MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi lo mang tên "không doanh thu"

29-07-2012 - 07:49 AM | Doanh nghiệp

Khéo co thì vừa- Khéo co khiến nhiều doanh nghiệp vẫn giữ được lợi nhuận tăng trưởng hoặc không giảm quá mạnh. Tuy nhiên, điểm nghẽn đáng sợ nhất vẫn là sự sụt giảm về doanh thu thuần.

Đầu tư ngoài ngành, sụt giảm doanh thu ở mảng kinh doanh chính, nhiều doanh nghiệp phải trả giá đắt.

Cái giá của tên

Dù báo cáo lợi nhuận của Công ty Cổ phần Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) không mấy bi quan với lãi 19,62 tỷ đồng nhưng với doanh thu quý II chỉ vỏn vẹn 2,64 tỷ đồng và 6 tháng cũng chỉ 4,54 tỷ đồng. Doanh thu chủ yếu đến từ mảng hoạt động khác, hoạt động liên quan đến mảng kinh doanh chính của một công ty chứng khoán bị lãng quên. Thị trường chứng khoán gần như quên đi cái tên Công ty Cổ phần Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông (ORS) dù lỗ quý II ít hơn cùng kỳ nhưng đây không hẳn là dấu hiệu tích cực bởi doanh thu giảm mạnh. Điều này kéo theo quan ngại về thị phần bị thu hẹp và hoạt động kinh doanh dồn về mảng đầu tư chứng khoán, góp vốn và nguồn thu khác.

Nỗi lo mang tên "không doanh thu"

Sở GDCK thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố đưa cổ phiếu của Công ty Cổ phần Khai thác và Chế biến Khoáng sản Bắc Giang (BGM) vào diện cảnh báo. Lý do đưa ra vỏn vẹn là do công ty tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Báo cáo tài chính cho thấy, 6 tháng đầu năm nay công ty không có doanh thu thuần. Theo quy chế niêm yết (điều 19a), BGM bị rơi vào diện cảnh báo.

Báo cáo quý II/2012 của Công ty Cổ phần Sông Đà 9.06 (S96) cũng rơi vào trạng thái không có doanh thu thuần nhưng 6 tháng vẫn đạt mức thấp hơn 3 tỷ đồng. Giải trình của công ty cho biết, việc không có doanh thu là do công ty đang giảm dần tỷ trọng xây lắp, chuyển dần sang hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng xu hướng trầm lắng của thị trường khiến công ty không bán được. Dù không bi đát như BGM nhưng có thể thấy, việc không có doanh thu đã ảnh hưởng trực tiếp đến dòng ngân lưu của từng doanh nghiệp.

Cũng là công ty hoạt động kinh doanh lĩnh vực bất động sản, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Đô (PFL) báo đạt doanh thu 134 triệu đồng 6 tháng đầu năm trong khi cùng kỳ hơn 345 tỷ đồng. Không có lực đỡ từ các mảng kinh doanh khác, PFL tiết giảm chi phí tối đa để cầm hơi. 6 tháng lỗ 3,35 tỷ đồng và lỗ chủ yếu là do chi phí hoạt động tối thiểu.

Không doanh thu, kiệt thanh khoản

Thanh khoản cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (THV) vẫn rất tốt. Nhà đầu tư ''đánh cược'' vào khả năng xoay xở trả nợ và cơ cấu lại nguồn vốn của lãnh đạo. Thoát khỏi vòng xoáy luẩn quẩn thanh khoản do ''cục'' nợ 1.031 tỷ đồng là điều khó nói bởi một quý công ty chỉ thu về vỏn vẹn 410 triệu đồng DT thuần, dòng tiền đã kiệt quệ lại càng khan hơn.

Điệp khúc thua lỗ đã đáng sợ nhưng mùa báo cáo tài chính năm nay, việc kiệt quệ dòng doanh thu từ hoạt động kinh doanh là vấn đề nhiều doanh nghiệp e ngại hiện nay bởi không chỉ khả năng thanh toán rơi vào bế tắc mà còn khiến cái tên, cái thương hiệu công ty dày công xây dựng dễ bị rơi vào quên lãng.

Hải An


thanhhuong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên