Thị trường điều chỉnh là cơ hội
Đó là nhận định của ông Phạm Ngọc Bích, Giám đốc Khối Phát triển khách hàng tổ chức, CTCK Sài Gòn.
Ông Bích nói: Khủng hoảng châu Âu là một ẩn số cho tất cả TTCK. Do những khoản đầu tư lỗ ở châu Âu, nhà đầu tư thế giới sẽ nhìn lại danh mục của họ, khoản đầu tư nào có lời thì họ sẽ chốt lời để bù lỗ ở các thị trường khác, cân bằng danh mục. Khi họ bán có thể gây khó khăn cho TTCK Việt Nam.
TTCK Việt Nam hơi khác với các thị trường châu Á khác. Việt Nam là thị trường mới nổi đã gặp rất nhiều khó khăn trong năm ngoái và đã xuống rất nhiều rồi.
Tương lai nền kinh tế sẽ tốt lên, nên khả năng thị trường xuống nữa là thấp. Thị trường đã tăng 40% từ đầu năm và sau điều chỉnh thì mức tăng chỉ còn hơn 20%, nên thị trường điều chỉnh là cơ hội để mua vào với mức độ an toàn hơn năm ngoái và an toàn hơn với thời điểm cách đây 1 tháng. P/E của thị trường hiện là 12 và dự kiến cả năm nay là 9 lần.
Trong các yếu tố vĩ mô hiện nay thì điều tôi yên tâm nhất là lạm phát giảm và lo ngại nhất là sức khỏe của các ngân hàng.
Thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn
Đó là nhận định của ông Andy Ho, Giám đốc điều hành quản lý đầu tư, Công ty Quản lý quỹ đầu tư VinaCapital.
Ông Andy Ho nói: Theo tôi, cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu tác động đến DN Việt Nam chỉ ở một mức độ không lớn, bởi hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu đi châu Âu chủ yếu là quần áo, dày giép, lương thực thực phẩm, là các hàng hóa thiết yếu mà nhu cầu ít suy giảm. Các hàng hóa này cũng có thể tìm được các thị trường thay thế khác ngoài châu Âu.
Nếu TTCK có mức P/E cao, tức khả năng tăng giá không còn nhiều thì có thể lo ngại thị trường giảm mạnh, nhưng với mức P/E bình quân của thị trường còn thấp như hiện nay thì tính cả rủi ro của khủng hoảng nợ châu Âu, TTCK Việt Nam vẫn mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Thị trường sẽ điều chỉnh nhưng không về lại đáy
Đó là nhận định của ông Phan Dũng Khánh, Trưởng Phòng Phân tích - Tư vấn Đầu tư, CTCK Kim Eng Việt Nam.
Ông Khánh nói: Từ năm 2010 đến nay, biến động của TTCK thế giới luôn ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam. Lần này, trước khủng hoảng nợ ở châu Âu, sự sụt giảm mạnh của TTCK nhiều nước, TTCK Việt Nam khó tránh bị tác động tiêu cực. Lo ngại nhất là 2 loại dòng tiền từ nước ngoài, một đã rót vốn vào Việt Nam và một đang dự kiến đầu tư có thể bị suy giảm. Nhà đầu tư nước ngoài hiện có nhiều lý do để đắn đo. Thứ nhất là kinh tế Việt Nam tuy có nhiều tín hiệu tốt như lạm phát giảm, nhập siêu giảm nhưng suy cho kỹ, bản chất của tín hiệu không tốt như thể hiện. Chẳng hạn, lạm phát Việt Nam giảm là do sức tiêu thụ giảm, hay nhập siêu giảm là vì DN không bán được hàng nên không nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu. Nghĩa là đang có yếu tố không bền vững trong nền kinh tế. Thứ hai, TTCK thế giới suy giảm mạnh có thể khiến TTCK Việt Nam kém hấp dẫn do bị cạnh tranh. Nhà đầu tư sẽ có xu hướng lựa chọn thị trường có P/E thấp hơn và được cộng hưởng yếu tố kinh tế ổn định.
Cũng cần nói thêm, hoạt động kinh doanh của các DN niêm yết có thể sẽ không thuận lợi trước những biến động của kinh tế thế giới. Việt Nam vẫn là nền kinh tế nhỏ, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Khi kinh tế thế giới khủng hoảng, xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn sụt giảm. Chưa kể, suy giảm từ kinh tế thế giới có thể đẩy câu chuyện tỷ giá, cán cân xuất nhập khẩu ở Việt Nam trở nên khó khăn hơn.
Có thể nói, trong ngắn hạn, TTCK Việt Nam nói chung và dòng tiền trên TTCK nói riêng sẽ chịu những tác động không mong muốn từ yếu tố bên ngoài. Nhưng tôi cho rằng, dù TTCK suy giảm thì sẽ không giảm về mức đáy của thời điểm đầu năm (336 điểm). Lý do là, so sánh các kênh đầu tư như vàng, bất động sản, tiết kiệm…, TTCK vẫn là kênh sinh lợi nhất. Bản thân DN tuy bị tác động xấu từ kinh tế suy giảm nhưng nếu tận dụng cơ hội từ lãi suất giảm, từ hàng hóa nguyên vật liệu thế giới đã giảm mạnh, chắc chắn chi phí vốn của DN sẽ giảm, từ đây DN sẽ vượt qua khó khăn.
Tôi cũng tin, dòng tiền cho TTCK không bao giờ thiếu. Chỉ có điều, vì thời điểm chưa thích hợp, nên dòng tiền này đang đứng ngoài cuộc. Dài hạn hơn, khi nền tảng cho kinh tế đã rõ nét hơn, sự hấp dẫn của TTCK Việt Nam sẽ tăng trở lại.
Theo Ngọc Thủy
ĐTCK