MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CTCK sẽ được tự doanh 70% vốn chủ sở hữu

Đó là điểm mới của dự thảo Thông tư về quản lý khối CTCK được ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK chia sẻ trong cuộc làm việc giữa UBCK với VASB và 20 CTCK.

Kết thúc cuộc làm việc khá thẳng thắn giữa 3 bên: UBCK, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) và 20 CTCK đại diện vào cuối tuần qua là những cái bắt tay thật chặt và tiếng thở phào nhẹ nhõm của nhiều chủ thể, khi họ đã tìm được sự đồng thuận về 5 điểm căn bản trong dự thảo Thông tư về quản lý khối CTCK.

Trước hôm họp 1 ngày, trong câu chuyện với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK chia sẻ, UBCK muốn tổ chức cuộc gặp mặt VASB và các thành viên là để lắng nghe một lần nữa tất cả những ý kiến phản biện để điều chỉnh nếu thấy phù hợp, mặt khác, để thuyết phục thành viên theo những quan điểm quản trị tiên tiến. Ông Sơn khẳng định, nội dung dự thảo Thông tư không hướng đến CTCK lớn hay nhỏ, không tả khuynh hay hữu khuynh, mà chỉ hướng CTCK phát triển bền vững, theo thông lệ quốc tế, dù biết rằng, bất kỳ sự định hướng nào cũng không thể thỏa mãn được tất cả các thành viên…

CTCK sẽ được tự doanh đến 70% vốn chủ sở hữu

Mở đầu cuộc đối thoại, Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Đoan Hùng chia sẻ những thông tin cập nhật về xu hướng hoạt động của các TTCK quốc tế và cách thức quản lý khối CTCK thành viên. Theo ông Hùng, mục tiêu chính của loại định chế tài chính trung gian này không phải là đầu tư, mà là cung cấp các dịch vụ tài chính, tư vấn cho các chủ thể trên TTCK. Luật Chứng khoán cho phép CTCK đủ điều kiện được thực hiện 4 nghiệp vụ cơ bản, trong đó tự doanh chỉ là 1 trong 4 nghiệp vụ đó, nhưng có nhiều CTCK quá sa đà vào tự doanh, gây ra những tổn thất lớn không chỉ cho công ty, mà còn ảnh hưởng đến uy tín toàn thị trường.

Theo ông Hùng, những CTCK có yếu tố nước ngoài hầu như không sa đà vào tự doanh, nên họ khá an toàn, dù môi trường kinh doanh chung có nhiều biến động. Với CTCK nói chung, việc phát triển không cân bằng, sai mục đích, dùng quá nhiều nguồn lực cho tự doanh, nhưng lại không kiểm soát tốt rủi ro… là nguyên nhân dẫn họ đến bước đường cùng.

Trở lại với vấn đề nóng nhất là hạn chế tự doanh CTCK như thế nào? Tỷ lệ 40% vốn chủ sở hữu được dùng để đầu tư như tại dự thảo Thông tư hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của CTCK có quá hẹp hay không?

Khối CTCK và VASB đưa ra 2 quan điểm. Một là, không nên có sự khống chế này, vì sẽ khiến CTCK mất động lực mở rộng, trong khi CTCK đã phải tuân thủ an toàn tài chính rất chặt chẽ trong Thông tư 226 rồi. Hai là, trong trường hợp buộc phải khống chế tỷ lệ tự doanh, thì nên cho phép CTCK được tự doanh theo tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ an toàn vốn khả dụng của CTCK. VASB đề xuất: nếu CTCK có tỷ lệ an toàn vốn khả dụng trên 180% thì được đầu tư 60% vốn chủ sở hữu; nếu tỷ lệ an toàn vốn khả dụng trên 250% thì được đầu tư 70% vốn chủ sở hữu, còn nếu tỷ lệ an toàn vốn khả dụng trên 300% thì tỷ lệ đầu tư/vốn chủ sở hữu là 80%.

Đặc biệt, VASB cũng đại diện cho khối CTCK kiến nghị không áp dụng hồi tố đối với CTCK đã đầu tư vượt quá hạn mức cho phép theo Thông tư mới, để giảm áp lực “xả hàng” ra thị trường, tránh việc CTCK bị thiệt hại vì buộc phải thanh lý các khoản đầu tư cho vừa khuôn khổ pháp lý mới. Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Hồng Sơn khẳng định, việc đưa ra hạn chế ở tỷ lệ 40% không phải là sự áp đặt, mà UBCK luôn sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng tranh luận với các thành viên để cùng đi đến một sự thống nhất để cùng thực hiện.

Theo ông Sơn, ở các TTCK phát triển thì không có loại khống chế này, nhưng với những TTCK mới nổi, trong những giai đoạn nhất định, để định hướng các CTCK đi đúng đường, quy định hạn chế đầu tư của khối CTCK đã được áp dụng. “Trên cơ sở ý kiến phản biện từ thành viên và tình hình thị trường thực tế, chúng tôi sẽ nâng tỷ lệ đầu tư của khối CTCK từ 40% lên 70% vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ này áp dụng cho tất cả các CTCK, kể cả CTCK có chức năng tự doanh hay không, đồng thời không hồi tố đối với quy định này”, ông Sơn nói. Tuy nhiên, tỷ lệ 70% chỉ là dự thảo, quyền quyết định là ở Bộ Tài chính.

Cũng trong mục tiêu hướng CTCK đến hoạt động an toàn hơn, UBCK bảo lưu quan điểm CTCK chỉ được vay tối đa 3 lần vốn chủ sở hữu (quy định hiện hành là 6 lần), nhưng sẽ không hạn chế đối tượng vay, với điều kiện phải đảm bảo quy định pháp luật trong nghiệp vụ này.

CTCK phải có hệ thống kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro trực thuộc HĐQT

Điểm mới hoàn toàn trong dự thảo Thông tư là quy định CTCK phải có thêm bộ phận kiểm toán nội bộ và quản trị rủi ro trực thuộc HĐQT/Hội đồng thành viên, bên cạnh hệ thống kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro được thành lập trực thuộc tổng giám đốc. Nhiều ý kiến từ CTCK cho rằng, đây là quy định cao hơn mặt bằng chung, rất khó thực hiện, bởi hiện nay, ngay cả Ban kiểm soát của nhiều DN cũng chỉ hoạt động hình thức. “Đẻ” thêm ra 1 cơ quan giám sát nữa liệu có thực sự cần thiết không?

Trên quan điểm của người quản lý, UBCK cho rằng, lỗ hổng lớn nhất trong hoạt động của CTCK chính là khâu kiểm soát nội bộ. “Chủ tịch HĐQT CTCK thường là kiêm nhiệm hoặc không tham gia điều hành, nên nếu không có một bộ máy giúp việc giám sát, quản lý rủi ro thì sẽ còn những cái chết bất ngờ nữa xảy ra. Thiệt hại cuối cùng chính là HĐQT và các cổ đông”, ông Sơn nói. Vì thế, UBCK bảo lưu quan điểm CTCK phải xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro trực thuộc HĐQT. Nhiều ý kiến tranh luận từ thành viên đã được trao đổi thẳng thắn tại cuộc họp, nhưng cuối cùng, các CTCK đã đồng thuận với Ủy ban.

Một vấn đề lớn khác được nhiều CTCK kêu là khó thực hiện nghĩa vụ của 1 DN niêm yết song song với nghĩa vụ của 1 CTCK thành viên. Tuy nhiên, mong muốn UBCK “giảm bớt nghĩa vụ công bố thông tin, quản trị DN… cho CTCK” đã không được UBCK chấp thuận trên quan điểm DN niêm yết thì phải chịu sự giám sát chính về vốn, về khả năng sinh lời, còn CTCK với đặc thù hoạt động là tổ chức tài chính trung gian, phải chịu sự giám sát về quản trị và mức độ an toàn tài chính. UBCK cho biết, sẽ chỉ sửa một số quy định chi tiết về nghĩa vụ của một CTCK niêm yết để tạo điều kiện cho CTCK niêm yết thực hiện tốt đồng thời 2 nghĩa vụ nêu trên.

CTCK được dự báo giá chứng khoán, nhưng phải có cơ sở

Quy định “CTCK không được dự báo giá một chứng khoán hoặc đưa ra các khuyến nghị giao dịch liên quan đến một chứng khoán cụ thể, không được đưa ra ý kiến về việc tăng hay giảm giá chứng khoán để lôi kéo khách hàng tham gia giao dịch…” cũng nhận được rất nhiều tranh luận từ CTCK và Hiệp hội trên quan điểm, đây là một phần không thể thiếu của nghiệp vụ phân tích, đánh giá thị trường.

Ở điểm này, quan điểm của UBCK là muốn xóa bỏ hiện tượng một số CTCK đưa ra nhận định chủ quan, nhắn tin phím hàng, lôi kéo NĐT bằng mọi giá để tăng thị phần, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính chuyên nghiệp và công bằng trên TTCK. Nhưng trước những ý kiến tranh luận từ thành viên, Ban soạn thảo cho biết, sẽ sửa quy định này theo hướng, cho phép CTCK được đưa ra các dự báo về TTCK, nhưng phải có cơ sở thông tin, phân tích, không được dự báo một cách vô trách nhiệm, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý thị trường, tâm lý NĐT.

Quản lý tiền NĐT, cách nào?

Điểm duy nhất tuy đã thống nhất về quan điểm, nhưng chưa chốt được cách làm trong cuộc họp 3 bên là cách thức nào để quản lý tiền gửi NĐT chứng khoán. Dự thảo Thông tư đưa ra quy định, NĐT có 2 sự lựa chọn: hoặc là gửi tiền tại ngân hàng, hoặc là để CTCK quản lý tiền NĐT trên tài khoản tổng. Tất cả đều thống nhất 1 cách nhìn là quản lý tiền tại ngân hàng là tách bạch, là giảm thiểu khả năng CTCK lạm dụng vốn của NĐT, nhưng do những hạn chế trong hệ thống ngân hàng, nên chưa thể áp dụng cách làm duy nhất theo hướng tách hoàn toàn này.

Quan điểm từ CTCK VCBS cho rằng, không nên buộc CTCK phải cung cấp cả 2 sự lựa chọn trên cho NĐT, bởi như thế là tốn kém và lãng phí, mà nên cho phép CTCK tùy theo điều kiện của mình, được chọn lựa cách cung ứng dịch vụ quản lý tiền tốt nhất cho NĐT của họ. Quan điểm này nhận được nhiều sự tranh luận, nhưng ông Sơn cho rằng, đó là một cách nhìn hay, UBCK sẽ phải cân nhắc lại khi sửa đổi lần cuối dự thảo Thông tư về CTCK.

Tại cuộc họp, tiếp thu ý kiến từ thành viên, UBCK cho biết sẽ bỏ quy định ngân hàng có trách nhiệm quản lý tiền của từng khách hàng theo tiểu khoản riêng biệt và cung cấp sao kê số dư tiền theo yêu cầu của từng khách hàng, vì những hạn chế trong khả năng kết nối giữa hệ thống ngân hàng và CTCK. Thay vào đó, theo ông Sơn, việc quản lý tiền của NĐT tại dự thảo mới sẽ được nâng lên một cấp khi quy định, tài khoản tổng mà CTCK mở tại các ngân hàng là tài sản của NĐT, CTCK không được lạm dụng dùng vào bất kỳ mục đích nào phục vụ cho CTCK.

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán

Trong cuộc làm việc của VASB với Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ mới đây, chúng tôi được thấy sự cầu thị của người đứng đầu ngành và mong mỏi của Bộ trưởng trong việc làm thế nào để xây dựng nên khung pháp lý tạo điều kiện cho CTCK sống được, sống khỏe mạnh. Tôi rất mừng khi cuộc họp này đi đến sự đồng thuận cao giữa cơ quan soạn thảo (UBCK) và các thành viên, nhà tư vấn. Riêng việc quản lý tiền của NĐT, chúng ta hướng đến sự minh bạch, sự an toàn cao nhất, nhưng hiện trạng hạ tầng thị trường (chứng khoán và ngân hàng) buộc chúng ta phải sửa dần dần, hướng đưa ra 2 sự lựa chọn như dự thảo Thông tư, theo tôi, là hoàn toàn phù hợp.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc SSIAM

Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi những góp ý của CTCK đã được Ban soạn thảo tiếp thu hoặc giải đáp cụ thể. Tôi hiểu rằng, UBCK thời gian qua chịu rất nhiều áp lực từ dư luận xã hội, khi trong khối CTCK có một số đơn vị yếu kém, gây ảnh hưởng đến góc nhìn chung toàn thị trường. Tuy nhiên, số CTCK yếu kém này không nhiều và con đường CTCK đi sớm muộn cũng phải đến cái đích minh bạch, quản lý rủi ro tốt, mới đảm bảo phát triển lành mạnh.

Riêng tỷ lệ đầu tư của CTCK, chúng tôi mong đợi mức 80% trên vốn chủ sở hữu, nhưng dự kiến của UBCK ở mức 70% cũng là phù hợp với tình hình chung và trên cơ sở khớp với quy định tại Thông tư 226.

Theo Tường Vi
ĐTCK

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên