MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HSBC: Chỉ số PMI của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong tháng 6

Trong tháng 6, số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh, hàng tồn kho tăng cao, số lượng công nhân thất nghiệp tiếp tục tăng.

Theo báo cáo mới nhất của HSBC về Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng ngành sản xuất (PMI) tại Việt Nam thì ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục suy giảm trong tháng 6. Giá cả đầu ra đã giảm đáng kể do nhu cầu yếu hơn và chi phí nguyên liệu thô giảm.

Trong tháng 6, các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục giảm sút với tốc độ nhanh nhất trong bốn tháng qua. Điều này được phản ánh qua sự sụt giảm từ 48,3 điểm trong tháng 5 xuống còn 46,6 điểm trong tháng 6 của chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của HSBC đã được điều chỉnh theo mùa. Như vậy, chỉ số PMI đã cho kết quả dưới mức trung bình 50 điểm trong ba tháng liên tiếp.

Sự suy giảm tổng thể các điều kiện kinh doanh đã phản ánh số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh trong tháng 6. Chỉ số này đã giảm trong hai tháng liên tiếp và tháng này đã có tốc độ giảm nhanh nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2011.

Những số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy sự suy giảm kinh tế toàn cầu đã khiến cho khách hàng phải cắt giảm chi tiêu. Số liệu mới nhất cho thấy số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm nhẹ trong tháng 6 và nguyên nhân được cho là do các thị trường phát triển và thị trường mới nổi đều có nhu cầu yếu hơn.

Số lượng đơn đặt hàng mới ít hơn đã làm giảm yêu cầu sản xuất trong tháng 6, với sản lượng đầu ra giảm ba tháng liên tiếp và là tháng giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2. Các nhà sản xuất đã phải giảm khối lượng công việc dự trữ đang có (nhưng chưa được hoàn thành) nhằm sử dụng năng lực sản xuất dư thừa trong tháng 6. Khối lượng công việc tồn đọng đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong 15 tháng thu thập dữ liệu.

Lượng hàng tồn kho sau sản xuất đã tăng mạnh trong tháng 6 chấm dứt khuynh hướng giảm của tháng 5. Một số nhà sản xuất ghi nhận rằng doanh số thấp hơn dự kiến đã làm tăng lượng hàng tồn kho không mong muốn. Hoạt động mua hàng trong tháng 6 đã giảm mạnh và lượng hàng tồn kho trước sản xuất cũng giảm mạnh hơn so với tháng 5.

Nhu cầu yếu hơn và tình hình sản xuất thấp hơn đã làm lượng nhân công giảm trong tháng 6, kết thúc thời kỳ ba tháng liên tiếp công ăn việc làm được tạo thêm. Tuy nhiên, đa số các công ty cho rằng nguyên nhân lực lượng lao động thấp hơn là do nhiều vị trí tự nguyện thôi việc chưa được sắp xếp thay thế, chứ không phải do ép buộc nghỉ việc.

Trong khi đó, lần đầu tiên kể từ tháng 1, chi phí đầu vào trung bình giảm và với tốc độ nhanh nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 4/2011. Những người tham gia khảo sát cho rằng nguyên nhân là do giá các sản phẩm liên quan đến xăng dầu giảm. Trong tháng 6 giá cả đầu ra của lĩnh vực sản xuất cũng giảm với tốc độ nhanh hơn so với tháng trước.

Trinh Nguyễn, Chuyên viên Kinh tế - Ngân hàng HSBC bình luận: “Hoạt động sản xuất tiếp tục suy giảm cho thấy các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với các điều kiện kinh doanh khó khăn ở Việt Nam. Nhu cầu cả trong và ngoài nước đều thấp. Giá cả tiếp tục giảm do nhu cầu và giá cả hàng hóa giảm, như đã được phản ánh qua sự sụt giảm giá cả đầu vào. Ngân hàng Nhà nước đã hạ 400 điểm phần trăm lãi suất trong nửa đầu năm để thúc đẩy tiêu dùng ở Việt Nam. Tác động của việc giảm lãi suất này có thể sẽ lan tỏa sang nửa cuối năm làm thúc đẩy các hoạt động kinh tế.”

Khánh Linh

hanhle

HSBC

Trở lên trên