MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó kéo bội chi xuống dưới 4,8% GDP

Thu ngân sách nhà nước tháng 4 tương đối khả quan, nhưng tốc độ tăng chi gấp đôi tốc độ tăng chi, vì vậy, mức bội chi năm 2012 khó có thể kéo xuống thấp bằng năm 2011 là 4,4%.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, thu ngân sách tháng 4/2012 ước đạt 61.620 tỷ đồng, nâng tổng thu ngân sách 4 tháng đầu năm lên 234.390 tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng chi ngân sách tháng 4 ước đạt 67.300 tỷ đồng, luỹ kế chi tháng 4 đầu năm đạt 264.067 tỷ đồng, bằng 29,2% dự toán và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2011. Như vậy, trong 4 tháng đầu năm, tổng bội chi ngân sách đã lên đến 29.677 tỷ đồng, tăng 3.487 tỷ đồng so với tổng mức bội chi của 3 tháng đầu năm.

So với quý I/2012 (thu ngân sách đạt 172.770 tỷ đồng, chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2011 - mức tăng thu thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây), trong tháng 4, thu ngân sách tương đối khả quan.

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 3 tháng đầu năm, thu nội địa chỉ đạt 112.490 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2011 (giảm 2.400 tỷ đồng) thì đến tháng 4, tổng thu ngân sách tăng 4.910 tỷ đồng so với tháng 3/2012, chủ yếu là tăng thu nội địa (tăng 6.510 tỷ đồng), trong đó các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh tăng khoảng 5.400 tỷ đồng.

Thu ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu tháng  4  giảm khoảng 1.300 tỷ đồng so với tháng 3/2012 khiến số thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 63.500 tỷ đồng.

“Tiến độ thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt thấp chủ yếu là do kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có kim ngạch lớn, thuế suất cao giảm mạnh. Cụ thể, tính đến hết quý I/2012, giá trị xăng dầu nhập khẩu giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2011, dẫn đến giảm thu khoảng 700 tỷ đồng; giá trị ôtô nguyên chiếc nhập khẩu giảm 51% làm giảm thu 4.360 tỷ đồng; xe máy nguyên chiếc giảm 42% làm giảm thu 336 tỷ đồng; linh kiện xe máy giảm 16% khiến ngân sách giảm thu khoảng 110 tỷ đồng....

Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ, số thu ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu ước chỉ còn 43.600 tỷ đồng, bằng 28,3% dự toán, chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2011”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ giải thích.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng GDP khó có thể đạt mục tiêu đặt ra (tăng trưởng 6-6,5%), cộng thêm các giải pháp miễn, giảm một số loại thuế; giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất và các loại phí nên thu ngân sách năm 2012 may ra mới hoàn thành được dự toán nên khó có thể vượt thu như những năm trước đây (năm 2011 ngân sách vượt thu 57.872 tỷ đồng) vì vậy cũng không có nguồn để giảm bội chi xuống bằng mức bội chi của năm 2011 là 4,4% (năm 2011, ngân sách dành 9.100 tỷ đồng từ nguồn vượt thu để giảm bội chi từ mức 5,3% GDP xuống còn 4,4% GDP).

Điều đáng nói là trong khi các địa phương chỉ đặt kế hoạch tăng thu 11.406 tỷ đồng, tức là chỉ tăng 1,4% so với dự toán -  mức tăng thu thấp nhất so với nhiều năm trở lại đây (năm 2010 và 2011 các địa phương đặt mục tiêu tăng thu 2,7% và 2,4% so với dự toán) nhưng lại đặt mục tiêu tăng chi tới 16.376 tỷ đồng, cao hơn 4% so với dự toán được giao.

Như vậy, nếu các địa phương hoàn thành được mục tiêu đặt ra tức là tăng được cả thu lẫn chi ngân sách thì nguy cơ mức bội chi sẽ cao hơn tỷ lệ 4,8% được được Quốc hội khống chế.

“Cần phải đặt mục tiêu phấn đấu đưa bội chi ngân sách xuống thấp hơn chỉ tiêu đã được Quốc hội đặt ra và phải có lộ trình giảm bội chi ngân sách xuống mức hợp lý”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lên tiếng.

Theo ông Hiển, năm 2012, để thực hiện mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống dưới mức 4,8% GDP, một mặt phải tiến hành rà soát các chính sách thuế, phí, lệ phí, xem xét loại bỏ hoặc điều chỉnh giảm giảm một số loại phí, lệ phí góp phần làm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; mặt khác phải tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, chống gian lận thuế, chống chuyển giá, đặc biệt là đối với với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, lĩnh vực bất động sản và khai thác khoáng sản; đôn đốc thu nợ các khoản thu có khả năng thu hồi, không để phát sinh nợ mới, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.

 “Tiếp tục tăng cường chất lượng chi, nhất là chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, dứt khoát phải chống dàn trải, chỉ tập trung vốn cho những công trình hoàn thành và sắp hoàn thành. Cần đẩy mạnh tinh giản biên chế bộ máy quản lý nhà nước để có cơ sở giảm các khoản chi cho sự nghiệp, kinh tế, giáo dục, y tế…”, ông Hiển nhấn mạnh.

Theo Mạnh Bôn

Báo đầu tư

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên