MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc phân tích SHF: Lệnh MP hiệu quả nhất với nhà đầu tư lướt sóng

Khi thị trường biến động mạnh, lệnh MP vô hình chung giúp đội lái có thể dẫn dắt tâm lý NĐT nhanh hơn. NĐT có thể sẽ chịu tác động lớn hơn từ luồng tiền dẫn dắt mà không có cơ hội sửa sai.

Hôm qua (28/5), Sở giao dịch TP.HCM đã chính thức thông báo việc triển khai thử nghiệm lệnh thị trường (MP) trong 3 tháng kể từ ngày 02/07/2012. Để đánh giá tác động của lệnh MP đối với thị trường, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc phân tích Quỹ Sài gòn Hà Nội (SHF) về vấn đề này.

PV: Theo ông, việc áp dụng lệnh MP sẽ có tác động như thế nào đến thị trường trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Việt Đức: Khi so sánh lệnh giới hạn (limit) và lệnh thị trường (MP) thì tóm tắt là lệnh limit thì chính xác còn lệnh MP thì nhanh. Do đó, lệnh MP là lệnh hiệu quả nhất cho nhà đầu tư lướt sóng, trong khi đó lệnh limit là lệnh dành cho những người đầu tư giá trị.

Khi lệnh MP ra đời, tôi cho rằng lệnh này sẽ trở nên phổ biến vì khi lướt sóng, việc khớp lệnh và được ưu tiên mua cổ phiếu quan trọng hơn mức giá. Do đó, tôi nghĩ sẽ có một phần lớn lệnh limit trong phiên giao dịch liên tục chuyển sang lệnh MP.

“Trường hợp giá khớp cuối cùng là giá trần đối với lệnh thị trường mua hoặc giá sàn đối với lệnh thị trường bán thì lệnh thị trường sẽ được chuyển thành lệnh giới hạn mua tại giá trần hoặc lệnh giới hạn bán tại giá sàn”.

Thứ hai, nhà đầu tư sẽ giảm thời gian nhập lệnh, thay vì phải nhập một con số cụ thể cho lệnh limit thì họ chỉ cần lựa chọn MP là sẽ được khớp cổ phiếu.

Về thị trường, điều này sẽ giúp cho sở giao dịch có thể nhận biết được thực tế thị trường. Nếu trong một phiên tỷ lệ dùng lệnh limit cao hơn trung bình thì có thể thấy đa số người tham gia là nhà đầu tư giá trị, ngược lại, tỷ lệ MP/Limit cao hơn trung bình cho thấy phần lớn người tham gia thị trường là nhà đầu tư lướt sóng.

Việc triển khai lệnh MP có phát sinh cơ hội cho "đội lái" làm giá cổ phiếu không, thưa ông?

Tôi nghĩ là lệnh MP không khác nhiều với các lệnh limit ở các mức giá cao hơn mức giá đang khớp lệnh vì cả hai lệnh trên đều sẽ quét hết các lệnh đối ứng. Ngoài ra, có thể thấy là lệnh thị trường sẽ chuyển thành lệnh limit ở các mức giá trần (mua) và giá sàn (bán).

Đội lái thường tạo tâm lý khan hiếm cổ phiếu bằng cách đưa vào một lượng lớn lệnh trần và việc sử dụng lệnh MP cũng không khác gì trong trường hợp này. Do đó, lệnh MP nói chung không làm giảm tầm ảnh hưởng của đội lái

Ngược lại, trong điều kiện thị trường biến động mạnh, lệnh MP giúp nhà đầu tư lướt sóng có thể phản ứng nhanh hơn (dù nhanh hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn) với biến động mạnh của thị trường nên sẽ làm tăng tốc độ tăng/giảm của cổ phiếu và vô hình chung giúp đội lái có thể dẫn dắt tâm lý nhà đầu tư nhanh hơn. Có lẽ chính vì sự lo ngại như vậy nên việc đưa lệnh thị trường vào chỉ được tiến hành vào lúc này sau 12 năm kể từ khi thị trường bắt đầu giao dịch năm 2000.

Theo ông, nhà đầu tư nhỏ lẻ có lên dùng lệnh này không?

Lệnh MP là lệnh phù hợp cho việc lướt sóng các cổ phiếu các cổ phiếu có thanh khoản cao, trong khi đó lại không phù hợp với các mã cổ phiếu có thanh khoản thấp, chênh lệch giá mua giá bán cao.

Do vậy, nhà đầu tư nên sử dụng lệnh MP khi họ là nhà đầu tư lướt sóng, và đối với những mã có thanh khoản cao, chênh lệnh giá mua – giá bán nhỏ. Lệnh MP cũng thường nhanh hơn lệnh Limit nên cũng được nên ưu tiên khi tham gia lướt sóng cổ phiếu.

Ngược lại, nhà đầu tư cũng nên chú ý rằng nhanh không có nghĩa là tốt, việc xử lý lệnh MP là rất nhanh nên nhà đầu tư sẽ chịu tác động lớn hơn từ luồng tiền dẫn dắt mà không có cơ hội sửa sai.

Chẳng hạn, trong lúc nhà đầu tư nhập lệnh limit, nhà đầu tư có thể sẽ cân nhắc lại các biến động của cổ phiếu và không dính bẫy của đội lái, ngược lại dùng lệnh MP họ sẽ phải bán/mua cổ phiếu mà việc sửa sai đòi hỏi phải chờ thêm 4 ngày (mua sửa sai) hoặc chịu phí (bán sửa sai).

Khánh Linh (thực hiện)

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên