MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Suy thoái ở Ấn Độ trầm trọng hơn eurozone?

08-05-2012 - 09:40 AM | Tài chính quốc tế

Nếu tỷ lệ tăng trưởng tiếp tục đi xuống, hàng triệu người dân Ấn Độ sẽ không thể thoát khỏi cảnh cơ cực. Nếu đem khía cạnh này ra so sánh thì cuộc khủng hoảng ở eurozone vẫn chưa phải là trầm trọng.

Đối với các nước phát triển thì tốc độ tăng trưởng được IMF dự kiến đạt 6,9% trong năm 2012 của Ấn Độ có vẻ không phải là suy thoái. Tuy nhiên, suy thoái là ở chỗ kinh tế đã sụt giảm nhiều so với mức 8% được dự báo trước đó, đồng thời các yếu tố tiêu cực sẽ còn kéo tăng trưởng xuống mức thấp hơn nữa. Theo số liệu được Chính phủ Ấn công bố, GDP chỉ tăng 6,1% trong quý IV năm 2011.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ bị chậm lại. Một trong số đó là sự thiếu vắng những ưu đãi tối ưu dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ đã thay đổi hoàn toàn thái độ đối với Wal-Mart trong khi trước đó sẵn sàng mở rộng cửa chào đón công ty bán lẻ hàng đầu thế giới tham gia vào lĩnh vực bán lẻ ở nước này. Những năm gần đây, Chính phủ cũng truy thu các khoản thuế của nhiều năm trước đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Hơn nữa, cơ sở hạ tầng về năng lượng không thể đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp. Ngành khai thác than bị chiếm lĩnh bởi một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Giá than và gas bị kiểm soát quá chặt chẽ. Xét về tổng thể, dường như Ấn Độ không có xu hướng cải cách sâu hơn nữa để có một nền kinh tế thị trường tự do hơn.

Lao động nông nghiệp chiếm một nửa lực lượng lao động của Ấn Độ. Tuy nhiên, cuộc cải cách nông nghiệp được đẩy mạnh trong những năm 70 của thập kỷ trước giờ đây đang bị chậm lại. Sản lượng nông nghiệp giảm trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng tưới tiêu và vận chuyển yếu kém. Hệ thống pháp luật không hỗ trợ cho đầu tư nước ngoài để có thể cải tiến nông nghiệp cơ bản thành nông nghiệp hiện đại. Nhìn về quá khứ, những nước có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều đi lên từ sản lượng nông nghiệp tăng vọt.

Một vấn đề đáng lo ngại khác là tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ dựa vào khu vực dịch vụ của Ấn Độ gần như đã kết thúc. Các trung tâm chăm sóc khách hàng đã thành công trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho chính mình nhưng dường như chỉ phục vụ nhu cầu ở các thành phố nhỏ khép kín. Đây có thể được coi là một sự thành công nhưng việc tạo ra các "ốc đảo" cho thấy nền kinh tế tăng trưởng rời rạc và không có sự hòa nhập vào nền kinh tế của cả nước.

Thêm vào đó, Ấn Độ có hệ thống pháp luật là một trong những hệ thống khó sử dụng và khó cải cách nhất trên thế giới. Theo chỉ số DBI của World Bank,  Ấn Độ xếp thứ 132 trong số 183 nước, đứng sau Honduras và Tây Gaza và chỉ đứng trên Nigeria và Syria.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn còn có những tiềm năng để phát huy như dân số tài năng, năng lượng và có văn hóa doanh nghiệp. Ấn Độ có hệ thống thương mại và di cư rộng khắp trên toàn thế giới. Ấn Độ cũng sở hữu những thành tựu tầm cỡ thế giới về giải trí và thiết kế cùng với nhiều thế mạnh khác. Đồng thời, suy thoái cũng là hiện tượng chung của khối BRIC.

Mọi người đang dồn hết sự chú ý vào bầu cử và cuộc chiến giữa các đảng phái chính trị ở eurozone. Tuy nhiên, thế giới được hình thành từ nhiều yếu tố cấu trúc khác như công nghệ, dân số, tài nguyên, tăng trưởng kinh tế... Các vấn đề đầy rủi ro của Ấn Độ đang bị bỏ qua.

Thu Hương

huongnt

NYT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM