MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WB: Kinh tế vĩ mô đã bước vào giai đoạn ổn định

Năm 2012, lạm phát được dự báo sẽ đạt 9,5% và sẽ giảm xuống còn 6% trong năm 2013.

Tại buổi họp báo do Ngân hàng Thế giới tổ chức thông tin về Hội nghị thường các nhà Tài trợ, kinh tế gia trưởng của WB tại Việt Nam, ông Deepak Mishra đã thông báo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy bối cảnh kinh tế thế giới nhiều rủi ro và bất ổn. Đó là diễn biến kinh tế khó lường tại khu vực châu Âu, giá dầu vẫn ở mức cao, các dòng vốn lưu chuyển yếu cùng với chi phí vốn gia tăng tại nhiều quốc gia.

Theo dự báo của WB trong năm 2012 tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ đạt 3,2% và khu vực Đông Á trừ Trung Quốc khoảng 4,3%.

Với Việt Nam, chuyên gia của WB cho rằng kinh tế vĩ mô đã bước vào giai đoạn ổn định sau khi ban hành nghị quyết 11.

Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể như lạm phát giảm mạnh, cán cân đối ngoại cải thiện, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng và rủi ro nền kinh tế giảm.

Nghị quyết 11 thành công do sự nhất quán trong thông điệp, cùng với sự tham gia đóng góp của các thành phần kinh tế và sự điều phối tốt hơn của Chính phủ.

Tuy chưa thực sự hoàn hảo nhưng theo WB nghị quyết 11 có thể là mô hình tương đối thành công để thiết kế và thực hiện các chương trình  cải cách trong tương lai.

“Cần phải thấy rằng tăng trưởng chậm lại của Việt Nam nằm trong xu thế chung của nền kinh tế Thế giới và khu vực.” – ông Mishra nhận xét.

Năm 2011 và quý I/2012 mặc dù kinh tế suy giảm nhưng xuất khẩu của Việt Nam rất tốt. Tăng trưởng xuất khẩu của quý I đạt 24,2% trong đó giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng trưởng 154%; điện tử và máy tính tăng trưởng 99% bên cạnh sự suy giảm của một số ngành như xuất khẩu gạo, than.

Đối với chính sách tiền tệ chuyên gia WB cho rằng còn nhiều thách thức đối với NHNN khi vừa phải đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng nhưng không phải giảm lãi suất quá nhanh  để tăng tín dụng và đánh mất thành quả ổn định kinh tế vĩ mô

Thâm hụt ngân sách đã giảm mạnh từ 7,2% của năm 2009 xuống 2,7% của năm 2011. Tuy nhiên việc giảm thâm hụt chủ yếu là do ngân sách đã tăng nguồn thu.

Bên cạnh đó nợ công tuy ở mức bền vững nhưng nhiều rủi ro gia tăng liên quan đến nghĩa vụ nợ của DNNN và dự phòng tại các NHTM.

Với khu vực tài chính ngân hàng thì việc tái cơ cấu theo quyết định 254 vẫn còn nhiều thách thức từ hạn chế kỹ thuật, chi phí tài chính cho tái cơ cấu và phối hợp của các ngành.

Từ những phân tích vĩ mô, ông Mishra đánh giá tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2012 sẽ khoảng 5,7% và tăng lên mức 6,3% trong năm 2013. Tỷ lệ lạm phát năm 2012 khoảng 9,5% và giảm xuống còn 6% vào năm sau.

“Dự báo này dựa trên thực tế năm 2009 gặp khủng hoảng thì tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn tăng trưởng 5,3% do vậy năm 2012 không khủng hoảng thì chúng tôi hy vọng tăng trưởng sẽ tăng trưởng trở lại trong quý III,IV. Điều này phù hợp do độ trễ của chính sách”- ông Mishra kết luận.

Thanh Hải

tungns1

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên