MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngoại hối không đợi kiều hối

20-07-2012 - 08:06 AM | Tài chính - ngân hàng

Sự sụt giảm lượng kiều hối những tháng đầu năm 2012 đã đặt ra câu hỏi: liệu kiều hối có còn giữ vai trò quan trọng cho dự trữ ngoại hối Việt Nam?

Kiều hối đi đâu?

Năm 2010, với 8,26 tỷ USD, Việt Nam xếp hạng 9 trong số các quốc gia đang phát triển về nhận kiều hối. Năm 2011, kiều hối Việt Nam đạt mức kỷ lục 9 tỷ USD, bù đắp được 92% cán cân thương mại.

Vai trò của kiều hối càng thể hiện rõ khi góp phần khuấy động thị trường bất động sản với 4,7 tỷ USD. Thế nhưng, số liệu thống kê lượng kiều hối vào TP.HCM 6 tháng đầu năm 2012 đã thể hiện một dự báo một năm “mất mùa” kiều hối với 23% sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự sụt giảm 500 triệu USD kiều hối của TP.HCM đã đưa đến hàng loạt những chính sách để “chống cạn” cho “kênh” kiều hối.

Nhiều ý kiến cho rằng, kiều hối đã phát huy vai trò xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy thị trường đầu tư, tăng trưởng các chỉ số giáo dục, tiêu dùng... Nhưng cũng có ý kiến chỉ ra vai trò xóa đói giảm nghèo, phúc lợi hộ gia đình (tiêu dùng, giáo dục, y tế...) của kiều hối là không đáng kể. Đa phần nhận kiều hối là các hộ gia đình khá giả nên họ sẽ dùng vào mục đích lâu dài như đất đai và nhà ở.

Thống kê cho thấy có đến 52% kiều hối (trong tổng sốâ 9 tỷ USD năm 2011) đã “chảy” vào thị trường bất động sản. Nhìn ở chiều ngược lại, ngoài sự lo sợ rủi ro đối với biến động kinh tế Việt Nam, nguyên nhân sụt giảm còn đến từ xu hướng định cư nước ngoài ngày càng tăng.

Hiện tại, theo thống kê của Trang Di cư (Bộ Ngoại giao Việt Nam), cộng đồng Việt ở nước ngoài đã tăng hơn 4 triệu người học tập, sinh sống và làm việc trên 103 quốc gia và vùng lãnh thổ vừa đồng nghĩa với một tiềm lực kiều hối vừa thể hiện nguy cơ “mất” Việt kiều.

Từ góc độ rộng hơn, trong tương lai, dự đoán kiều hối trở nên mất ổn định là một dự đoán có căn cứ khi việc đầu tư nhà đất có xu hướng bão hòa đối với cộng đồng Việt kiều.

Ngoại tệ từ du lịch

Sáu kênh hút ngoại hối chính là: kiều hối, khách du lịch quốc tế, vốn đầu tư nước ngoài, vay nợ nước ngoài, xuất khẩu và các kênh không chính thức khác. Trong khi ODA, FDI, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đan gặp không ít khó khăn do niềm tin đầu tư vào Việt Nam gần đây bị suy giảm bởi các vấn đề nợ xấu, môi trường kinh doanh... thì du lịch được xem là lựa chọn tối ưu nhất.

Nếu kiều hối đóng góp 9 tỷ USD ngoại tệ thì du lịch đã đem về 110 ngàn tỷ đồng trong năm 2011 (tương đương 5,1 tỷ USD). So sánh tương quan giữa kiều hối và du lịch thì kiều hối có phần “thắng thế” khi du lịch cần nguồn vốn cao hơn.

Tuy nhiên, trong dài hạn, du lịch có tiềm năng thu hút ngoại hối hiệu quả hơn kênh kiều hối đã bắt đầu “bão hòa”.

Thứ nhất, du lịch có ưu thế chủ động. Trong khi kiều hối đến Việt Nam để đầu tư sinh lợi và giúp đỡ thân nhân dài hạn thì chi tiêu cho du lịch để vui chơi giải trí trong ngắn hạn. Chính vì thế, chi tiêu cho du lịch sẽ dễ dàng và linh hoạt hơn nhiều hơn so với kiều hối.

Kế đến, sự đầu tư bằng kiều hối, đặc biệt là bất động sản thường là những khoảng tiền lớn và chục ngàn đến vài trăm ngàn USD, trong khi chỉ với vài ngàn USD là đã có thể có một chuyến du lịch thoải mái ở Việt Nam. Sự khác biệt về chi phí khiến cho việc chi tiêu du lịch dễ dàng hơn so với đầu tư bằng kiều hối.

Một điểm nữa là kiều hối chỉ đến từ kiều bào người Việt thì doanh thu từ du lịch đến từ số người nước ngoài đông đảo trên thế giới.

Cuối cùng, nếu tác động của kiều hối chỉ lên một số ngành và bộ phận dân cư thì du lịch có thể tạo công ăn việc làm, thúc đẩy các dự án đầu tư cả về chiều rộng lẫn chiều sâu hơn hăn kiều hối.

Theo TS. Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch, Việt Nam đầu tư cho du lịch sẽ không quá lớn nếu đầu tư đúng mức và có chiến lược về tổ chức và cơ sở thu hút chi tiêu du khách như hệ thống nhà hàng khách sạn resort, hệ thống vui chơi giải trí, lực lượng phục vụ và hỗ trợ du khách, sự liên kết và quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài...

Đi cùng với đầu tư du lịch là đầu tư cho hệ thống đổi tiền chính thức cho du khách nước ngoài. Đây cũng là một biện pháp hay giúp thu hút đối đa ngoại hối, một mặt giúp khách nước ngoài an tâm về tỷ giá, mặt khác khuyến khích họ đổi sang đồng tiền địa phương để sử dụng.

Như vậy, khi kiều hối không còn là giải pháp vững chắc cho nguồn cầu ngoại tệ thì du lịch hiện tại vẫn là đối tượng triển vọng cần được đầu tư và khai thác. Tuy nhiên, làm thế nào để du lịch thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn thì đó lại là một câu hỏi khác.


Theo Vân Anh - Thiện Thuật
DNSG

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên