MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tín dụng có “song ca” cùng GDP?

29-06-2012 - 13:58 PM | Tài chính - ngân hàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu– Chuyên gia ngân hàng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào tín dụng, nhất là từ năm 2010 trở về trước. Qua kênh tín dụng, các doanh nghiệp có vốn để sản xuất kinh doanh.

Nhưng tín dụng không phải là công cụ duy nhất để tăng GDP. Bởi GDP còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác như sức cầu, chính sách xuất nhập khẩu, thương mại…

Nhìn lại quá khứ…

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh lạm phát cao, hay suy giảm kinh tế đều phải chú trọng đến chất lượng tín dụng. Hiện, mặc dù lạm phát đang được kiểm soát song rủi ro vẫn còn tiềm ẩn, trong khi tăng trưởng kinh tế (GDP) đã chậm lại... chúng ta càng phải xử lý và cân nhắc một cách cẩn trọng trong điều hành.

Đã có nhiều ý kiến bàn luận xung quanh vấn đề là có nên đẩy tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá để giữ được tốc độ tăng GDP, hay chú trọng vào nâng cao chất lượng tín dụng.

Có một thực tế là không phải cứ tăng trưởng tín dụng cao thì GDP tăng theo tương ứng. Chẳng hạn, như quý I/2010, tăng trưởng tín dụng 3,34% so với cuối năm 2009, nhưng tăng trưởng GDP của quý I/2010 là 5,84%; Quý I/2011 tăng trưởng tín dụng 5%, trong khi GDP tăng 5,43%. Đó là so sánh ở phạm vi quý, còn theo năm: năm 2010 tăng trưởng tín dụng 31,2% và GDP đạt 6,78%, nhưng năm 2011 tín dụng chỉ tăng có 13% song GDP vẫn tăng tới 5,89%.

Năm 2011, tăng trưởng tín dụng chỉ cao hơn 2 lần GDP. Tỷ lệ này của các năm trước đây thường lên tới 5 - 6 lần (trung bình tăng trưởng tín dụng 5 năm gần đây là 33% và 10 năm gần đây là 29,4%). “Lượng vốn giảm đi mà vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế, cho thấy hiệu quả và chất lượng của vốn tín dụng cho nền kinh tế đã cao hơn” - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đánh giá. Đặc biệt, dòng vốn ngân hàng đã được định hướng tốt hơn. Năm 2011, tăng trưởng tín dụng nói chung chỉ đạt 13%, nhưng vốn cho khu vực tam nông tăng tới trên 30%, tín dụng xuất khẩu thậm chí tăng tới 54%.

TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia ngân hàng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào tín dụng, nhất là từ năm 2010 trở về trước. Qua kênh tín dụng, các doanh nghiệp có vốn để sản xuất kinh doanh. Nhưng tín dụng không phải là công cụ duy nhất để tăng GDP. Bởi GDP còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác như sức cầu, chính sách xuất nhập khẩu, thương mại…

Cân bằng lạm phát và tăng trưởng

Bình luận về vấn đề có nên đẩy mạnh tín dụng trong những tháng cuối năm, bà Phan Thanh Hà – Phó Vụ trưởng Vụ tài chính – tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, tăng trưởng tín dụng 5 tháng vẫn âm, mà GDP vẫn tăng 4% trong quý I và 4,5% trong quý II là không quá lo lắng. Tốc độ tăng trưởng GDP hiện nay đang phản ánh chính sách tín dụng được thực hiện chặt chẽ theo Nghị quyết 11/NQ-CP. Điều đó cho thấy không nhất thiết phải đẩy tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, bởi chúng ta vẫn chưa nguôi nỗi lo lạm phát. Thường thì quý IV năm nay, và quý I năm sau CPI sẽ tăng do gần dịp Tết và dồn vốn giải ngân vào cuối năm. Trong khi đó, số liệu thống kê tiền tệ cho thấy, quý II tín dụng đã nới lỏng hơn. Số tiền đang cung ứng khá cao, và chúng ta chưa nguôi nỗi lo lạm phát.

Theo Vụ Tín dụng (NHNN), mặc dù tín dụng nền kinh tế 5 tháng đầu năm vẫn âm, nhưng tín dụng cho tam nông vẫn tăng khoảng 3%. Điều này cho thấy, tín dụng đang đi vào những đối tượng ưu tiên.

Còn theo TS. Vũ Đình Ánh, không nên quá chú trọng và lo ngại tăng trưởng tín dụng âm; hay có đạt được mức tăng trưởng tín dụng cả năm trên 10% hay không, mà phải tập trung vào nâng cao hiệu quả vốn tín dụng nói riêng, cũng như vốn đầu tư nói chung. TS. Vũ Đình Ánh lập luận: Thứ nhất, quy mô tín dụng, tổng tín dụng cho nền kinh tế của chúng ta rất lớn, ước khoảng 120% GDP của năm 2011. Thứ hai, tốc độ tăng tín dụng từ năm 2010 trở về trước rất cao (trung bình, những năm gần đây khoảng 33%/năm). Thứ ba, chất lượng tín dụng, hay nói cách khác là hiệu quả tín dụng chưa cao, kéo theo đó làm rủi ro tăng, nợ xấu cao. Ba nguyên nhân đó làm cho chúng ta luôn phải lo đến vấn đề bất ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là nguy cơ lạm phát cao.

Chúng ta cần giữ sự cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát, nên bài toán tăng trưởng tín dụng phải được tính toán cẩn trọng. Theo TS. Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, nếu nói không nên đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cũng không được, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang khó khăn như hiện nay. Nhưng phải hướng tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, có nghĩa là phải đưa vốn vào đúng địa chỉ, vào nơi có hiệu quả; thúc đẩy sản xuất đi lên, giảm hàng tồn kho. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng tín dụng quá mạnh mà dòng vốn không vào đúng địa chỉ có thể gây lạm phát, nhưng tăng thấp quá cũng không tốt. Do vậy, theo ông Kiêm, tăng tín dụng ở mức hợp lý, đưa vốn vào để tạo công ăn việc làm, người dân có thu nhập, tiêu dùng sẽ tăng. Và khi sản xuất phát triển, nhiều doanh nghiệp hồi phục được thì góp phần tăng trưởng tín dụng, tăng GDP. Nhưng trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, tái cấu trúc DNNN thì càng cần phải chú trọng tới chất lượng tín dụng. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp vướng hàng tồn kho thì phải đẩy mạnh tổng cầu. Tổng cầu lại có liên quan tới tín dụng, nhất là tín dụng cho lĩnh vực tiêu dùng. Do đó, khi tín dụng tiêu dùng được đẩy mạnh sẽ tăng mức cầu lên. Song sức cầu đó cũng không chỉ ở lãi suất tín dụng, mà còn phụ thuộc vào tâm lý người dân...

Theo Quang Cảnh

Thời báo ngân hàng

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên