MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh lọc DN kinh doanh XK gạo thế nào ?

13-08-2012 - 10:31 AM |

Kế hoạch sàng lọc lượng DN xuất khẩu gạo chỉ còn khoảng 100 DN bằng điều kiện về kho chứa, nhà xưởng, máy sấy, xay xát.... đang khiến nhiều DN hoang mang.

Nhất là thời hạn để các DN chứng minh sở hữu dây chuyền xay xát và kho chứa.... không còn nhiều (trước 30/9/2012).

Cho dù các nhà quản lý hiện mới chuẩn bị xem xét tình hình chấp hành quy định về hai điều kiện kho chứa lúa gạo và cơ sở xay xát tại các DN XK, nhưng có thể hình dung sẽ có hàng loạt DN sẽ bị buộc rời khỏi “cuộc chơi”. Tuy nhiên, liệu giải pháp này có mang lại kết quả như mục tiêu của Nghị định 109 về kinh doanh XK gạo đã đề ra hay không lại vẫn là vấn đề còn để ngỏ.

“Lỗ hổng” trong cơ chế vận hành thị trường lúa gạo ?

Cặp mục tiêu quan trọng bậc nhất mà Nghị định 109 hướng tới là XK gạo được giá và bảo đảm lợi ích của nông dân trồng lúa, còn cặp điều kiện làm nền vững chắc cho XK gạo nói riêng và nền sản xuất lúa gạo nói chung phát triển bền vững là năng lực xay xát và kho tàng của các DN. Trong khi hai điều kiện được lượng hoá rất rõ ràng thì lợi ích của nông dân lại được các nhà hoạch định chính sách “thiết kế ẩn” bên trong giá sàn XK gạo.

Bên cạnh giá sàn XK gạo, Nghị định 109 đã xác định hai chế định giá khác “làm nền” là giá thành sản xuất lúa và giá lúa định hướng. Trong đó, giá thành phản ánh chi phí sản xuất, còn giá lúa định hướng bao gồm giá thành và lãi của nông dân ít nhất 30% theo quy định hiện hành của Chính phủ thì giá sàn XK gạo bao gồm giá lúa định hướng, lãi của DN XK gạo và các yếu tố khác.

Mặc dù vậy, theo Nghị định 109, giá lúa định hướng lại là loại giá không bắt buộc các DN XK gạo phải thực hiện, bởi giá lúa mua của nông dân là giá thị trường, tức là có thể cao hơn và cũng có thể thấp hơn.

Nhưng giá lúa DN mua của nông dân là giá thị trường, cho nên nó có thể bằng và cao hơn giá lúa định hướng và cũng có thể thấp hơn. Đặc biệt, trong điều kiện giá XK bị kéo xuống dưới giá sàn thì tính hiện thực của giá lúa định hướng càng ít hơn.

Thực tế thực hiện Nghị định 109 hiện nay đang cho thấy rất rõ khả năng thứ hai nói trên. Bởi lẽ, các kết quả tính toán từ những thông tin hằng ngày của một hãng thông tấn phương Tây về giá chào XK gạo của nước ta từ đầu năm đến nay luôn luôn thấp hơn giá sàn XK gạo một khoảng cách không hề nhỏ. 

Cụ thể, đối với gạo 5% tấm, trong khi giá sàn XK trong tháng 1 là 500 USD/tấn thì giá chào XK bình quân chỉ là 446 USD/tấn, tức là thấp hơn giá sàn XK tới 54 USD và 10,8%, còn tháng 4 thấp nhất cũng là 15 USD và 3,3%, nhưng tháng 7 vừa qua lại tăng lên 40 USD và 8.9%. Đối với gạo 25% tấm, tình hình còn “tệ” hơn, bởi ba cặp số liệu tương ứng là 61 USD và 13%; 40 USD và 9,4%; 52 USD và 12,2%. 

Trong khi đó, các số liệu thống kê của VFA cho thấy, tuy sự hỗ trợ không hề nhỏ của NSNN đã giúp nông dân ĐBSCL tránh được tình trạng được mùa mất giá trong vụ đông - xuân vừa qua, nhưng mục tiêu bảo đảm nông dân có lãi ít nhất 30% đã không được thực hiện trong năm tuần liên tục từ giữa tháng 6 vừa qua và ngay cả việc hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ lại được đem ra sử dụng thì giá lúa ở đây có đạt được yêu cầu đó hay không vẫn là điều chưa ngã ngũ.

