MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những cái tên biến mất khỏi thị trường

Có những cái tên biến mất hoàn toàn khi cổ phiếu bị hủy niêm yết, nhưng cũng có những cái tên biến mất để chủ thể của nó chuyển sang một trang mới - tăng trưởng cả về chất và lượng.

Hôm qua (31/5) là ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu VSP – cổ phiếu của CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (trước là CTCP Đầu tư và Vận tải dầu khí Vinashin) trước khi bị hủy niêm yết.

6 tháng đầu năm 2012: 5 cổ phiếu bị hủy niêm yết

Cái tên VSP sẽ biến mất khỏi sàn Hà Nội với sự tiếc nuối của rất nhiều nhà đầu tư – những người trước đây đã trực tiếp hoặc gián tiếp coi VSP như một “tàu tốc hành” của sàn HNX.

Nhìn lịch sử giao dịch của VSP mới thấy “choáng váng”. Năm 2008, VSP đã trở thành hiện tượng khi tăng từ 20.000 đồng/cp lên 240.000 đồng/cp vào ngày 28/8/2008. Lên như diều gặp gió nhưng chỉ sau đó 1 năm, VSP lại trở về đúng vạch xuất phát và ngày càng thảm hại khi rời sàn với mức giá 1.800 đồng/cp.

Thời hoàng kim của VSP vào năm 2008 gắn với chỉ bố BDI-Index (chỉ số cước vận tải biển hàng khô) khi BDI thời điểm đó lên tới 11.300 điểm còn nay chỉ còn 1.300 điểm.

Suy cho cùng VSP cũng chỉ là một nạn nhân của thời buổi suy thoái kinh tế, khi ngành công nghiệp vận tải biển đã không còn là mỏ vàng kiếm tiền như trước. Giá vận tải biển giảm mạnh cùng với những khoảng đầu tư trái ngành khiến VSP lỗ 3 năm liên tiếp với số lỗ lũy kế hơn 800 tỷ đồng và khoản nợ dài hạn hơn 1.700 tỷ.

Chỉ sau ngày hôm nay, cái tên VSP sẽ biến mất khỏi danh sách cổ phiếu niêm yết cũng giống như những cái tên khác như BBT (Bông Bạch Tuyết – bị hủy niêm yết do âm vốn chủ sở hữu), DVD (Dược Viễn Đông), MCV – bị hủy niêm yết do vi phạm công bố thông tin), BAS và sắp tới đây là VKP, CAD (XNK thủy sàn Cadovimex) đều bị hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp.

Danh sách những cổ phiếu “biến mất” khỏi thị trường sẽ ngày một dài ra khi những khó khăn của nền kinh tế vĩ mô chưa thực sự được giải quyết triệt để. Lãi suất cho vay mặc dù đã hạ xuống mức 12-14%/năm, chỉ bằng một nửa so với thời kỳ đỉnh cao năm 2011 nhưng các doanh nghiệp chưa tiếp cận được với nguồn vốn giá rẻ này. Trong khi đó, nền kinh tế châu Âu xuống dốc ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Trong số những công ty niêm yết trên hai sàn, danh sách các công ty lỗ 2 năm liên tiếp có cả những cái tên đình đám nhưng CTCK Bảo Việt (BVSC), CTCK Hải Phòng (HPC), CTCK Sao Việt (SVS), Xi măng Sông Đà (SCC), Viễn thông Thăng Long (TLC), VES, VMG, VSG..

Để tránh “những hậu quả đáng tiếc xảy ra” nếu công ty tiếp tục thua lỗ, năm nay BVSC đã đặt kế hoạch rất thận trọng với kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2012 chỉ ở mức 14,6 tỷ đồng (riêng quý I/2012 đạt 10,4 tỷ). Ban lãnh đạo của BVSC khẳng định: Nhất định năm nay BVSC sẽ có lãi.

Biến mất để lột xác

Có những cái tên biến mất khỏi thị trường vì thua lỗ hay vi phạm công bố thông tin, nhưng ở một khía cạnh khác, có những cái tên biến mất để chủ thể của nó phát triển sang một trang mới – tăng trưởng cả về chất và lượng.

Điển hình nhất là Ngân hàng Công thương Việt Nam – Vietinbank, kể từ chuyển đổi tên thương hiệu từ Incombank sang thương hiệu Vietinbank từ ngày 15/4/2008, Vietinbank cổ phần hóa thành công vào tháng 7/2009, cùng với việc niêm yết trên sàn HoSE, thương hiệu Vietinbank ngày càng lan rộng với tổng vốn hóa thị trường lên tới trên 53.000 tỷ đồng, là ngân hàng có LNTT đứng đầu với gần 8.400 tỷ, tổng tài sản đứng thứ 2 toàn ngành đạt hơn 460.000 tỷ đồng.

Với xu thế M&A diễn ra mạnh mẽ, khá nhiều cái tên biến mất hoặc biến mất một phần để thay thế bằng những cái tên của đơn vị góp vốn như ngân hàng Gia Định nay thành ngân hàng Bản Việt, ngân hàng Liên Việt nay thành ngân hàng Bưu điện Liên Việt, CTCK Click&Phone thành CTCK Golden Bridge Việt Nam, chứng khoán Hướng Việt đổi tên thành Chứng khoán Morgan Stanley Hướng Việt…

Và mới đây nhất là trường hợp CTCK Thăng Long (TLS) đổi tên thành CTCK MB (MBS). Sẽ có rất nhiều nhà đầu tư nuối tiếc về cái tên TLS một thời – với đội ngũ broker hùng hậu và là một công ty có thị phần môi giới lớn nhất thị trường. Thay đổi tên, thay đổi Tổng giám đốc, cái chất của TLS có lẽ cũng sẽ phải thay đổi khi việc quản lý rủi ro sẽ bị siết chặt hơn, việc đẩy mạnh thị phần môi giới sẽ không phải là nhiệm vụ hàng đầu khi Tổng giám đốc MBS tuyên bố MBS sẽ “chỉ” giữ thị phần trong Top 3.

Dù sao, thị trường vẫn cứ vận động. Doanh nghiệp nào tận dụng được cơ hội vẫn sẽ sống khỏe và phát triển, doanh nghiệp nào yếu kém thì bị đào thải. Sẽ có ngày càng nhiều những cái tên biến mất khỏi thị trường, và thay bằng những gương mặt mới – tốt hơn cả về chất và lượng. Đó là quy luật.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên