ANZ: Việt Nam đang trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu
ANZ cho rằng vai trò của công nghệ trong cán cân thanh toán của Việt Nam sẽ ngày càng lớn. GDP sẽ ở mức 5,5% trong năm 2012 và đạt trung bình 6,6% trong 5 năm tới.
Bộ phận phân tích của Ngân hàng ANZ vừa công bố "Báo cáo về các nền kinh tế mới nổi của Châu Á" trong đó có Việt Nam.
Ngân hàng này cho rằng, vai trò của công nghệ trong cán cân thanh toán của Việt Nam sẽ ngày càng lớn. Các số liệu cho thấy số lượng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ bao gồm máy tính, sản phẩm và linh kiện điện tử, điện thoại và linh kiện điện thoại trong 4 tháng đầu năm 2012 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi kim ngạch của một số mặt hàng xuất khẩu chủ đạo không thay đổi hoặc sụt giảm.
Ngân hàng này cho rằng, vai trò của công nghệ trong cán cân thanh toán của Việt Nam sẽ ngày càng lớn. Các số liệu cho thấy số lượng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ bao gồm máy tính, sản phẩm và linh kiện điện tử, điện thoại và linh kiện điện thoại trong 4 tháng đầu năm 2012 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi kim ngạch của một số mặt hàng xuất khẩu chủ đạo không thay đổi hoặc sụt giảm.
Trong 4 tháng đầu năm, các sản phẩm công nghệ là mặt hàng đóng góp nhiều nhất vào tổng kim ngạch xuất khẩu và mức tăng trưởng luôn ở mức 2 con số. Giao dịch các sản phẩm công nghệ góp phần thu hẹp thâm hụt cán cân thương mại cũng như thay đổi cấu trúc thương mại của Việt Nam. Các sản phẩm công nghệ là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau quần áo và dệt may. Hiện nay, tỷ lệ xuất khẩu đồ điện tử và điện thoại lần lượt bằng 17% và 11% tổng kim ngạch xuất khẩu trong khi con số chỉ là 8% và 1% trong năm 2010.
Tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam
Hơn nữa, đây là một ngành đầy hứa hẹn với dòng vốn FDI chảy vào tăng rất mạnh. 6% trong tổng số FDI đăng kí năm 2011 được đổ vào ngành công nghệ thông tin. Trong khi đó, FDI vào ngành sản xuất chế tạo (trong đó đã bao gồm ngành điện từ) chiếm ưu thế.
Theo nhận định của ANZ, sự tăng trưởng của xuất khẩu các sản phẩm công nghệ sẽ khiến thâm hụt thương mại giảm xuống 9 tỷ đến 10 tỷ USD mỗi năm trong các năm tới. Tính trung bình, thâm hụt thương mại trong 5 năm tới ở mức hơn 13 tỷ USD.
Do đó, ANZ dự báo thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam trong thời kỳ này sẽ ở mức 4 đến 5% GDP trong khi giai đoạn trước đó ở mức 6% đến 7% GDP. Cán cân thanh toán tổng thể cũng sẽ được cải thiện. ANZ dự báo trong 5 năm tới cán cân thanh toán sẽ thặng dư 6 đến 7 tỷ USD mỗi năm.
Điều tất yếu là áp lực giảm giá đối với VND sẽ được giảm đi đáng kể khiến lạm phát được kiểm soát ở mức 1 con số. Đồng thời, dự trữ bắt buộc sẽ dần dần được nâng lên.
Thương mại công nghệ tăng lên cũng tạo ra những tác động tích cực đối với tăng trưởng GDP. Theo dự báo của ANZ, GDP của Việt Nam ở mức 5,5% trong năm 2012 và đạt trung bình 6,6% trong 5 năm tới. Tỷ giá ở mức 21.250 VND/USD trong năm 2012 và đạt trung bình 21.500 trong giai đoạn 2012 -2016.
Quan trọng hơn, ANZ nhận định trong trung hạn xu thế này là dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ Việt Nam đang trở thành mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu, nâng cao sản lượng và tiềm năng tăng trưởng. Mặc dù hiện đang tạo ra giá trị thặng dư thấp, ngành này sẽ có được bước tiến trong chuỗi giá trị và đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng của Việt Nam.
Đồng thời, trong dài hạn, các công ty công nghệ sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc hiện đại hóa nền kinh tế và đem lại những thay đổi về mặt cấu trúc cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, ANZ cho rằng ngành này cũng có những rủi ro nằm ở khả năng của Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp thu công nghệ mới và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
Thu Hương