Những điều nói trên có nghĩa là, hiện chúng ta đang không thực hiện được mục tiêu XK gạo được giá, còn mục tiêu bảo vệ lợi ích của nông dân trồng lúa thì cũng đã có một khoảng thời gian dài không thực hiện được. Rõ ràng, điều này sẽ không thể xuất hiện một khi giá lúa là loại giá bắt buộc phải thực hiện để chắc chắn bảo đảm lợi ích của nông dân, còn để có lãi thì các DN buộc phải XK gạo với giá cao hơn giá mua lúa của nông dân như cơ chế vận hành của Thái Lan và Ấn Độ hiện nay.

Hơn nữa, có không ít ý kiến cho rằng, do thị trường gạo thế giới khó khăn, cho nên phải hạ giá để tăng tốc XK. Thế nhưng, theo các số liệu thống kê của FAO, giá gạo thế giới từ đầu năm tới nay không giảm, mà vẫn tăng. Vậy khó khăn nào khiến các DN XK gạo nước ta phải hạ giá bán liên tiếp như thời gian vừa qua ?

Quay trở lại năm 2011 khi lượng gạo XK 7,1 triệu tấn và kim ngạch 3,5 tỉ USD cũng là lúc khó khăn hiện diện. Bởi lẽ, xét trên tổng thể, năm 2011 được mùa gần 2,2 triệu tấn lúa, tương ứng với 1,368 triệu tấn gạo, nhưng XK chỉ tăng rất khiêm tốn 350 nghìn tấn, cho nên nếu tiêu dùng trong nước chỉ tăng 250 nghìn tấn như ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ thì lượng tồn kho tăng thêm là 768 nghìn tấn sẽ phải chuyển sang XK trong năm 2012.

Ở góc độ tiến độ, có thể thấy lượng gạo XK từ 700 nghìn tấn/tháng trong suốt sáu tháng trước đó đã xuống chỉ còn 560 nghìn tấn trong tháng 9 và 441 nghìn tấn tháng 10, để chạm đáy chỉ với 279 nghìn tấn tháng 1/2012. Có thể nói, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đó là do giá gạo XK đã bắt đầu tăng mạnh từ tháng 7/2011 để đua với Thái Lan nhưng lại quên mất khoảng cách về giá với các đối thủ cạnh tranh chủ yếu là Ấn Độ và Pakistan đã cách tới 80 - 100 USD/tấn. Trong điều kiện như vậy, việc khách hàng đến với Ấn Độ và Pakistan là điều tất yếu.

Cẩn trọng không thừa

Hàng loạt DN không đủ hai điều kiện về năng lực kho tàng và xay xát sẽ bị buộc phải rời khỏi “cuộc chơi”. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến hệ quả khó lường bởi:

Thứ nhất, nếu chỉ căn cứ trên hai điều kiện trên để loại bỏ các DN thì đương nhiên không xem xét đến việc thực hiện mục tiêu của họ, trong khi đây mới là yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động kinh doanh. Bởi lẽ, cho dù đáp ứng tất cả các điều kiện, nhưng nếu các DN này XK gạo với giá “bèo” mà vẫn có lãi thì điều đó đương nhiên đồng nghĩa với lợi ích quốc gia không được bảo đảm và lợi ích của nông dân cũng bị ảnh hưởng và ngược lại, không có đủ điều kiện mà vẫn XK với giá tốt mà bị “trảm” thì quả là rất bất công.

Thứ hai, sau cuộc “thanh lọc” khi Nghị định 109 có hiệu lực, số lượng DN này đã giảm rất mạnh và con số 153 còn lại hiện nay là không quá nhiều, bởi bình quân mỗi DN cũng XK trên 46 nghìn tấn/năm.

Nếu nhìn sang Thái Lan, có thể dễ dàng thấy rằng, tuy đạt kỷ lục XK 10,6 triệu tấn gạo năm 2011, nhưng nước này có tới xấp xỉ 200 thành viên trong Hiệp hội XK gạo, tức là bình quân mỗi DN cũng chỉ XK 54 nghìn tấn/năm. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng có rất nhiều DN không tham gia Hiệp hội này. Bởi lẽ, trong cuộc tranh biện về chính sách lúa gạo hiện nay của Chính phủ Thái Lan, có ý kiến nêu rằng nước này hiện có tới 300 DN. Nếu vậy, bình quân mỗi DN cũng chỉ XK 35 nghìn tấn/năm.

Thứ ba, việc áp đặt phải có đủ hai điều kiện cơ sở xay xát và kho tàng là việc thay đổi “tập quán” kinh doanh, đòi hỏi không ít thời gian, cho nên việc buộc các DN phải hoàn thành trong một năm có lẽ không khác gì “đánh đố”.

