Ông Lê Xuân Nghĩa: Kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn khó khăn nhất
Những tháng cuối năm áp lực giải ngân là rất lớn. Tính trung bình sẽ có khoảng 15.000 – 17.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân mỗi tháng.
Việt Nam là nền kinh tế trước nay tăng trưởng đều phụ thuộc vào tín dụng, vậy tại sao từ đầu năm đến nay tín dụng lại không thể tăng trưởng? Phải chăng kinh tế của Việt Nam đã đủ sức tự phát triển mà không cần dựa vào vốn tín dụng của ngân hàng?
Đã có rất nhiều ý kiến được các chuyên gia đưa ra, chẳng hạn như: Doanh nghiệp không thể hấp thụ được vốn, ngân hàng lo sợ nợ xấu nên không cho vay, lãi suất quá cao khiến doanh nghiệp không dám vay…Nhưng chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tất cả điều đó không lý giải một cách đầy đủ cho câu hỏi tại sao.
Theo ông Nghĩa, thực chất tín dụng không tăng trưởng được là do kinh tế đang là chu kỳ đáy. Thêm vào đó, mối quan hệ Ngân hàng – doanh nghiệp, ngân hàng – ngân hàng, doanh nghiệp – doanh nghiệp… đã không còn lòng tin với nhau.
Ông Nghĩa cảnh báo, nếu tình trạng này kéo dài thì hậu quả để lại sẽ rất lớn. Giả sử, nợ tồn đọng hiện nay vào khoảng 10% GDP, nếu nút thắt giữa ngân hàng và doanh nghiệp không được tháo thì sẽ cần khoảng 8 – 10 năm để giải quyết vấn đề này.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, suốt khoảng thời gian này ngân hàng sẽ không cho vay ra, đồng thời lãi suất sẽ phải tăng lên đề bù vào khoản nợ xấu đó. Chính vì thế việc tăng trưởng và an sinh xã hội sẽ không thể thực hiện – ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng nhấn mạnh về gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng, nhất là việc giải ngân 184.000 tỷ đồng từ vốn đầu tư ngân sách (đã giải ngân được hơn 60.000 tỷ đồng); trái phiếu Chính phủ 45.000 tỷ (đã giải ngân được 7.000 tỷ đồng); bắt đầu cho phép ứng trước một số khoản đầu tư xây dựng cơ bản của năm 2013;…
Có thể thấy rằng, những tháng cuối năm áp lực giải ngân hết những khoản tiền nêu trên là rất lớn. Tính trung bình sẽ có khoảng 15.000 – 17.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân mỗi tháng.
Như vậy, thời gian tới sẽ một một lượng tiền rất lớn của ngân sách Nhà nước đi vào nền kinh tế.
Về chính sách tiền tệ, đến nay tăng trưởng tín dụng vẫn âm nên dư địa cho những tháng cuối năm là còn rất lớn. Nếu chính sách tiền tệ không có những can thiệp thì lạm phát năm nay chỉ dừng ở mức 5%, còn muốn “đẩy” tăng lên mức 8% thì phải có một lượng tiền rất lớn được đẩy ra. Xong tỷ lệ này không được vượt quá mức 10% để tránh tình trạng lạm phát quay trở lại ở những năm tiếp theo.
Theo tính toán của các chuyên gia, tỷ lệ lạm phát năm nay ở mức 5 – 6% thì năm sau tỷ lệ này sẽ là 8 – 9%, còn nếu năm nay lạm phát là 8 – 9% thì năm 2013 tỷ lệ này sẽ là 6 -7%.
Ông Nghĩa cho rằng, mặc dù nhìn tổng thể còn nhiều khó khăn nhưng khó khăn nhất đã đi qua và so với tình hình năm ngoái thì mọi thứ đã sáng sủa hơn rất nhiều.
Cụ thể, năm 2011 Chính phủ không có trong tay bất cứ một dư địa nào kể cả tài khóa lẫn chính sách tiền tệ, bởi lẽ chỉ cần một “nhúc nhích” nhỏ là có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát.
Nhưng năm nay thì khác, cả 2 công cụ này đang còn dư địa rất lớn, cho phép Chính phủ nới lỏng hơn nữa mà không hề ảnh hưởng gì đến mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Ông Nghĩa ví von, “Bắt đầu từ tháng 4 năm nay, Chính phủ đã có thể bước được 2 chân lên bờ, mặc dù hơi thở còn gấp gáp một chút nhưng chắc chắn là đã có không khí để thở và có thể bước đi được”.
Vấn đề chỉ còn ở chỗ Chính phủ đang cân nhắc xem nên nới lỏng đến đâu là vừa đủ cho năm nay và cả các năm tiếp sau đó.
Khánh Linh