MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trần Hoàng Ngân: GDP không thể đạt mục tiêu 6-6,5%

Với những điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại, khả năng GDP đạt được mức tăng 6-6,5% trong năm nay là không thể.

Đó là khẳng định của PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TPHCM khi trao đổi nhanh với TBKTSG Online hôm nay.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng qua, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 4,38% so với cùng kỳ năm 2011 do nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, con số mục tiêu của cả năm là 6-6,5%, liệu có đạt được không, thưa ông?

- Ông Trần Hoàng Ngân: Tôi chắc chắn sẽ không đạt được bởi những lý do sau:

Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư xã hội tăng thấp, Về tốc độ tăng vốn đầu tư, nếu tính theo giá thực tế, 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 10,1%, nếu loại trừ yếu tố tăng thì tốc độ tăng vốn đầu tư sẽ âm. Chính sự sụt giảm về vốn đầu tư xã hội, (bao gồm vốn từ khu vực nhà nước, khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) là một nguyên nhân quan trọng làm cho tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, bởi vốn đầu tư là yếu tố trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Và với con số tăng trưởng 4,38% cho 6 tháng đầu năm, thì muốn con số của cả năm lên đến 6-6,5% thì tăng trưởng trong 6 tháng còn lại phải lên đến 7-7,5%, điều này rất khó xảy ra.

Đồng thời với tình hình kinh tế thế giới hiện tại chưa có dấu hiệu sáng sủa hơn, trong khi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn thì khả năng hoạt động xuất khẩu, hút vốn đầu tư nước ngoài đều ảnh hưởng, dẫn đến tăng trưởng kinh tế tiếp tục gặp khó khăn.

Lý do cuối cùng tôi cho rằng chính là con số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh hơn 26.000, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tạo ra con số tăng trưởng cao như dự báo.

Theo tôi, chính phủ vẫn đang điều hành theo hướng GDP sẽ chỉ ở mức 5,5% trong năm nay chứ không còn ở mức cao như dự báo đầu năm.

Hiện tại, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng cả chính sách tiền tệ và tài khóa để kích thích tăng trưởng, những biện pháp này có tác động như thế nào đến con số GDP của cả năm?

- Như chúng ta đã biết, ưu tiên của chính phủ trong năm 2012 vẫn là kiềm chế lạm phát, tăng trưởng ở mức độ vừa phải, vì vậy các yếu tố trên cũng chỉ góp phần làm cho tình hình kinh tế không quá xấu, nó không đủ để GDP tăng trưởng cao như dự báo. Và theo tôi, tín dụng đúng là tăng rất thấp trong những tháng đầu năm, nhưng điều này cũng là phù hợp sau khi đã tăng quá nóng ở các năm trước, gây ảnh hưởng nặng nề đến lạm phát. Như một người lái xe với tốc độ 180 km/giờ thì nay phải giảm xuống, và từ tốc độ này để nhìn rõ hơn những thứ xung quanh mà điều chỉnh cho phù hợp.

Như ông nói là chiếc xe đã giảm tốc độ, và lạm phát đã giảm như mục tiêu đề ra, nhưng như vậy có kéo theo các tác động tiêu cực gì không trong 6 tháng cuối năm?

- Chắc chắn là có. Nhưng như đã đề cập ở trên, trong từng thời kỳ, chính phủ chỉ có thể chọn một mục tiêu. Trong năm nay, nếu nới lỏng các chính sách để phục vụ cho tăng trưởng, trong khi lạm phát chỉ mới bắt đầu giảm từ tháng 6 thì tôi cho rằng còn quá sớm. Vì vậy việc cần làm là chấp nhận lạm phát ở mức vừa phải, tăng trưởng ở mức vừa phải, không thì sẽ quay lại tình hình lạm phát cao như các năm trước.

Theo tôi, trong 6 tháng cuối năm để hạn chế các tiêu cực thì vấn đề cần làm là giải quyết dứt điểm các nguyên nhân sâu xa gây nên tình trạng kinh tế khó khăn như hiện nay, đó là đầu tư công, đầu tư vào các tập đoàn không hiệu quả, vấn đề cơ chế quản lý chưa rạch ròi, thủ tục rối rắm, và tiền không được kiểm soát chặt.

Thêm vào đó cũng phải giải phẩu cho xong “khối u ác tính”, là nợ xấu tại các ngân hàng, để tiền không chết mà đi ra khỏi hệ thống ngân hàng, và các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ. Tôi nghĩ rằng vấn đề hiện tại đặt ra không phải là kết quả của năm nay ra sao mà phải nhìn thấy được 5 năm nữa sẽ như thế nào. Chấp nhận điều trị để lành bệnh trong năm nay và có sức khỏe tốt trong các năm sau là điều cần làm.

Trong khi CPI (chỉ số giá tiêu dùng) dự báo sẽ chỉ tăng từ 5-6% trong năm nay, tức là thấp hơn rất nhiều so với năm ngoái là tín hiệu đáng mừng, vì mục tiêu của Nghị quyết 11 đã đạt được, nhưng có vẻ ông vẫn tỏ ra lo ngại tình trạng lạm phát cao quay lại?

- Thực tế, chỉ số CPI của Việt Nam tăng thấp trong 5 tháng đầu năm và giảm nhẹ trong tháng 6 có thể xem là điều đáng mừng. Song phân tích kỹ thì thấy rõ CPI giảm cũng một phần do tác nhân bên ngoài, như giá dầu giảm liên tục, giá cả các hàng hóa khác cũng đi xuống, nhưng khả năng phục hồi của kinh tế châu Âu vẫn là một ẩn số, nếu có thì các loại giá cả trên có khả năng tăng trở lại rất cao.

Còn trong nước, giá điện, giá nước, giá than bán cho điện đều tăng từ hôm nay, tác động đến chi phí, những điều này không hỗ trợ cho việc lạm phát xuống thấp trong thời gian tới.

Và hiện tại đang có nhiều ý kiến cho rằng nên phá giá tiền đồng, tôi cho rằng chưa đến lúc. Cán cân thanh toán trong 6 tháng thặng dư 7 tỉ đô la Mỹ, nhập siêu giảm mạnh, dự trữ ngoại hối tăng, vì vậy tỷ giá vẫn có thể giữ ổn định được trong quí tới. Nếu phá giá lúc này, cùng với các yếu tố phân tích ở trên thì khả năng lạm phát bùng lại trong quí 4 là rất lớn. Vì vậy, việc thận trọng với lạm phát là điều không thừa nếu muốn kinh tế phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thanh Thương

TBKTSG

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên