MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ xăng bất ngờ tăng 400 đồng/lít - Cần tính theo mặt bằng giá chung cho thị trường

22-07-2012 - 07:43 AM |

Việc Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp tự ý điều tiết giá xăng dầu theo cơ chế thị trường là cần thiết, nhưng bên cạnh đó cũng cần phải có cơ chế giám sát thật chặt chẽ.

Lúc 22 giờ ngày 20-7, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty TNHH MTV Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) bất ngờ tăng giá bán lẻ đồng loạt 300 - 400 đồng/lít các mặt hàng xăng dầu.

Như vậy, giá bán lẻ xăng A95 là 21.500 đồng/lít, xăng A92 là 21.000 đồng/lít, dầu DO có giá mới là 20.300 đồng/lít, dầu hỏa 20.150 - 20.250 đồng/lít.

Động thái tăng giá này đã khiến cho không ít người tiêu dùng tỏ ra bức xúc, bởi lẽ, giá xăng dầu tăng đúng vào thời điểm ngành điện vừa áp dụng giá bán mới với mức tăng cao hơn trước 5% và điều đó tiếp tục gây áp lực khiến giá cả các mặt hàng có khả năng tăng theo, trong khi thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại các địa phương trong tháng 7 đang tiếp tục xu hướng giảm. Riêng TPHCM, chỉ số CPI giảm 0,57% còn Hà Nội giảm 0,29%, mức giảm này được xem là lớn nhất trong suốt thập kỷ qua.

Để lý giải cho việc tăng giá, các doanh nghiệp đầu mối cho rằng họ đang thực hiện đúng theo tinh thần Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và các văn bản hướng dẫn. Đây chính là hành lang pháp lý cho phép doanh nghiệp được quyền chủ động xây dựng giá bán lẻ mà Bộ Tài chính đã trao quyền cho các doanh nghiệp từ hơn 1 tháng qua.

Cũng theo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đây là lần đầu tiên giá xăng dầu tăng sau 5 lần giảm giá kể từ đầu năm 2012 tới nay. “Đã là kinh tế thị trường, việc giá xăng tăng hay giảm cũng phải theo thị trường. Chúng ta cần phải làm quen với cách điều chỉnh giá lên xuống cho đúng với nghĩa thị trường của nó. Chuyện này không chỉ có ở riêng Việt Nam mà nước ngoài cũng thế. Điều mà người dân cần quan tâm là phải minh bạch trong cách kinh doanh của các đại lý bán xăng” - một lãnh đạo PV Oil phát biểu.

Bộ Tài chính cũng lý giải rằng: Việc các doanh nghiệp đăng ký giá để tự định giá bán trong biên độ cho phép được quy định tại Nghị định 84/CP. Tuy nhiên, dựa trên diễn biến giá thế giới hiện nay, Bộ Tài chính tính toán chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán trong nước cho thấy giá cơ sở xăng A92 đang cao hơn giá bán lẻ 390 đồng/lít, dầu DO 412 đồng/lít, dầu hỏa 348 đồng/lít và dầu FO là 71 đồng/kg.

 Vì vậy, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chủ động rà soát lại phương án giá, cách tính đã đăng ký để quy định giá bán lẻ xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá cơ sở và quy định tại Nghị định 84. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về quyết định giá bán và báo cáo liên bộ Tài chính - Công thương tình hình thực hiện để theo dõi, giám sát.

Về việc tăng giá xăng dầu vừa qua, dư luận người tiêu dùng cho rằng, việc Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp tự ý điều tiết giá xăng dầu theo cơ chế thị trường là cần thiết, nhưng bên cạnh đó cũng cần phải có cơ chế giám sát thật chặt chẽ.

Bởi lẽ, nếu khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, có thể doanh nghiệp thật sự gặp khó để lấy lý do tăng giá bán lẻ, nhưng khi giá xăng dầu thế giới giảm nếu doanh nghiệp không nhanh chóng giảm giá, sẽ bị giám sát xử phạt cụ thể như thế nào? Mặt khác, trong tình hình kinh tế và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn như hiện nay, không nên để doanh nghiệp tự quyết giá theo cơ chế thị trường mà nên tính theo mặt bằng giá chung cho thị trường Việt Nam, sao cho phù hợp với mức thu nhập đầu người còn thấp như hiện nay.

Theo Thu Tuyết
SGGP

hangnt

Trở lên trên