MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự thực đằng sau những con số ấn tượng của các ngân hàng Trung Quốc

13-05-2012 - 13:19 PM | Tài chính quốc tế

Jim Chanos, nhà đầu cơ tài chính nổi tiếng từng nhận định các ngân hàng lớn của Trung Quốc được xây dựng dựa trên nền tảng không chắc chắn. Dường như, nhận định này là chính xác.

Bắt đầu với Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC)– ngân hàng có giá trị lớn nhất thế giới ít nhất là trên giấy tờ, với thị giá vốn hóa 238 tỷ USD. ICBC đã đưa ra bản báo cáo tài chính đầy sức thuyết phục với tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng: Tổng tài sản tăng 15% trong năm 2011, đạt 15,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,5 nghìn tỷ USD); lợi nhuận tăng 26%, lên mức 298,4 tỷ nhân dân tệ.
 
Tuy nhiên, phần lớn vốn của ngân hàng này bao gồm cả những khoản còn sót lại của những khoản nợ xấu từ những năm 1990 mà nay ICBC vẫn gọi là các khoản phải thu. Tính đến ngày 31/12/2011, khoản phải thu chiếm tới 1/3 vốn chủ sở hữu của ICBC. Mặc dù đáo hạn vào năm 2010 nhưng các khoản này vẫn chưa được trả và vẫn được tính vào giá trị của ICBC.

Đến cuối năm 2004, trước khi được cải tổ lại bởi chính phủ, nợ xấu của ICBC chiếm tỷ lệ 21%. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, với tỷ lệ sở hữu nhà nước chiếm 71%, ICBC chỉ có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.

Nhiều người có thể tin vào những con số này và cho rằng người vay đã có khả năng trả nợ tốt hơn. Thế nhưng, sự thực không phải là như vậy.

Khoản phải thu lớn nhất của ICBC là trái phiếu Huarong do công ty quản lý quỹ Huarong – một công ty trực thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc phát hành với tổng giá trị 313 tỷ nhân dân tệ. Sau khi ICBC mua trái phiếu, Huarong sử dụng tiền thu được để mua lại toàn bộ các khoản nợ xấu của ICBC. Nói một cách ngắn gọn, nợ xấu của ICBC đã được hoán đổi thành trái phiếu Huarong và như vậy nợ xấu không biến mất.

ICBC không thể thu hồi được khoản nợ này khi đáo hạn, thay vào đó ngân hàng nhận được tin thông báo gia hạn thêm 10 năm từ Bộ Tài chính. Bộ này sẽ hỗ trợ cho việc thu hồi lại khoản nợ nếu như Huarong không hoạt động tốt, thế nhưng đây không phải là một sự đảm bảo. Trái phiếu Huarong là không thể chuyển nhượng do đó không thể bán.

“Tư bản đỏ” là cụm từ mà Carl Walter và Fraser Howie đã từng sử dụng để nói về hệ thống ngân hàng của Trung Quốc. Bộ Tài chính nắm 35% cổ phần của ICBC trong khi một công ty đầu tư nhà nước khác cũng nắm 35%.

Không chỉ có ICBC, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc cũng có khoản phải thu trị giá 474,1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 73% vốn chủ sở hữu) thuộc về Bộ Tài chính. Năm 2008, ngân hàng này thu được khoản nợ phải thu bằng cách hoán đổi thành tài sản xấu cho Bộ Tài chính.

Năm 2007, Ngân hàng Nông nghiệp có nợ xấu chiếm 24% tổng nợ. Sau khi làm lại sổ sách để IPO vào năm 2010 với số tiền thu được cao kỷ lục 22,1 tỷ USD, ngân hàng này có 83% cổ phần thuộc sở hữu nhà nước. Chỉ tính riêng quý I, tổng tài sản tăng 7,6% so với năm 2011, đạt 12,6 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Các ngân hàng còn lại trong nhóm bốn ngân hàng lớn nhất Trung Quốc là Bank of China và Ngân hàng xây dựng Trung Quốc cũng có các khoản phải thu tương tự với tỷ lệ lần lượt là 16% và 17% trước khi tiến hành tái cơ cấu cách đây 1 năm. Giờ đây, tỷ lệ chỉ khoảng 1%.

Điều đáng lo ngại là bong bóng xây dựng và ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước đã bùng nổ ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Bốn ngân hàng lớn nhất có dự phòng nợ không thu hồi được cao gấp 2 đến 3 lần các khoản nợ xấu. Tỷ lệ này là không đủ để bù đắp nếu như so sánh với các dữ liệu trong quá khứ.

Charlene Chu, chuyên gia phân tích tại Fitch Ratings đã viết trong một báo cáo rằng Fitch nhận định các lãnh đạo Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách có chọn lọc để có thể hỗ trợ thanh khoản cho người vay tiền như đảo nợ, tái cơ cấu nợ và phát hành trái phiếu.  Điều này khiến các vấn đề về chất lượng tài sản của các ngân hàng Trung Quốc không được nhìn nhận đúng mức. Bất cứ khi nào các vấn đề nghiêm trọng này bị lộ ra, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng.

Vấn đề chỉ còn là thời gian. Dù sao thì các ngân hàng vẫn sống sót trong khi các cổ đông nước ngoài sẽ phải chịu lỗ lớn nếu chính phủ bơm vốn hoặc tái cấu trúc các ngân hàng này một lần nữa.

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

Trở lên trên