Xu thế mới trong làn sóng di cư của giới siêu giàu thế giới
Người giàu ở Pháp hay Mỹ chạy trốn khỏi mức thuế cao trong khi người Nga và Trung Quốc muốn thoát khỏi bất ổn chính trị, tạo nên làn sóng di cư của các triệu phú và tỷ phú trên khắp thế giới.
Theo số liệu từ Kho bạc Mỹ, số công dân Mỹ từ bỏ quốc tịch Mỹ đã tăng lên hơn 1.700 người trong năm 2011, tăng hơn gấp đôi so với con số của năm 2009. Trong số đó có Eduardo Saverin, nhà đồng sáng lập Facebook. Tỷ phú nổi tiếng này đã chuyển sang sinh sống ở Singapore trước khi từ bỏ quốc tịch Mỹ cuối năm ngoái. Chỉ tính riêng quý I năm nay, đã có 460 người rời nước Mỹ.
Công dân Pháp cũng đang xem xét di cư sang Thụy Sỹ, Anh và Singapore để trốn tránh mức thuế 75% đánh vào những người có thu nhập trên 1 triệu euro mà Tổng thống Francois Hollande đề xuất.
Trong khi đó, giới nhà giàu ở các thị trường mới nổi như Nga, Trung Quốc và Brazil cũng mong muốn tìm được các giải pháp tốt hơn để có thể bảo vệ tài sản cũng như gia đình của họ. Tăng trưởng chậm chạp, bất ổn chính trị và thị trường trong nước dễ biến động khiến người giàu trên khắp thế giới chuyển đến Anh hoặc Mỹ.
Các tỷ phú người Nga đang di cư đến London với số lượng lớn. Roman Abramovich, tỷ phú người Nga sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea chỉ là một trong số 10 tỷ phú người Nga đang sinh sống ở London. Ngoài ra, theo ước tính có khoảng 1.000 triệu phú Nga coi London là nhà.
Theo các công ty bất động sản tại London, các khách hàng của họ bị hấp dẫn bởi sự ổn định và văn hóa của nước Anh. Sau cuộc bầu cử hỗn loạn năm ngoái, các tỷ phú và triệu phú người Nga ngày càng lo lắng về sự ổn định chính trị cùng với khối tài sản của mình.
Giới nhà giàu Trung Quốc cũng đang chuyển đến Mỹ với số lượng lớn. Hơn 2.000 công dân Trung Quốc đã di cư đến Mỹ trong năm 2011 theo chương trình “visa cho nhà đầu tư”, gấp đôi số lượng của năm 2010. Chương trình này cho phép người nước ngoài cùng với gia đình được cấp quyền công dân tạm thời nếu có khoản đầu tư tối thiểu là 500.000 USD.
Một số chuyên gia kinh tế và xã hội học cho rằng làn sóng di cư này có thể phá vỡ mạng lưới liên kết các quốc gia và cộng đồng bởi của cải sẽ không được đổ vào công việc từ thiện hay công việc kinh doanh ở nước sở tại. Xu hướng này cũng có thể dẫn đến cuộc chạy đua về chính sách thuế, điển hình như Singapore đang có chính sách thuế thu nhập cá nhân hấp dẫn.
Một số người khác lại cho rằng đơn giản là người giàu đang đi theo luật lệ của dòng vốn – tiền sẽ chảy vào nơi mà nó được đối xử tốt nhất. Công nghệ cho phép người giàu kinh doanh và đầu tư vào bất cứ nơi nào trên thế giới, trong khi thuế đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến quyết định còn giáo dục và khí hậu cũng không kém quan trọng.
Anh Thư