MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực giảm lãi vay, ngân hàng bỏ cuộc đua huy động

16-07-2012 - 06:18 AM | Tài chính - ngân hàng

Hiện lãi suất huy động cao nhất của các ngân hàng chỉ còn phổ biến quanh mức 11% và cao nhất là 12%, thay vì mức phổ biến 12% cách đây hơn 1 tuần.

Tại buổi sơ kết ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm diễn ra hôm 7/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo các ngân hàng xem xét giảm các khoản vay cũ về mức tối đa 15% và áp dụng lãi suất cho vay mới theo mặt bằng mới tức dưới 15%/năm kể từ 15/7 để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Chỉ đạo này ngay lập tức nhận được sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng, thậm chí có những ngân hàng còn khẳng định sẵn sàng cho doanh nghiệp vay với mức lãi suất thấp hơn. Cho đến cuối tuần trước đã có 5 ngân hàng thương mại nhà nước và gần hai chục ngân hàng lớn nhỏ khác bắt đầu thực hiện.

Do áp lực phải kéo lãi suất các khoản vay cũ, vốn ở mức bình quân 18,5% trước đó, các ngân hàng đã nhanh chóng “từ bỏ” cuộc đua lãi suất huy động kỳ hạn dài mặc dù nhu cầu tiền mặt vẫn rất mạnh. Hiện lãi suất huy động cao nhất của các ngân hàng chỉ còn phổ biến quanh mức 11% và cao nhất là 12%, thay vì mức phổ biến 12% cách đây hơn 1 tuần.

Techcombank là ngân hàng mạnh tay nhất trong việc giảm lãi suất kỳ hạn dài. Trong “cuộc đua” mới nhất, nhà băng này hôm 5/7 đã đẩy lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên tới 12,2%/năm, nhưng từ ngày 9/7 đã giảm xuống còn 11%. Mức 11% cũng là cao nhất và áp dụng cho các kỳ hạn từ 13 – 36 tháng.

Tại VIB, lãi suất kỳ hạn cao nhất hiện cũng chỉ còn 11%/năm (kỳ hạn 12 tháng), các kỳ hạn xa hơn chỉ được áp dụng với mức 10,5%. Một nhân viên giao dịch của ngân hàng này cho biết, nếu như các tuần trước, với các khoản tiền lớn thì kỳ hạn dài trên 12 tháng khách hàng có thể được thỏa thuận tăng thêm từ 0,5 – 1% tùy thuộc số tiền gửi, nhưng hiện tại việc áp dụng lãi suất này khá chặt chẽ và đúng theo niêm yết.

Trong khi đó ở Western Bank, nhà băng khá “nổi tiếng” trong cuộc đua lãi suất huy động kể từ sau khi kỳ hạn dài được bỏ trần hôm 12/6, với mức đỉnh lên tới 14%, nay cũng giảm mạnh về còn 12%. Trước ngày 10/7, ngân hàng này còn niêm yết lãi suất ở mức cao nhất là 12,5%.

Hay như Seabank, một ngân hàng cũng khá “bạo tay” trong cuộc đua lãi suất vừa qua, với mức cao nhất áp dụng là gần 13% hồi cuối tháng 6, giờ đây cũng chỉ còn cao nhất là 11%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Ở các ngân hàng lớn như Vietcombank, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện cao nhất là 11%, các kỳ hạn xa hơn chỉ 9,5%/năm, tại BIDV mức lãi cao nhất được thông báo là 10%/năm.

Không chỉ từ bỏ cuộc đua huy động một cách công khai như vậy, các ngân hàng giờ đây cũng không còn mặn mà trong việc mạnh tay “cộng thêm” cho khách hàng gửi khoản tiền lớn ở kỳ hạn ngắn.

Tại ngân hàng O, cách đây 2 tuần, các khoản tiền trên 500 triệu đồng được mời chào với mức lãi chính thức (9%/năm) cộng thêm 0,5% và trên 1 tỷ đồng cộng 1%, đến nay đã tăng mức tối thiểu được khuyến khích, với 1 tỷ đồng chỉ được cộng 0,5%/năm. Hay như ngân hàng B, mức cộng cho khách là 0,5%/năm cho các khoản tiền trên 200 triệu đồng, 1%/năm cho khoản trên 500 triệu đồng và 1,5 -2%/năm với khoản tiền trên 1 tỷ đồng, giờ đây cũng thông báo chỉ áp dụng mức thưởng lãi suất cho khoản tiền tối thiểu là 500 triệu đồng và mức cộng cũng giảm tương ứng.

Theo lời của một chuyên gia tài chính ngân hàng, việc các tổ chức tín dụng từ bỏ cuộc đua huy động lãi suất là tất yếu, khi mà các khoản vay cũ buộc phải điều chỉnh giảm mạnh tay. “Nếu như không hạ lãi vay cũ thì các ngân hàng sẽ cân đối lợi nhuận từ khoản đó và đẩy tăng huy động mới, nhưng nay, theo các tính toán thì lợi nhuận của họ sẽ “mất” gần 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm nên buộc phải giảm huy động để đảm bảo an toàn kinh doanh”, vị chuyên gia này cho biết.

Thành Hưng

hangnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên