MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 tháng, vốn FDI đăng ký đạt 5,32 tỷ USD, giảm tới 31,8%

Trong 5 tháng đầu năm 2012, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được khoảng 4,51 tỷ USD.

Số liệu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tổng hợp từ các địa phương vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, cho thấy tình hình không có gì nổi trội so với năm ngoái.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2012, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được khoảng 4,51 tỷ USD, giảm nhẹ 0,2% với cùng kỳ năm 2011.

Hàng trăm tỷ USD vốn FDI đã đăng ký nhưng chưa giải ngân, đến thời điểm này không thấy tạo đột biến trên con số thực tế chảy vào Việt Nam. Ngược lại, số vốn đăng ký mới liên tục không bằng giai đoạn trước.

Tính đến ngày 20/5, cả nước có 283 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,12 tỷ USD, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2011. Ngoài ra, có 82 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 1,2 tỷ USD, giảm tương ứng tới 47,5%.

Tính chung cả vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 5 tháng đầu năm 2012 là 5,32 tỷ USD, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2011.

Từ đầu năm đến nay, dẫn đầu về thu hút vốn FDI là lĩnh vực công nghiệp chế biến với 127 dự án đầu tư đăng ký mới và 66 dự án tăng vốn, tổng vốn cấp mới và tăng thêm 3,3 tỷ USD, chiếm 62,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,57 tỷ USD, chiếm 29,6% vốn đầu tư; lĩnh vực vận tải kho bãi đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 182 triệu USD, chiếm 3,4%...

Đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,68 tỷ USD, chiếm 69,1%; British Virgin Islands đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 440,8 triệu USD, chiếm 8,3%; vị trí thứ 3 là Hồng Kông với 399,6 triệu USD...

Trong 5 tháng đầu năm 2012 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 39 tỉnh thành phố của Việt Nam, trong đó Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 1,6 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, chiếm 30,1% tổng vốn đầu tư.

Hải Phòng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 928,8 triệu USD, chiếm 17,4%; Đồng Nai đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 698 triệu USD, chiếm 13,1%.

Một số dự án lớn được cấp phép trong 5 tháng đầu năm 2012 gồm dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD; dự án Công ty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam sản xuất và xuất khẩu 100% sản phẩm lốp cao su do Nhật Bản đầu tư tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 574,8 triệu USD.

Ngoài ra còn có các dự án như Công ty sản xuất toàn cầu LIXIL Việt Nam tại Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 441 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất sợi của nhà đầu tư Hồng Kông tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD; dự án Công ty TNHH Công nghiệp Nishina Việt Nam tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD.


Theo Bình Minh
 NDHMoney

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên