo nguồn lực phát triển cho các nước nghèo trong bối cảnh dòng vốn FDI suy giảm.

Ở Tapachula, thành phố nằm thuộc miền nam Mexico, người dân đang xếp hàng dài tại chi nhánh  của ngân hàng Banco Azteca để thực hiện thủ tục chuyển tiền. Năm ngoái, người dân Mexico nhận được khoảng 24 tỷ USD từ bạn bè và người thân đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là ở Mỹ. Mexico trở thành một bộ phận của hành lang chu chuyển kiều hối lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ dòng người xếp hàng ở Tapachulan, có thể nhận thấy xu hướng của luồng kiều hối đang thay đổi. Rất nhiều người trong số đó không phải là người Mexico nhận tiền chuyển về từ Mỹ, họ là những lao động nhập cư gửi tiền về quê nhà Guatemala hoặc Honduras. “Điều này cũng xảy ra tương tự ở các nước khác,” Jorge Luis Valdivieso, vị giám đốc một ngân hàng nhận xét.

Khối lượng kiều hối chuyền về các nước nghèo là một con số khổng lồ. Kể từ năm 1996, lượng kiều hối đã cao hơn so với tổng của tất cả các loại viện trợ nước ngoài. Trong thập kỷ trước, lượng kiều hối còn cao hơn cả số nợ tư nhân và vốn đổ vào thị trường chứng khoán. Theo số liệu từ World Bank , năm 2011, lượng kiều hối chuyển về các nước nghèo đạt 372 tỷ USD. Con số này không thua kém nhiều so với tổng lượng vốn FDI chảy vào các nước nghèo.  

Hơn thế nữa, kiều hối còn đang tiếp tục tăng lên với mức tăng gần 4 lần kể từ năm 2000. Trong năm 2009, khi kinh tế thế giới suy thoái, kiều hối chuyển về các nước nghèo chỉ giảm 5% và đến năm 2010 lại tăng trở lại mức kỷ lục. Trái ngược với điều này, lượng vốn FDI đầu tư vào các nước nghèo giảm 1/3 trong suốt cuộc khủng hoảng trong khi tổng vốn đổ vào chứng khoán giảm hơn một nửa. Dilip Ratha, trưởng bộ phận di cư và kiều hối tại World Bank cho rằng điều đáng chú ý nhất ở đây là kiều hối liên tục tăng từ năm này sang năm khác bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu.


Một lí do giải thích cho sự bùng nổ này đơn giản là dữ liệu được thu thập chính xác hơn. Những tổ chức cung cấp dịch vụ chuyền tiền như Western Union MoneyGram báo cáo dữ liệu thường xuyên hơn cho các ngân hàng trung ương. Kể từ ngày 11/9/2011, các giao dịch được kiểm soát chặt chẽ hơn, dẫn đến một vài số liệu tăng vọt. Nigeria có lượng kiều hối tăng gấp đôi trong năm 2007. Ở những nơi chính phủ nhạy cảm với việc cung cấp thông tin, các nhà kinh tế sử dụng các phương pháp khác. Ví dụ như ở Ấn Độ, bằng cách sử dụng các dữ liệu về di cư, World Bank ước tính có khoảng 3,8 tỷ USD đượcc chuyển qua biên giới mỗi năm.

Những kỹ thuật này đã giúp phát hiện ra rằng kiều hối đến từ nhiều nước hơn là mọi người vẫn nghĩ. Đây có thể là lý do giải thích tại sao kiều hối tránh được ảnh hưởng khi phố Wall chao đảo. Trong năm 1970, khoảng 46% kiều hối được gửi về từ Mỹ nhưng đến năm 2010 con số đã tụt xuống còn 17%. Arab Saudi hiện là nước đứng thứ hai về lượng kiểu hối được chuyển đi. Năm 2010, lượng kiều hối được chuyển đi từ nước này là 27 tỷ USD, chủ yếu là đến các gia đình ở Nam Á và châu Phi giúp họ xây dựng nhà cửa.

Hơn một nửa lượng kiều hối được chuyển về Nam Á đến từ vùng Vịnh. Lượng kiều hối chuyển đi từ khu vực này ngang bằng với từ các nước Tây Âu. Giá dầu tăng cao cũng khiến Nga trở thành đích đến cho những người nhập cư. Trong năm 2000, Nga chỉ là nước đơn thuần nhận tiền kiều hối nhưng đến năm 2010 đã trở thành nước chuyển tiền lớn thứ 4 với lượng kiều hối gần 19 tỷ USD, hầu hết là đến các nước Trung Á. Kiều hối từ Nga có giá trị lớn hơn 1/5 qui mô kinh tế Tajikistan.

Mặc dù ít biến động hơn so với các loại thu nhập khác, kiều hối không hoàn toàn miễn dịch với sự lên xuống của nền kinh tế. Dòng tiền chảy vào Mexico năm ngoái vẫn thấp hơn 12% so với mức đỉnh trước khủng hoảng, một phần là do những người Mexico di cư hầu hết làm trong lĩnh vực xây dựng ở Mỹ. Phong trào mùa xuân Ả Rập cũng làm sụt giảm kiều hối về Trung Đông và châu Phi do các lao động di cư chạy khỏi các nước như Libya. Ai Cập là một trường hợp ngoại lệ với mức tăng 14%. Lý do được cho là một bộ phận người dân trở về định cư trong nước cùng với khoản tiết kiệm của họ, đồng thời bất động sản giảm giá cũng thu hút nguồn kiều hối.

Sự biến động của các đồng tiền cũng ảnh hưởng đến luồng kiều hối. Đồng USD và đồng euro đã không còn được ưa chuộng ở những nước châu Phi do đồng tiền của các nước này đã lên giá nhanh chóng nhờ vào các hàng hóa xuất khẩu. Ông Marcelo Giugale cho biết giờ đây sau 5 năm làm việc ở châu Âu, người dân không còn có thể mua một căn nhà như trước nữa.

Câu hỏi được đặt ra là liệu những người di cư sẽ phản ứng lại với việc này bằng cách làm việc lâu hơn ở những nước xa xôi hay sẽ chuyển đến các nước ở gần quê nhà. Rất nhiều người đã chọn cách thứ hai: 1/10 lượng kiều hối chuyển về châu Phi đến từ các nước cùng châu lục. Nam Phi đứng đầu danh sách với 1,4 tỷ USD kiều hối được chuyển đến các nước châu Phi khác.

Rất nhiều nước phát triển đã đóng cửa biên giới để bảo vệ những người lao động trong nước. Mỹ kiểm soát chặt chẽ biên giới phía Nam khiến lượng người nhập cư từ Mexico giảm. Do đó, những người này cũng có xu hướng ở lại Mỹ lâu hơn. Theo Pew Hispanic Centre, 27% số người Mexico xuất cảnh khỏi Mỹ trong năm 2010 đã ở Mỹ ít nhất 1 năm trong khi tỷ lệ của năm 2005 chỉ là 6%.  Điều này có thể lý giải tại sao lượng kiều hối từ Mỹ chỉ giảm 5% trong năm 2009 trong khi lượng kiều hối từ Anh – nước có biên giới mở hơn giảm 27%. 

Thu Hương

huongnt

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên