Soi khủng hoảng kinh tế châu Âu qua Euro 2012
Euro2012 đang diễn ra với một kịch bản gần giống với cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu. Nhiều đội tuyển quốc gia đang có màn trình diễn tương tự như những gì nền kinh tế nước mình thể hiện.
Euro2012 ra sao, kinh tế như vậy?
Những ngày qua, Euro2012 đang là tâm điểm của mọi sự chú ý. Ngày hội bóng đá nơi quy tụ của những đội bóng hàng đầu châu Âu đang thu hút hàng chục triệu người theo dõi ở khắp nơi trên toàn thế giới. Dù mới chỉ bắt đầu, nhưng nhiều đội bóng đã cho thấy mình đang thể hiện vai trò tương tự như những gì mà quốc gia của họ đã làm trong cuộc khủng hoảng kinh tế ở khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Có thể nêu ra một vài dẫn chứng cụ thể: Đức – với đội hình ít thay đổi và thi đấu không hề khoan nhượng so với những gì họ đã thể hiện tại World Cup trước đó. Lối chơi của Đức khiến nhiều người như thấy tiếng của Thủ tướng Đức Angel Merkel trong phòng thay đồ với yêu cầu: “Không cho không bất cứ thứ gì”. Đối mặt với Bồ Đào Nha, đổi tuyển Đức đã thực hiện đúng như vậy, một chiến thắng nhờ vào sự hiệu quả và thực tế, tương tự như những gì nước Đức đã làm trên chính trường châu Âu.
Còn đối với Bồ Đào Nha, họ có thể sẽ bừng tỉnh và kịp thời thay đổi để bước sâu vào giải đấu, nhưng cũng tương tự những quốc gia đang có nguy cơ vỡ nợ khác ở châu Âu, Bồ Đào Nha tỏ ra không chác chắn, và vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm.
Những đội tuyển của nhiều quốc gia khác mà nền kinh tế đang chìm ngập trong khủng cũng có màn mở đầu nghèo nàn như vậy. Ireland, quốc gia đang phải dựa vào sự trợ giúp của Liên minh châu Âu và IMF, cũng đã bị hạ gục bởi đội tuyển Croatia trong loạt trận đầu tiên. Tương tự như Ireland, sau 2 lượt trận với Ba lan và Cộng hòa Séc, Hy Lạp mới chỉ kiểm được 1 điểm, nguy cơ bị loại sớm cũng tương tự như mối họa lãi suất của quốc gia này, khi mức lãi suất đã lên tới hơn 29% cho trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Hy Lạp có một cầu thủ phải nhận thẻ đỏ, còn đội hình phòng ngự của họ thì lại tỏ ra yếu ớt, dễ dàng bị xâm nhập ở cả hai bên cánh, nó cũng tương tự như diễn biến của cuộc bầu cử ở quốc gia này.
Tiếp theo là cặp đấu Tây Ban Nha – Ý. Cả hai quốc gia này đều chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do sự lây lan của tình trạng nợ công ở Hy Lạp, sự tác động của cuộc khủng hoảng vào nền kinh tế hai nước có thể nói là ngang bằng nhau, cũng giống như tỉ số hòa 1-1 trong trận đầu vừa qua giữa hai đội tuyển nước này.
Kịch bản đối nghịch
Với nhiều điểm trùng hợp như vậy, nhiều người cho rằng Euro2012 đang thể hiện một bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế châu Âu. Nhiều tổ chức cũng bắt đầu dựa vào những điểm này để tiến hành dự báo. Các nhà nghiên cứu tại ngân hàng Hà Lan ABN Amro đã thực hiện một dự án để tiên đoán kẻ thắng người thua tại Euro năm nay.
Dự án này thay vì dựa vào thể thao, lại đánh giá năng lực và khả năng đoạt cúp của các đội thông qua xếp hạng tín dụng của các quốc gia có đội tuyển tham dự. Sau khi nhờ sự trợ giúp của hệ thống máy tính tinh vi, các nhà nghiên cứu đã đưa đến kết luận cuối cùng đó là Đức sẽ là đội vô địch trong ngày 1/7 tới.
UniCredit – một ngân hàng tại Ý lại có cách tính toán và tiếp cận khác. Ngân hàng này tính toán giá trị của từng đội tuyển thông qua giá trị chuyển nhượng của từng cầu thủ và sau đó dự đoán đội nào sẽ đi vào vòng trong, từ đó đưa ra các đội tuyển sẽ gặp nhau trong vòng bán kết. Đó là đội tuyển Bồ Đào Nha, có giá trị khoảng 338 triệu USD sẽ gặp Tây Ban Nha (658 triệu USD), còn Đức (459 triệu USD) sẽ đối đầu với Anh (392 triệu USD).
Nghiên cứu cũng nhận thấy một mối quan hệ đối nghịch giữa kinh tế và thể thao.
Các quốc gia có nền kinh tế càng suy thoái thì thành tích họ giành được tại các giải bóng đá lớn lại càng ấn tượng. Hy Lạp đã đăng quang trong Euro 2004, Ý giành World Cup 2006, còn Tây Ban Nha đã vô địch tại cả Euro và World Cup gần đây nhất. Đây có thể là tin xấu cho đội tuyển Đức, dù họ vẫn đang thi đấu hết sức ấn tượng và giành được những kết quả khả quan cho tới thời điểm này.
Trên thực tế, Euro2012 diễn ra trong thời điểm hiện tại đã khiến nhiều người chuyển hướng tập trung vào giải đấu, và tạm thời quên đi cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại khu vực đồng tiền chung. Một nghiên cứu cũng cho thấy trong kỳ World Cup 2010, các giao dịch tại ngân hàng đã giảm xuống gần 45% trong thời gian diễn ra giải đấu.
Trong khi đó, tổng thống Tây Ban Nha ông Rajoy cũng đang sử dụng Euro 2012 như một cách để trốn tránh. Chỉ 1 giờ sau khi hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha cho biết cần tới 100 tỉ euro để giải cứu, ông Rajoy đã bay tới Ba Lan để xem trận đấu đầu tiên của đội tuyển.
“Tôi đến đó bởi Tây Ban Nha hiện là đội tuyển vô địch thế giới và tôi tin rằng người đứng đầu chính phủ cần phải đến và chứng kiến trận khai mạc này”, ông nói.
Thế nhưng không phải ai cũng lạc quan như ông Rajoy, Nhiều người dân châu Âu, đặc biệt là ở những quốc gia mà nền kinh tế khốn đốn nhất, không thể gác mối lo của mình cho tới tận Euro2012 kết thúc, để rồi sau đó những thông tin bi đát về nền kinh tế lại tiếp tục tràn ngập trên các mặt báo. Cho dù ngày hội bóng đá có hấp dẫn thế nào, thu hút thế nào, chắc chắn nó cũng không thể giúp châu Âu vượt qua khỏi khủng hoảng, đó đơn giản chỉ là sự né tránh.
Theo Quốc Dũng
VEF