Việc chương trình xây dựng 2,5 triệu tấn kho lúa gạo với không ít ưu đãi, lại thu hút có lẽ hầu hết các “đại gia trong làng XK gạo” và bộ máy quản lý rộng khắp mà có thời hạn tới ba năm (2009-2011), nhưng có thể năm 2013 cũng vẫn chưa chắc hoàn thành đủ chứng tỏ điều đó.

Không những vậy, việc hàng loạt DN kinh doanh XK gạo ở nước ta không có cơ sở xay xát và kho tàng trong hơn hai thập kỷ qua có lẽ cũng là “thông lệ” trên thế giới. Chẳng hạn, mô hình này rất có thể còn phổ biến hơn nữa ở Thái Lan, bởi họ còn có Hiệp hội Xay xát bên cạnh Hiệp hội XK gạo. Điều này có nghĩa là, các nhà XK gạo “tay không bắt giặc” ở Thái Lan cũng là tình trạng phổ biến, nhưng vị trí cường quốc XK gạo số 1 của nước này trong nhiều thập kỷ đủ khẳng định sức sống của mô hình này.

Nói tóm lại, nếu chỉ căn cứ vào hai điều kiện để “trảm” hàng loạt DN thì chẳng những chưa có gì để bảo đảm tình hình sẽ được cải thiện, cho nên cần xem xét toàn diện, thấu đáo. Có lẽ, sẽ hợp lý hơn nếu đánh giá lại tình hình thực hiện hoặc bổ sung những giải pháp mới để hiện thực hoá cả hai mục tiêu XK gạo được giá và bảo đảm lợi ích của nông dân.

3 điều kiện để kinh doanh XK gạo

Còn 2 tháng nữa sẽ đến ngày 1/10/2012, hạn chót để sàng lọc và hạn chế các đầu mối xuất khẩu gạo trong cả nước, khi đó VN sẽ chỉ còn lại 100 đầu mối tham gia xuất khẩu với giấy phép 5 năm. Để có tên trong danh sách 100 đầu mối xuất khẩu gạo, các DN phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí trong Nghị định 109. Điều này tạo ra cuộc chạy đua xây dựng cơ sở vật chất giữa các “đại gia” xuất khẩu gạo, còn với các DN nhỏ do tiềm lực yếu tất nhiên bị buộc đứng ngoài cuộc chơi.

Trước đó, ngày 4/11/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Theo đó, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng đủ 3 điều kiện:

Thứ nhất, được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp với quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) ban hành.

Thứ ba, có ít nhất 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ NNPTNT ban hành.

(Kho chứa, cơ sở xay, xát phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận).

Nghị định 109/2010 nêu rõ, từ 1/10/2012, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng đủ các điều kiện về thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sở hữu ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa và có ít nhất 1 cơ sở xay xát lúa, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn/giờ.

Với khoảng 280 DN đang tham gia xuất khẩu gạo thời gian qua, chỉ có khoảng 80 DN có khả năng đáp ứng yêu cầu này. Do vậy, không ít DN đang chạy đua xây dựng hệ thống kho chứa mới đạt chuẩn theo Nghị định 109 với hy vọng được cấp giấy phép xuất khẩu gạo thời hạn 5 năm.

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, cả nước hiện có trên 150 đầu mối xuất khẩu gạo, bao gồm các DN có giấy phép 1 năm và các DN có giấy phép 5 năm. Đến cuối tháng 9/2012, Chính phủ sẽ khống chế chỉ còn lại 100 đầu mối xuất khẩu gạo đồng nghĩa với việc 50 đầu mối sẽ mặc nhiên bị đào thải.

Còn theo Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), hiện có 153 DN được Bộ Công Thương cấp giấy phép xuất khẩu gạo. Ngoài ra còn có 4 DN FDI được thực hiện xuất khẩu gạo theo giấy phép đầu tư đã được cấp. Như vậy, tổng cộng có 157 DN đang có trong tay giấy phép xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, trong thời gian qua, hầu như không có thêm DN nào được cấp phép xuất khẩu gạo, mà chỉ có một số DN được chuyển giấy phép từ 1 năm sang 5 năm do đã đầu tư dây chuyền xay xát lúa 10 tấn/giờ, kho chứa 5.000 tấn lúa trở lên…

Khuyến nghị của các địa phương với Chính phủ và Bộ NN-PTNT là làm thế nào để vừa đảm bảo năng lực chế biến, năng lực trữ lúa gạo nhưng không để tình trạng đầu tư tràn lan, lãng phí.

Theo Nguyễn Đình Bích

DĐDN

lienph

Trở lên trên