MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trưởng phòng đầu tư FLC: Đây vẫn là vùng khởi điểm cho một chu kỳ tăng giá

Ở cuối mỗi chu kỳ thắt chặt tiền tệ đều là cơ hội để những nhà đầu tư cỡ lớn mua được nhiều tài sản giá rẻ và qua mỗi chu kỳ họ lại lớn mạnh hơn rất nhiều.

Hiện nay vẫn còn nhiều lo ngại cho rằng lạm phát sẽ quay trở lại do giá xăng và điện tăng và việc NHNN hạ trần lãi suất huy động 2 lần liên tiếp trong vòng 1 tháng là quá nhanh, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Hiện nay vấn đề Lạm phát được nhìn nhận dưới góc độ lạm phát giá cả (Price Inflation) mà ít chú trọng vào vấn đề cốt lõi đến từ lạm phát tiền tệ (Currency Inflation). Tôi cho rằng đây sẽ là yếu tố quan trọng nhất trong dự báo xu thế của CPI.

Có thể nói rằng bản chất của lạm phát có nguyên do chủ yếu từ tốc độ tăng cung tiền, giá xăng và điện có tác động nhưng không phải yếu tố chính. Năm 2011 vừa qua, tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán M2 đã có sự tăng trưởng thấp nhất trong 15 năm trở lại đây, điều này sẽ hạn chế mạnh mẽ việc lạm phát quay trở lại.

Mặt khác tôi cho rằng chi tiêu Chính phủ trong thời gian tới sẽ có xu hướng giảm để phục vụ mục tiêu lãi suất giảm nhanh mà lạm phát vẫn ở mức thấp.


Biểu đồ so sánh tốc độ tăng cung tiền và lạm phát (nguồn: VnEconomy)

Và cứ theo chu kỳ, sau mỗi lần lạm phát xảy ra, tốc độ tăng cung tiền chậm lại thì nền kinh tế Việt Nam sẽ đi vào một trạng thái cân bằng mới với giá cả hàng hóa được giao dịch ở một mặt bằng giá cao hơn.

Nếu nhìn với chu kỳ thời gian lớn hơn thì có thể nói từ đầu năm 2008 đến 2012 cũng chỉ là một chu kỳ lớn 5 năm của thắt chặt tiền tệ mà năm 2009 chỉ là một sự hồi lại trên tổng thể là xu hướng thắt chặt. Do vậy sau một giai đoạn dài thắt chặt tiền tệ thì vấn đề hạ lãi suất để nền kinh tế đi vào quỹ đạo hoạt động bình thường ở một mặt bằng giá khác sẽ không gặp nhiều trở ngại.

Mặc dù có nhiều tin tích cực như lạm phát thấp, lãi suất hạ, Chính phủ định hướng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp.…. Nhưng vẫn có ý kiến cho rằng sức khỏe các doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi nhanh chóng. Tin tốt đã công bố hết, liệu TTCK còn đủ sức bật sau khi VnIndex và HnxIndex đã tăng khoảng 42% và 48% so với điểm đáy tháng 1 vừa rồi?

Nếu so sánh với đỉnh giá các cổ phiếu tại sàn Hà Nội của 2 đợt đầu cơ giá lên vào tháng 6 và tháng 9 năm 2011 thì hiện nay Hnx-Index coi như ngang bằng, nhưng bối cảnh thị trường lại rất khác biệt.

Các thông tin hỗ trợ tích cực hiện nay như lãi suất giảm, DN được hỗ trợ giãn nợ, khối ngoại mua ròng liên tục…Xét về định giá thì vì xu thế vĩ mô dần ổn định, lãi suất hạ sẽ làm cho mức định giá hiện nay có xu hướng rẻ hơn trong tương lai vì doanh nghiệp sẽ kinh doanh tốt hơn trở lại. Tôi cho rằng nhiều khả năng việc lãi suất huy động giảm về mức khoảng 10% sẽ nhanh hơn dự kiến và đây là vấn đề then chốt tác động đến sức khỏe của doanh nghiệp.

Có thể nói rằng, hiện nay chất lượng tăng giá của 2 chỉ số VnIndex và Hnx Index có diễn biến tốt hơn nhiều.

Nhìn tổng quan từ tháng 1 cho đến khi có tin hạ trần lãi suất huy động lần thứ 2, thị trường đã có sự tăng trưởng khá tốt và xen kẽ trong đó là 3 lần điều chỉnh giảm khá mạnh. Tuy nhiên mỗi lần điều chỉnh giảm lại là cơ hội lớn cho các nhà đầu cơ chuyên nghiệp hơn tiếp tục tích lũy thêm cổ phiếu.

Ở cuối mỗi chu kỳ thắt chặt tiền tệ đều là cơ hội để những nhà đầu tư cỡ lớn mua được nhiều tài sản giá rẻ và qua mỗi chu kỳ họ lại lớn mạnh hơn rất nhiều. Họ chính là những người hiểu sâu sắc về chu kỳ kinh tế và nhạy bén thông tin và luôn biết tận dụng các chu kỳ này.

Những gì hiện nay chúng ta đang lo lắng như kinh tế vĩ mô chưa ổn định hẳn, lạm phát sẽ quay trở lại hay doanh nghiệp còn khó khăn… cũng là những điều mà các quốc gia phát triển cũng đã trải qua và khi nhìn lại họ cùng nói rằng “Chu kỳ kinh tế nào cũng giống nhau cả” và sự lo lắng hay sự lạc quan của nhà đầu tư tại mỗi thời điểm lúc nào cũng giống nhau. Nhưng xin nhấn mạnh rằng kinh tế tăng trưởng luôn có tính chu kỳ và tôi cho rằng đây là thời điểm tuyệt vời để tận dụng chu kỳ đó.

Ông nhận định thế nào về thị trường thời gian tới?

Những định hướng rõ ràng của chính sách tiền tệ sẽ giúp cho thị trường không quay trở lại giảm sâu như trước. Bên cạnh đó, số lượng giải ngân của nhiều tổ chức còn ít và họ đang trông chờ sự giảm điểm trở lại để mua thêm, đây là lực cầu rất lớn hỗ trợ thị trường.

Nhìn về diễn biến thị trường thì sau khi có tin hạ lãi trần lãi suất xuống 12%/năm, thị trường tiếp tục tăng mà không có hiện tượng phân phối thì có thể nói rằng đây vẫn là vùng khởi điểm cho một chu kỳ tăng giá sau đó.

Trong tuần qua tôi không thấy có áp lực phân phối hoặc bán xả, việc sàn Hà Nội có 4 phiên từ ngày 19/4 đến ngày 24/4 đều có mức giá thấp nhất ở mức 77 điểm đã chứng tỏ lực cầu giá thấp tại mức giá này là lớn và thị trường khó giảm sâu hơn mức này.

Cách thức giao dịch của thị trường mang tính chất tiếp tục được tái tích lũy. Thị trường trong ngắn hạn và trung hạn nhiều khả năng sẽ tiếp tục quá trình tăng giá trở lại. Riêng đối với những mã cổ phiếu đã tăng quá nóng thì nhà đầu tư nên hạn chế mua vào vì rủi ro khi giảm giá là khá lớn.

Xin cảm ơn ông!

Phương Mai (thực hiện)

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên