MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Valencia - Bức tranh chân thực nhất về suy thoái kinh tế Tây Ban Nha

03-05-2012 - 11:43 AM | Tài chính quốc tế

Thị trường bất động sản cùng hệ thống ngân hàng sụp đổ sau nhiều năm chi tiêu quá đà khiến Valencia- thành phố cảng bên bờ Địa Trung Hải nổi tiếng- giờ đây phải đối mặt với khó khăn chồng chất.

Trong suốt thập kỷ vừa qua, với khu vực bất động sản bùng nổ, Valencia đã chi rất nhiều tiền để làm chủ nhà cuộc đua motor European Grand Prix, xây dựng phim trường theo kiểu Hollywood, viện hải dương học lớn nhất châu Âu, nhà hát theo kiểu Sydney và nhiều công trình hoành tráng khác.

Nhưng, Valencia lại đang trở thành biểu tượng cho nền kinh tế bước vào thời kỳ suy thoái lần thứ hai trong 3 năm của Tây Ban Nha. Thành phố với hơn 5 triệu dân này cũng không phải là duy nhất trong số 17 thành phố đang nợ nần chồng chất. Thâm hụt ngân sách năm 2011 của Tây Ban Nha đã lên đến 8,5% GDP, vượt qua mức qui định 6% của EU. 

Valencia không thể huy động vốn từ các ngân hàng và thị trường tài chính. S&P đã hạ xếp hạng trái phiếu của Valencia xuống mức trái phiếu rác. Nếu không thể cắt giảm mạnh thâm hụt ngân sách, Valencia rất có thể sẽ trở thành thành phố đầu tiên phải trao ngân sách cho chính phủ quản lý theo luật mới.

Hồi tháng 1, chính quyền địa phương đã trậm trễ 1 tuần khi hoàn trả lại khoản nợ trị giá 123 triệu euro (tương đương 162,8 USD) cho Deutsche Bank và phải có bảo lãnh của chính phủ. Chính quyền Valencia đang nợ 4 tỷ euro tiền chi trả cho các công nhân vệ sinh đường phố, trung tâm y tế và các nhà cung cấp dịch vụ công. Để trả được những khoản nợ trên, Valencia phải cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 1,5% sản lượng kinh tế trong khi tỷ lệ năm ngoái là 3,68%. 

Valencia còn phải chịu các khoản nợ khác của với giá trị lên tới 20 tỷ euro. Hiện Valencia là thành phố nợ nhiều nhất Tây Ban Nha với tổng nợ bằng 20% sản lượng kinh tế hàng năm. Chính quyền địa phương đang phải thắt chặt chi tiêu cho bộ máy điều hành cũng như chi tiêu sức khỏe và giáo dục.

Hồi tháng 2, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình sau khi các học sách phải mang theo chăn đến lớp vì trường học không có đủ tiền để sưởi ấm. Khoảng 60 ngôi trường sẽ phải đóng cửa vì không nhận đủ chi phí để có thể hoạt động. Ở bệnh viện, y tá và bác sỹ phàn nàn về tình trạng thiếu giường bệnh và ống tiêm.

Thứ Sáu tuần trước (27/4), chính quyền Valencia đã nâng thuế và học phí đại học đồng thời tư nhân hóa dịch vụ y tế và giảm bớt nhân lực khối nhà nước nhằm đạt được mục tiêu cắt giảm ngân sách 1 tỷ euro. 

Các ngân hàng tiết kiệm ở đây đã cho các công ty xây dựng địa phương vay tràn lan mà không quản trị rủi ro chặt chẽ và hậu quả là lâm vào tình trạng đổ vỡ. Ngân hàng đã hoạt động 100 năm Banco de Valencia được chính phủ giải cứu và đang được đấu giá. Trong khi đó, Caja de Ahorros del Mediterraneo (CAM) – ngân hàng đã 135 tuổi được Thống đốc ngân hàng trung ương Miguel Angel Fernandez Ordonez gọi là “ngân hàng tồi tệ nhất trong các ngân hàng tồi tệ” sau khi bị phát hiện lỗ hổng 8 tỷ euro trên bảng cân đối kế toán.  

Không những thế, tình hình còn trở nên tồi tệ hơn khi tham nhũng chạm đến mọi ngõ ngách ở Valencia. Chủ tịch Francisco Camps năm ngoái đã tuyên bố từ chức sau khi bị cáo buộc nhận hối lộ. Thậm chí, một vài quan chức còn bị bắt vì đã tham nhũng vào số tiền tài trợ xây dựng bệnh viện ở vùng nông thôn nghèo. 

Giờ đây, sau nhiều năm chi tiêu quá đà dẫn đến bong bóng bất động sản và hệ thống ngân hàng sụp đổ, Valencia đang đứng trước nguy cơ phải cầu cứu gói cứu trợ từ chính phủ Tây Ban Nha vốn cũng đang lâm vào tình trạng thâm hụt ngân sách nặng nề. 

                                                                                                                                     Thu Hương

huongnt

Reuters

Trở lên trên