MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phần mềm hải quan điện tử: Thị trường kén người mua

Dù chưa có thống kê chính thức về số lượng DN XNK trên cả nước, nhưng ước lượng có khoảng 30% trong tổng số hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động là DN XNK hoặc có đăng ký chức năng này.

Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay chỉ có bốn doanh nghiệp xây dựng được phần mềm tương thích trong việc truyền nhận dữ liệu với cơ quan hải quan là Công ty cổ phần Softech, Công ty Thái Sơn, Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ CNTT G.O.L và Công ty TNHH Dịch vụ E-Customs FCS thuộc Công ty Hệ thống Thông tin FPT.

Dù chưa có thống kê chính thức về số lượng doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước, nhưng ước lượng có khoảng 30% trong tổng số hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoặc có đăng ký chức năng này. Với một vài phép tính đơn giản, có thể dễ dàng thấy mỗi nhà cung cấp phần mềm khai báo hải quan điện tử có cơ hội phục vụ từ vài trăm đến vài ngàn doanh nghiệp.

Không dễ tham gia

Thị trường phần mềm hải quan điện tử mặc dù được đánh giá là tiềm năng nhưng theo nhận định của những người trong cuộc, để giành được thị phần là chuyện không phải dễ bởi các doanh nghiệp phải chấp nhận chuyện “làm dâu… hai họ” là Tổng cục Hải quan và các doanh nghiệp sử dụng.

Đánh giá về thị trường này, ông Lê Văn Hải, Giám đốc Công ty Softech chi nhánh phía Nam, cho biết cái khó trước hết nằm ở chỗ khai báo hải quan điện tử là nghiệp vụ phát sinh hằng ngày nên ngoài chất lượng, đơn vị cung cấp phần mềm cần có sự tư vấn về nghiệp vụ và xử lý kỹ thuật cho các doanh nghiệp sử dụng. “Các nghiệp vụ cũng khá phức tạp và đòi hỏi độ chính xác cao cũng như có nhiều vấn đề kỹ thuật cần phải giải quyết nên sự chọn lựa của Tổng cục Hải quan là rất khắt khe”, ông Hải nói.

Nhận định về mức độ cạnh tranh giữa các nhà cung cấp, ông Hải cho rằng sẽ không kém quyết liệt bởi hải quan điện tử là một “thị trường đặc biệt” do thực hiện theo chỉ thị của Chính phủ nên tính bắt buộc rất cao và tốc độ phát triển sẽ gia tăng nhanh. Do đó các doanh ngiệp sẽ phải nhanh tay chiếm lấy thị trường.

Ở một khía cạnh khác, theo bà Lê Thanh Cảnh, Giám đốc phát triển kinh doanh của Công ty TNHH G.O.L, quy mô của thị trường cũng tỷ lệ thuận với chi phí nếu phần mềm được phân phối theo kiểu truyền thống là bán bản quyền, đĩa CD đi kèm. Theo đó, càng có nhiều khách hàng, chi phí bảo trì và chăm sóc khách hàng sẽ càng tăng theo. Mặc dù hiện nay, sự phát triển của công nghệ Internet cho phép cắt giảm các chi phí kể trên bằng cách hỗ trợ khách hàng từ xa nhưng vẫn rất bất tiện cho người sử dụng và hao tốn cho nhà cung cấp mỗi lần cập nhật một phiên bản mới, thêm vào một vài chức năng.

Chưa kể trong tương lai gần, khi con số nhà cung cấp tăng lên chắc chắn sẽ có cạnh tranh về giá cả; trong khi chi phí bảo hành, chăm sóc khách hàng không thể giảm, đó là điều, theo bà Cảnh, các doanh nghiệp cần phải tính đến.

Trên thực tế, các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường cũng gian nan không kém. Bởi theo ông Trần Hải Trường, Tổng giám đốc Công ty dịch vụ E-Customs FCS, việc thay đổi thói quen sử dụng trong lĩnh vực phần mềm không phải là việc có thể làm một sớm một chiều, cho dù phần mềm đó được phát triển bởi một đội ngũ có bề dày kinh nghiệm.

Ngoài ra, cũng cần phải nhắc đến kinh phí tiếp thị và bán hàng, một trong những chi phí chiếm tỷ lệ cao trong cấu trúc chi phí của doanh nghiệp phần mềm. Theo khảo sát các công ty phần mềm nước ngoài, tỷ lệ chi phí kể trên chiếm trung bình 20,7%.

Mỗi người một bài toán mở rộng thị trường

Giành được thị phần đã khó, mở rộng thị phần, theo các doanh nghiệp cung cấp phần mềm hải quan điện tử, cũng gian nan không kém.

Theo ông Hải của Softech, công ty bắt đầu tiếp cận thị trường hải quan điện tử từ năm 2008 với phần mềm ECS ở thị trường Đà Nẵng. Đến năm 2009 Softech bắt đầu tiếp cận thị trường miền Nam. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà tiến độ tiếp cận thị trường này chưa được như mong đợi. Nguyên nhân chính, theo ông Hải là thiếu người am hiểu thị trường này. Tính từ năm 2009 đến nay, công ty đã đầu tư gần một tỉ đồng để phát triển thị trường và sẽ bắt đầu đẩy mạnh kinh doanh trong năm 2012 này.

Theo ông Hải, mặc dù tiếp cận thị trường miền Nam, cụ thể là TPHCM, chậm hơn so với hai đối thủ là Thái Sơn và G.O.L nhưng ECS vẫn còn “đất” sống vì nhu cầu sử dụng phần mềm khai báo hải quan điện tử hiện nay ở khu vực này còn rất cao và đa dạng. Không tiết lộ kế hoạch cụ thể, ông chỉ cho biết Softech sẽ chọn giải pháp cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ hỗ trợ cho khách hàng và cung cấp sự trải nghiệm cho người sử dụng thông qua hình thức cung cấp miễn phí kéo dài từ đây đến cuối năm.

Hiện Softech có hơn 2.000 doanh nghiệp khách hàng, trong đó doanh nghiệp ở miền Nam chiếm hơn 60%. “Chúng tôi kỳ vọng trong năm nay, Softech sẽ thu được lợi nhuận không chỉ từ ECS mà còn ở một số sản phẩm khác”, ông Hải nói.

Tương tự như vậy, trong vai “lính mới”, E-Customs FCS cũng chọn cách mở rộng thị trường thông qua chất lượng dịch vụ cùng với tiêu chí hướng tới sự đơn giản tối đa cho người sử dụng. Từ các buổi hội thảo về nghiệp vụ hải quan có kết hợp với việc giới thiệu sản phẩm của công ty, các chiến dịch tiếp thị tại các diễn đàn xuất nhập khẩu, ông Trường, Tổng giám đốc, kỳ vọng sẽ thu hút được hơn 50% trong số 6.000 doanh nghiệp hiện tại chuyển sang sử dụng dịch vụ trả phí từ đây đến cuối năm.

Mặt khác, ông Trường cho rằng nhu cầu về dịch vụ hải quan điện tử không dừng lại ở việc khai hải quan mà còn rộng ra ở các khâu khác, như dịch vụ chữ ký số chẳng hạn. Chính vì thế E-Customs FCS có nhiều cơ hội trong việc cung cấp các dịch vụ khác trong tương lai.

Trong khi đó, chọn cách mở rộng thị trường bằng công nghệ, bà Cảnh của G.O.L cho biết công ty đã đầu tư phát triển phiên bản khai báo hải quan điện tử CDS Live trực tuyến dựa trên nền tảng điện toán đám mây. Đợt “thay máu công nghệ” này đã làm tiêu tốn của G.O.L gần hai năm trời, bắt đầu từ năm 2008, đến năm 2010 phiên bản mới hoàn thành.

Còn về kinh phí, tính từ năm 2004, khi công ty xây dựng phần mềm CDS, tới thời điểm hiện tại chi phí đầu tư đã ngót nghét chục tỉ đồng. Chính vì thế với hơn 5.000 doanh nghiệp khách hàng, trong đó có cả miễn phí lẫn thu phí, doanh thu vẫn chưa thấm vào đâu so với số tiền đầu tư đã bỏ ra. Tuy nhiên, theo bà Cảnh, có một tín hiệu lạc quan là hiện nay các tập đoàn đa quốc gia đầu tư xuất nhập khẩu tại Việt Nam đều hướng đến nền tảng điện toán đám mây và đây chính là đối tượng tiềm năng của G.O.L.

“Công nghệ điện toán đám mây cho phép các tập đoàn đa quốc gia giám sát các hoạt động của các chi nhánh, nhà máy và kể cả các đơn hàng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đối với hoạt động xuất nhập khẩu, do đặc thù của ngành hải quan ở từng quốc gia khác nhau nên các tập đoàn này thường thuê dịch vụ, nguồn nhân lực sẵn có. Việc triển khai điện toán đám mây cho phần mềm CDS Live là thế mạnh của G.O.L khi làm việc với các đối tác này”, bà Cảnh nói.

Theo Công Sang

TBKTSG


cucpth

Trở lên trên