MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GAS có là tội đồ cho VN-Index?

Nếu GAS tăng đạt ngưỡng và bắt đầu điều chỉnh, khả năng rất cao là VN-Index sẽ ảnh hưởng nặng nề. Không phải bất cứ cổ phiếu có tỉ trọng cực lớn nào cũng hấp dẫn.

Phiên giao dịch ngày 22.5, cả hai sàn đã quay đầu giảm điểm nhẹ với thanh khoản yếu. Sự có mặt của cổ phiếu PVGas (mã CK: GAS) đã khiến VN-Index thêm “méo mó”. GAS liệu sẽ “hành” chỉ số này đến mức nào khi đã tăng giá rất mạnh?

Tân binh và cựu binh

Với trên 1,89 tỉ CP được niêm yết và bắt đầu giao dịch ngày 21.5, GAS đã vượt mặt VCB, trở thành CP dẫn đầu sàn HSX về giá trị vốn hóa. Với giá đóng cửa hôm 21.5 là 41.000 đồng/CP, GAS đạt tỉ trọng trong rổ tính VN-Index khoảng 11,89%. Nhất cử nhất động của GAS sẽ có ảnh hưởng lớn tới VN-Index. Nếu có sự hiệp đồng giữa VCB và GAS, hai CP này có thể bẻ hướng chỉ số một cách dễ dàng.

“Tân binh” GAS được kỳ vọng sẽ lặp lại con đường mà “cựu binh” VCB vừa đi qua chỉ hai tuần trước. Khi VCB có thông tin niêm yết toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu nhà nước, giá lập tức tăng vọt 12,8% chỉ trong 8 phiên đầu tháng 5. GAS trong phiên chào sàn ngày 21.5 cũng đã tăng vọt 13,9% và ngày 22.5 lại tăng thêm 4,88% nữa, đạt giá trần 43.000 đồng/CP.

Ảnh hưởng của GAS lên VN-Index là khá rõ trong phiên ngày 22.5. Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index chỉ giảm 0,02%, tức là rất nhỏ. Trong khi đó VN30-Index – chỉ số được xem là góp phần lọc biến động đối với những mã vốn hóa lớn – giảm tới 0,39%. Ngay mức giảm của VN30-Index cũng hơi “méo” khi có 16/30 mã giảm giá, trong đó bao gồm những CP vốn hóa lớn như BVH, MSN, VNM và VCB. “May mắn” là VN30-Index được giới hạn tỉ trọng. Các mã như VCB, BVH, VNM, MSN đều chỉ tối đa chiếm 10% rổ tính. Do đó mức giảm của chỉ số này hôm nay cũng không chính xác, nhẹ hơn thực tế.

GAS lại mới niêm yết và chưa được đưa vào rổ tính của chỉ số VN30-Index nên CP này tăng trần trong phiên ngày 22.5 đã gánh phần lớn mức giảm của các mã vốn hóa lớn nhất nhóm VN30. GAS sẽ tác động đến VN-Index là chính, chứ không ảnh hưởng đến VN30-Index.

GAS có là “tội đồ”?

Trước khi GAS lên sàn, thị trường đã có chuỗi 5 phiên sụt giảm cực mạnh, VN-Index mất trên 45 điểm chỉ trong một tuần. Rất nhiều suy luận khác nhau rằng thị trường bị “đánh xuống” trước khi GAS chào sàn để sau đó “đánh lên” GAS nhằm bù lại mức giảm, tránh cho thị trường có biểu hiện quá “nóng”.

Không rõ suy luận đó có hợp lý hay không, nhưng hai phiên giao dịch đầu tiên GAS thực sự tăng rất mạnh. GAS khi cổ phần hóa chỉ có giá 31.000 đồng/CP vào tháng 11.2010. Không có nhiều thông tin về GAS trên thị trường OTC nhưng cả năm 2011, thị trường niêm yết suy giảm gần như liên tục và rất có thể GAS có giá thấp hơn nữa. Chỉ so sánh riêng với giá IPO, hơn một năm nắm giữ, giá trị đầu tư với GAS đến thời điểm 22.5 đã tăng khoảng 38,7%, một mức lợi nhuận không tồi chút nào.

Theo định giá của CTCK HSC, mức giá hợp lý cho GAS là khoảng 45.400 đồng/CP. Như vậy chỉ cần tăng trần thêm một phiên nữa, GAS có thể đạt tới mức này. Liệu hiện tượng chốt lời có thể xảy ra hay không phải chờ thời gian trả lời, nhưng đã có những tín hiệu sớm trong hai phiên giao dịch đầu tiên của CP này. Trong ngày 21.5, nhà đầu tư nước ngoài đã mua khoảng 54% trong tổng số 2,5 triệu CP GAS được giao dịch. Ngày 22.5, khối ngoại đã rút xuống đáng kể, chỉ còn chiếm 46,6% qua giao dịch khớp lệnh. Thanh khoản của GAS cũng đã sụt giảm rất mạnh, chỉ đạt 1,93 triệu đơn vị. Giao dịch thỏa thuận được thực hiện giữa các tổ chức với 2,9 triệu CP nữa.

Việc bán ra khá mạnh với GAS chắc chắn là biểu hiện của hoạt động chốt lời. Không phải tổ chức và cá nhân nào cũng suy luận GAS sẽ “nổi sóng” khi các quỹ đầu tư chỉ số và quỹ đầu tư thông thường sẽ buộc phải mua GAS để cân bằng danh mục. Các quỹ đầu tư quan tâm đến GAS đã tham gia từ khi cổ phần hóa và có thể cả lúc chưa niêm yết. Việc các quỹ chỉ số buộc phải điều chỉnh danh mục có đồng nghĩa với việc mua GAS bất chấp giá hay không phải cần thời gian để kiểm chứng.

Nếu GAS tăng đạt ngưỡng và bắt đầu điều chỉnh, khả năng rất cao là VN-Index sẽ ảnh hưởng nặng nề. Không phải bất cứ cổ phiếu có tỉ trọng cực lớn nào cũng hấp dẫn. VCB là ví dụ, đã trả lại thị trường khoảng 13,5%, tức là "bốc hơi" quá cả mức tăng đầu tháng 5. Nhà đầu tư nước ngoài không những không mua, mà còn bán ròng VCB trong thời gian này.

Theo Hoàng Nguyên
Báo Lao động

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên