EVN đã trình 3 phương án tăng giá điện
EVN trình ba phương án tăng giá điện là: Tăng dưới 5%; tăng 10%; tăng trong khoảng 5%-10%. Chính phủ phải tung nhiều gói giải pháp cứu DN nếu giá điện điều chỉnh tăng thì DN không chịu đựng nổi.
Trước thông tin có thể tăng giá điện trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng cơ quan quản lý chọn thời điểm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang xuống thấp để tính toán tăng giá điện là cách chọn lựa “khôn ngoan”. Tuy nhiên, trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn về vốn, cộng với hàng tồn kho cao, giá điện tăng sẽ tạo áp lực rất lớn cho DN.
Tăng giá chỉ là thời gian
Trả lời báo giới ngày 10-5, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho biết tính đến thời điểm này, các yếu tố đầu vào đã khiến giá điện tăng gần 3,3% (42,9 đồng/kWh). Giải thích cho điều này, ông Thỏa nói: “Theo tính toán của cơ quan quản lý giá, các yếu tố cấu thành giá điện gồm tỉ giá đã tăng 0,6%, nhiên liệu khí tăng 10,4%, dầu FO tăng 40%, than giảm 0,3%,…”. Bên cạnh đó, ông Thỏa cho biết thêm hiện Tập đoàn Điện lực VN (EVN) còn những khoản chi phí “treo” từ chênh lệch tỉ giá hơn 15.000 tỉ đồng và chênh lệch mua điện giá cao trong năm 2010 chưa tính vào giá thành điện. Do đó, các khoản này sẽ được Bộ Tài chính, Công Thương tính toán và xử lý trong thời gian tới.
Theo nguồn tin riêng, hiện EVN đã trình lên Bộ Công Thương ba phương án tăng giá điện. Thứ nhất, tăng giá điện dưới 5%; thứ hai, tăng giá điện 10%; thứ ba, tăng giá điện trong khoảng 5%-10%. Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết hiện đơn vị này chưa nhận được bất cứ đề xuất nào từ EVN. “Việc điều chỉnh giá điện hay không sẽ được liên bộ Tài chính - Công Thương tính toán, cân nhắc dựa trên mục tiêu đưa giá điện vận hành theo thị trường nhưng đảm bảo kiềm chế lạm phát” - vị lãnh đạo này nói.
Trong những năm gần đây, giá điện luôn điều chỉnh tăng hơn so với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng.
Ảnh: HTD
Theo quy định tại Quyết định 24 của Chính phủ về điều hành giá điện, trường hợp chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản nhỏ hơn 5% so với giá bán hiện hành, EVN tính toán phân bổ vào giá bán điện bình quân chi phí sản xuất, kinh doanh chưa được tính hết vào giá bán điện để điều chỉnh giá bán bình quân tối đa 5%, sau khi báo cáo Bộ Công Thương. Như vậy với việc thông số đầu vào làm tăng giá điện khoảng 3,3% mà Cục Quản lý Giá đưa ra thì việc tăng giá điện chỉ là vấn đề thời gian.
Giá điện chỉ có tăng chứ không giảm
Trước thông tin sẽ điều chỉnh giá điện, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng nếu xét về khách quan theo giá thị trường thì điều chỉnh giá điện hay bất cứ hàng hóa khác là chuyện bình thường. Thế nhưng trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, DN phá sản hàng loạt vì đình đốn sản xuất, khó tiếp cận vốn khiến Chính phủ phải tung nhiều gói giải pháp cứu DN, giá xăng dầu vừa tăng mạnh (nhưng chỉ giảm nhỏ giọt), tiếp đến nếu giá điện điều chỉnh tăng thì DN không chịu đựng nổi.
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng xăng dầu và điện hiện nay rất mù mờ về cách tính toán, những số liệu công bố trên chỉ là bề nổi, cụ thể hóa các con số này thì chưa bao giờ Bộ Tài chính công bố rõ ràng với người dân. “Nếu xét tính thị trường thì luôn linh hoạt theo biên độ lên xuống giá cả, thế nhưng lâu nay giá điện chỉ có lên chứ không xuống. Cục Quản lý Giá dẫn chứng các số liệu đầu vào tăng thì cho tăng giá điện bán ra, thử hỏi khi các số liệu đầu vào giảm thì có giảm giá điện không? Đây là một bất cập nói mãi mà vẫn không thay đổi. Điều quan trọng là người dân và DN cần một giải trình thật rõ ràng thì cơ quan quản lý không chứng minh tính thuyết phục của các con số nêu ra” - ông Phong phân tích.
Một chuyên gia về ngành điện chia sẻ giá điện trong những năm gần đây luôn điều chỉnh tăng, điều này trái với nguyên lý của thị trường. So với năm 2005, giá điện hiện nay tăng gần 50%. So với tốc độ tăng giá tiêu dùng, giá điện bình quân tăng nhanh hơn, năm 2011, CPI tăng 18% trong khi giá điện tăng hơn 21%.
Không thuyết phục được người tiêu dùng
Cũng theo vị chuyên gia trên, cơ cấu giá thành điện VN chưa phân biệt rõ giữa các khâu sản xuất. Do đó, không thuyết phục được người tiêu dùng trong việc tăng giá. Trong khi đó ở một số nước cơ cấu giá điện gồm khâu sản xuất chiếm 60%, khâu truyền tải 32% và khâu phân phối chiếm 8%.
Ngoài ra, giá bán điện tiêu dùng hiện thấp hơn giá bán cho sản xuất và thương mại, trong khi chi phí sản xuất và phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng thường cao hơn các đối tượng khác. Điều này dẫn đến sự sai lệch, không phù hợp với phản ánh chi phí thực tế và tính toán mức giá. Việc bù chéo giữa sản xuất và tiêu dùng cũng làm méo mó quan hệ giữa chi phí và giá cả.
Theo Trà Phương
Phapluat TPHCM