MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lệnh thị trường: “Vũ khí” mới để đua giá

Về rủi ro, một khi đã lựa chọn sử dụng lệnh thị trường, người mua hoặc bán cần xác định là bất chấp giá.

Lệnh thị trường chuẩn bị được Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HSX) áp dụng thí điểm 3 tháng kể từ ngày 2/7 tới. Thực ra lệnh này không khác lắm so với lệnh giới hạn bán sàn, mua trần.

Lệnh thị trường được nhắc đến từ khá lâu và đã chuẩn bị áp dụng nhiều năm trước, song lại được lùi lại nhiều lần. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là yếu tố kỹ thuật là tình trạng thị trường không thuận lợi. Lần dự kiến triển khai đầu tiền là từ cuối tháng 7/2007 cùng với kế hoạch cho giao dịch liên tục ở HSX. Lần hoãn thứ hai là tháng 6/2011. Lần thứ 2, HSX thậm chí còn phát đi thông báo chính thức chuẩn bị áp dụng.

Lệnh thị trường đơn giản là lệnh không ghi giá, chỉ quan tâm tới khối lượng. Với lệnh mua, lệnh thị trường sẽ khớp mua sao cho đủ khối lượng thì thôi, không quan tâm giá bán là bao nhiêu. Ngược lại, lệnh thị trường bán sẽ khớp từ cao xuống thấp, đủ khối lượng sẽ dừng lại. Lệnh thị trường là một hình thức tương tự lệnh ATO hay ATC cho giai đoạn khớp lệnh liên tục.

Trên phương diện này, trong bối cảnh thanh khoản đủ cả chiều mua hoặc chiều bán, lệnh thị trường không khác gì so với việc đặt mua giá trần và đặt bán giá sàn bằng lệnh giới hạn. Do có cơ chế ưu tiên giá, nên lệnh bán sàn sẽ khớp theo giá bán tốt nhất hiện có. Nếu lượng đặt bán thấp hơn lượng đặt mua thì lệnh bán sàn sẽ khớp tới các mức giá thấp hơn cho tới lúc đủ khối lượng. Chiều ngược lại cũng tương tự với lệnh đặt mua trần.

Điểm khác là khối lượng không khớp hết của lệnh thị trường mua sẽ được chuyển thành lệnh mua giới hạn mức giá cao hơn mức giá khớp cuối cùng một giá, hoặc lệnh thị trường bán dư chuyển thành lệnh bán giới hạn thấp hơn với mức giá khớp cuối cùng một giá.

Đối với các cổ phiếu thanh khoản cao, lệnh thị trường không có khác biệt rõ rệt so với việc mua trần, bán sàn bằng lệnh giới hạn. Nói một cách đơn giản, khi khối lượng cần mua/cần bán của lệnh thị trường thấp hơn khối lượng treo bán/treo mua hiện có, ảnh hưởng đến cung cầu là không nhiều.

Chẳng hạn, dư mua giá tốt nhất khoảng 10.000 cổ phiếu. Lệnh thị trường bán 5.000 cổ phiếu thì cũng không khác gì một lệnh bán lệnh giới hạn bình thường tại mức giá đó. Chỉ khi khối lượng bán của lệnh thị trường lớn hơn, ví dụ 19.000 cổ phiếu, sau khi khớp hết 10.000 cổ phiếu giá mua cao nhất, khối lượng dư bán của lệnh thị trường sẽ tìm xuống các mức dư bán giá thấp hơn cho đến lúc đủ khối lượng.

Với cơ chế khớp theo khối lượng, bất chấp giá, lệnh thị trường sẽ tạo ra sự mất cân đối cung cầu cực nhanh tại các cổ phiếu thanh khoản kém. Điều may mắn là HSX có giới hạn khối lượng một lệnh, nên tốc độ khớp có thể không quá chóng mặt. Tuy nhiên nếu người bán liên tục sử dụng một chuỗi lệnh thị trường với khối lượng tối đa, dư mua vẫn có thể thay đổi bất ngờ. Nếu lệnh thị trường được triển khai ở HNX, nhà đầu tư sẽ choáng với các lệnh vài trăm ngàn, thổi bay dư mua, dư bán trong một lần khớp.

Lệnh thị trường chỉ được áp dụng trong đợt khớp lệnh liên tục với mục đích tăng thanh khoản. Tuy nhiên, tính thanh khoản không hẳn phụ thuộc vào tính chất của lệnh khớp mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Về lý thuyết, lệnh thị trường tạo điều kiện tốt hơn cho người mua và người bán về tốc độ khớp cũng như thỏa mãn tốt nhất nhu cầu giao dịch với khối lượng tối đa mà phía đối ứng hiện có. Do đó tính thanh khoản sẽ được nâng lên. Tuy nhiên, điểm mạnh thực sự của lệnh MP là giúp tranh mua, tranh bán, bất chấp giá nên tốc độ giao dịch chắc chắn sẽ rất cao ở những thời điểm thị trường sôi động.

Ngược lại, ở những thời điểm thị trường làng nhàng như hiện tại, người mua lẫn người bán căn ke giá từng bước thì lệnh thị trường với khối lượng nhỏ cũng không khác mấy lệnh giới hạn đặt giá mua cao hơn mức dư bán hoặc đặt giá bán thấp hơn mức dư mua hiện có.

Về rủi ro, một khi đã lựa chọn sử dụng lệnh thị trường, người mua hoặc bán cần xác định là bất chấp giá. Do đó nhiều khả năng sẽ phải khớp ở các mức giá cao hơn bình thường. Khi dư bán khối lượng thấp ở các bước giá cách xa nhau (bước giá không liên tục) - chẳng hạn có duy nhất hai dư bán ở giá tham chiếu và giá trần - lệnh thị trường có khối lượng mua lớn hơn dư bán giá tham chiếu sẽ được khớp nốt tại giá trần. Trường hợp ngược lại cũng tương tự.

Theo Khánh Hà
VnEconomy

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên