Công nghiệp - Lỗ hổng của nền kinh tế Nhật Bản
Nền kinh tế Nhật Bản ngày càng xuất hiện nhiều lỗ hổng với xu hướng các doanh nghiệp sản xuất dịch chuyển ra nước ngoài khi điều kiện trong nước quá khó khăn.
Nền công nghiệp Nhật Bản buộc phải thừa nhận thất bại. Ngại rủi ro, quyết định chậm chạp, ngành công nghiệp của nước này dần bị các đối thủ nhanh nhẹn hơn đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc vượt qua.
Tuy nhiên, kể từ thảm họa động đất và sóng thần xảy ra vào ngày 11/3 năm ngoái, nền công nghiệp Nhật Bản lại lâm vào cảnh nước sôi lửa bỏng với lý do trái ngược : phản ứng quá nhanh với động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân sau đó.
Theo Ulrike Schaede, giáo sư nghiên cứu kinh tế Nhật Bản tại đại học California, khoảng 1/5 các doanh nghiệp sản xuất của Nhật Bản đã chuyển ra nước ngoài. Đối với ngành điện tử, tỷ lệ này là hơn 30% và đối với ngành xe hơi tỷ lệ còn lớn hơn, tới 50%. Theo nhận định của Akio Toyoda, ông chủ hãng xe hơi nổi tiếng Toyota, ngành công nghiệp và thị trường lao động của Nhật Bản đang bên bờ sụp đổ. Đặc biệt, thảm họa năm 2011 càng làm tăng thêm áp lực khiến các nhà sản xuất Nhật Bản hướng ra nước ngoài.
Đồng yên mạnh cũng là một nhân tố. Takehide Takahashi, chuyên gia đến từ Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Nhật Bản (JAPIA) cho biết đã từ bỏ hy vọng đồng yên yếu đi. Sony, người khổng lồ trong lĩnh vực điện tử từ lâu đã toàn cầu hóa sản xuất. Sony cho biết bằng cách tăng tỷ lệ các chi phí dựa vào đồng USD, hãng này đã có thể giảm bớt những tác động tỷ giá.
Vấn đề mới nhất đối với Nhật Bản là điện. Trước thảm họa hạt nhân, điện hạt nhân chiếm 30% sản lượng điện của Nhật và thậm chí Chính phủ còn có kế hoạch nâng tỷ lệ lên 50% vào năm 2030. Mùa hè này, Nhật sẽ đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng.
Đồng yên và điện chỉ là 2 mục nhỏ trong một danh sách dài những lo lắng. Nguy cơ động đất vẫn còn. Dân số già hóa có nghĩa là thị trường trong nước teo tóp. Thuế doanh nghiệp cao trong khi thị trường lao động không linh hoạt.
Tuy nhiên, cũng có một số lý do khiến xu hướng này chậm lại. Lý do đầu tiên chính là hầu hết những ngành nhạy cảm đã được chuyển ra nước ngoài. Thêm vào đó, đích đến cũng là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi. Trung Quốc là lựa chọn hàng đầu, nhưng lo ngại về chi phí lao động đang tăng lên, về các luật lệ, quyền sở hữu trí tuệ, sự suy giảm gần đây và cả những yếu tố chính trị vẫn là những trở ngại lớn.
Bởi vậy, ở lại Nhật Bản vẫn là sự lựa chọn khá hấp dẫn đối với một số doanh nghiệp. Theo thông tin từ Toyota, trong số 9,6 triệu xe ô tô được dự kiến sản xuất trong tháng này, 3,4 triệu chiếc sẽ được sản xuất ở Nhật và 1 nửa trong số đó được dành cho xuất khẩu. Toyota cho rằng quyết định được đưa ra dựa trên lực lượng lao động tay nghề cao của Nhật Bản. Tuy nhiên, dường như đây là nhiệm vụ quốc gia khi các nhà sản xuất xe hơi phải tạo nên hình ảnh nước Nhật khỏe mạnh và vui tươi hơn là vì mục đích kinh doanh.
Các sản phẩm của Nhật Bản, từ máy sấy quần áo cho đến đầu DVD đều đã mất hết sức cạnh tranh. Tuy nhiên, một số người lạc quan lại cho rằng Nhật đang tiến đến mắt xích cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu khi tập trung vào các vật liệu kỹ thuật cao. Cán cân vãng lai trong tình trạng khá khỏe mạnh nhờ vào dòng tiền có được từ đầu tư ở nước ngoài. Như vậy, sự xói mòn sản xuất trong nước – đầu tư ra nước ngoài và mang lợi nhuận về nước nhà – cũng có được sự đền bù xứng đáng.
Anh Thư
Economist