MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài khóa mở rộng, tiền tệ dễ dãi: Nguồn cơn cho bất ổn

27-05-2012 - 23:56 PM | Tài chính - ngân hàng

Mua TPCP thường là các TCTD và khi cần các TCTD sử dụng TPCP để chiết khấu hoặc bán lại cho NHNN. Như vậy NHNN đã tiền tệ hóa TPCP dẫn tới tăng M2 ngoài kế hoạch.

Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thác thức từ vấn đề lạm phát cao, tăng trưởng thấp, vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đó là hệ quả sau nhiều năm chính sách tiền tệ và tài khóa lỏng lẻo.

Chính sách tiền tệ dễ dãi tạo ra bong bóng đầu cơ

Những năm qua VN đã theo chính sách tiền tệ mở rộng kéo dài, qua số liệu có thể thấy trong giai đoạn 1995-2009 tăng trưởng tín dụng bình quân 28,8%/năm, cao gấp 5 lần Thái Lan, 4 lần Indonesia và 1,5 lần Trung Quốc.

Hệ số giữa dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế/GDP cũng tăng 3 lần từ 2000-2010 (từ 40% của năm 2000 lên 116,1% năm 2010) trong khi Trung Quốc chỉ tăng 1,23 lần; Thái Lan và Malaysia gần như không tăng, còn Indonesia và Philippines giảm khá nhiều.

Tổng phương tiện thanh toán M2 giai đoạn 2000-2010 cũng tăng trung bình 26,3%/năm cao hơn các nước trong khu vực từ 1,6-4 lần.

Đặc biệt trong giai đoạn 2007-2010, M2 của Việt Nam tăng 2 lần trong khi GDP danh nghĩa chỉ tăng 1,73 lần và GDP thực tế tăng 1,2 lần.

Không chỉ có chính sách mở rộng tín dụng mà NHNN còn sử dụng công cụ “nới lỏng định lượng”. Hàng năm NHNN đều có “cung tiền” theo kế hoạch được duyệt nhằm đáp ứng một số nhu cầu cần thiết như tái cấp vốn cho các NHTM Nhà nước.

Từ đầu những năm 90, tư duy về tăng cung ứng tiền hằng năm của NHNN dựa vào tăng trưởng GDP, tuy nhiên dường như cơ quan quản lý không tính đến tốc độ lưu thông của tiền. Do vậy từ lượng tiền cơ bản được phát hành được nhân lên nhiều lần trong hệ thống theo hệ số nhân tiền. Hiện nay hệ số nhân tiền ở Việt Nam khoảng 5 lần, thì với 50.000 tỷ được phát hành sẽ làm M2 tăng tối đa 250 ngàn tỷ đồng.

Với chính sách tiền tệ mở rộng kéo dài, tín dụng tăng hơn nhiều lần so với tốc độ tăng trưởng GDP, vượt quá khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lạm phát tăng cao.

Hơn nữa với cung tiền tăng nhanh, tiền cơ bản liên tục được bơm ra thị trường một cách dễ dàng đã dẫn tới tâm lý chi tiêu dễ dãi, tạo nên tình trạng bong bóng đầu cơ trên thị trường bất động sản và TTCK.

Tiền tệ hóa trái phiếu Chính phủ

Cùng với một chính sách tiền tệ dễ dãi, giai đoạn 2000-2010 chính sách tài khoá cũng liên tục được mở rộng. Tỷ lệ đầu tư/GDP luôn được duy trì mức cao kéo theo hiện tượng lấn át đầu tư tư nhân.

Từ năm 2006-2010, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước và từ phát hành TPCP đạt 832 ngàn tỷ đồng, gấp 2,72 lần giai đoạn 2000-2005 (304,8 nghìn tỷ đồng). Do đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả nên hệ số ICOR cũng liên tục tăng từ mức 5,2 của 2001 lên 6,9 năm 2010.

Ngay cả những năm thực hiện thắt chặt chi tiêu để kiềm chế lạm phát như 2008 và 2011 thì chi ngân sách vẫn tăng 18,9% và 20,4%.

Tài khóa được mở rộng với chi đầu tư công tăng khiến cho tổng đầu tư toàn xã hội/GDP  tăng cao. Từ năm 2004 tỷ lệ này luôn đạt trên 40% và năm 2007 thậm chí còn đạt 46,5% đã phá vỡ cấu trúc cân bằng giữa đầu tư và tiết kiệm gây bất ổn kinh tế vĩ mô.


Để bù đắp thâm hụt ngân sách và tăng nguồn chi đầu tư, Chính phủ phải phát hành TPCP cũng như bảo lãnh phát hành TP doanh nghiệp. Theo lý thuyết thì việc phát hành TPCP không làm tăng cung tiền trong nền kinh tế nhưng với Việt Nam thì khác

Người mua các loại trái phiếu chủ yếu là các TCTD với mục đích là sở hữu loại giấy tờ có giá, đảm bảo cho thanh khoản. Khi cần các TCTD lại sử dụng chính giấy tờ này để chiết khấu hoặc bán lại cho NHNN. Như vậy NHNN đã gián tiếp trở thành nhà tài trợ vốn cho chính TPCP hay nói cách khác đã tiền tệ hóa TPCP dẫn tới tăng M2 ngoài kế hoạch.

Thanh Hải

 

tungns1

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên