MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành trình từ đỉnh cao xuống vực sâu của VSP

Sau 5 năm niêm yết giá cổ phiếu VSP đã giảm đúng 100 lần từ 305.000 đồng xuống còn 2.700 đồng/ cp.

Từ chỗ là một cổ phiếu được nhà đầu tư săn đón mỗi khi thị trường có sóng, VSP đã chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 1/6 do lỗ 03 năm liên tiếp.

Những con sóng lớn nhờ lợi nhuận vượt kế hoạch

VSP niêm yết lần đầu 4 triệu cổ phiếu tại HNX ngày 25/12/2006. Giá đóng cửa phiên giao dịch này là 70.000 đồng/cp. Ngay sau đó giá cổ phiếu VSP đã tăng mạnh và đạt đỉnh 190.000  đồng/cp vào ngày 27/2. Nguyên nhân chính là việc VSP công bố lợi nhuận quý I đạt 23,5 tỷ đồng, gần bằng kế hoạch kinh doanh cả năm 2007.

Tháng 9/2007, một lần nữa cổ phiếu VSP lại dậy sóng với đợt tăng giá 150% từ 125 nghìn lên 305 nghìn/cp vào ngày 25/10/2007 nhờ thông tin phát hành thêm với giá chỉ bằng 30% giá thị trường và kết quả lợi nhuận tiếp tục ấn tượng.

Giá cho thuê tàu tăng cao trong năm 2007 (có lúc đạt 70.000 USD/ngày) đã mang lại mức tỷ suất lợi nhuận rất cao cho VSP và các công ty cho thuê tàu khác. Năm 2007, VSP đạt EPS cả năm 18.000 đồng/cp và là một trong những cổ phiếu có EPS cao nhất trên sàn.

Cuối năm 2007, công ty này đã phát hành thêm 9,8 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ 40 tỷ lên 138 tỷ đồng. Trong đó: trả cổ tức bằng cổ phiếu 1,2 triệu; phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu 2 triệu với giá  84.800 đồng/cp (bằng 30% so với mức trung bình của 5 phiên giao dịch liền trước ngày chốt quyền); chào bán 6,4 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược và thường 200 ngàn cổ phiếu cho CBCNV.

Diễn biến giá cổ phiếu VSP từ khi niêm yết
Hình lớn: Giá chưa điều chỉnh
Hình nhỏ: Giá đã điều chỉnh kỹ thuật

Phục hồi kinh ngạc nhất thị trường năm 2008

Tuy nhiên trong ‘cơn hoảng loạn’ của TTCK Việt Nam năm 2008, cổ phiếu VSP đã rơi thẳng xuống giá 37.000 đồng/cp vào ngày 6/6/2008, bất chấp lợi nhuận 6 tháng của VSP vẫn đạt hơn 200 tỷ đồng.

Mặc dù vậy nhà đầu tư cũng không phải chờ lâu để chứng kiến sự phục hồi kinh ngạc của cổ phiếu này. VSP đã có con sóng thứ 3, với tỷ lệ tăng giá lên đến hơn 400% từ mức 37 nghìn lên 237 nghìn/cp vào ngày 26/8/2008. Cho dù giá cho thuê tàu trong quý 3/2008 đã giảm chút ít nhưng VSP vẫn ghi nhận mức lãi kỷ lục 149 tỷ, lũy kế từ đầu năm là 350 tỷ trên quy mô vốn 138 tỷ đồng. Với EPS 9 tháng đầu năm đạt 25.580 đồng/cp, VSP là quán quân EPS trên thị trường.

Ngoài ra thông tin về việc VSP bán tàu hàng rời Vinashin Metal lãi 8 triệu USD (khoảng 160 tỷ) cũng góp phần đưa giá cổ phiếu này tăng mạnh. Vào thời điểm này VSP vẫn còn 6 tàu hàng rời để cho thuê hạn định với trọng tải hơn 310.000 DWT, chỉ đứng sau VOSCO.

Trong đợt tăng giá này, hai tổ chức lớn đầu tư vào VSP là IPA và SSI đều công bố giảm tỷ lệ sở hữu. Cụ thể, ngày 15/9/2008, SSI bán 216.600 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5% xuống 3,66% còn IPA ngày 10/10/2008 công bố đã bán hơn 1 triệu cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu từ 25,78% xuống 18,1%.

Doanh thu và Lợi nhuận sau thuế của VSP trong 5 năm qua

Bi kịch từ nợ vay cao và giá thuê tàu giảm mạnh

Bi kịch của VSP chính thức xuất hiện từ quý 4/2008 khi giá thuê tàu giảm mạnh khiến tỷ suất lợi nhuận gộp của VSP giảm theo. Trong khi đó, VSP lại đầu tư thêm 3 tàu mới để nâng trọng tải lên gấp đôi trong quý 2 khiến chi phí lãi vay của công ty tăng cao, đạt 56 tỷ đồng, bằng 30% chi phí lãi cả năm. VSP báo lỗ 58,1 tỷ đồng trong quý 4/2008 và giá cổ phiếu này đã giảm đến 80% trong thời gian từ tháng 27/8 đến 27/11.

Năm 2009, một lần nữa giá thuê tàu rơi tự do xuống chỉ còn 10.000 – 12.000 USD/ngày, giảm đến 80% so với mức đỉnh của năm 2007. Kết quả là VSP lỗ ngay từ  hoạt động cho thuê tàu, lợi nhuận gộp âm 246 tỷ đồng, cộng thêm chi phí lãi vay 141 tỷ, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp (52 tỷ), VSP lỗ ròng 359 tỷ đồng.

Giá thuê tàu phục hồi trở lại trong năm 2010 tuy nhiên công ty vẫn không thoát lỗ do chi phí lãi vay lớn và không có lợi nhuận từ việc bán tàu. Điều tương tự năm 2009 lặp lại trong năm 2011 khi VSP lỗ 533 tỷ đồng sau khi kiểm toán.

Do 3 năm lỗ liên tiếp, VSP đã ‘đủ điều kiện’ để hủy niêm yết. Hơn 38 triệu cổ phiếu VSP sẽ chuyển xuống giao dịch tại sàn UpCom sau khi bị hủy niêm yết tại HNX từ ngày 1/6/2012.

Chỉ số BALTIC DRY INDEX trong vòng 5 năm qua – Bloomberg.com



 Tình hình tài chính rất xấu

Cuối năm 2011, VSP lỗ lũy kế 820 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ là 380 tỷ, tuy nhiên VSP vẫn chưa bị âm vốn chủ sở hữu do khoản thặng dư vốn hơn 1.045 tỷ đồng thu được trong đợt phát hành năm 2007.

Nợ vay ngân hàng của VSP là gần 2.000 tỷ đồng, trong đó khoản vay dài hạn là 1.752 tỷ đồng và ngắn hạn là 193 tỷ đồng. Số nợ của VSP gần như không thay đổi trong 3 năm qua và số lãi tăng dần theo các năm so lãi suất thực tế tăng cao. Cụ thể năm 2009, VSP trả 141 tỷ đồng chi phí lãi vay, năm 2010 là 160 tỷ và năm 2011 là 260 tỷ đồng.

Trong khi đó giá tàu trên thế giới giảm mạnh cũng khiến các tàu của VSP được mua từ năm 2008 có giá trị sổ sách cao hơn giá thị trường hiện tại khoảng 30%. Với tổng giá trị đội tàu khoảng 1.300 tỷ đồng, tài sản của VSP trên thực tế đang được hạch toán vượt khoảng 400 tỷ đồng.

Ngoài ra VSP còn 400 tỷ chi phí XDCB dở dang trong đó: 105 tỷ nằm tại dự án Khu đô thị Golf  Mê Linh Vĩnh Phúc, 156 tỷ tại các dự án đóng tàu hàng rời và 99 tỷ tại dự án Kho Đình Vũ.
 
An Huy

tuannd

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên