MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia: Doanh nghiệp cần có thông tin thị trường Trung Quốc

16-08-2012 - 23:15 PM |

Việc Trung Quốc hạn chế và ngưng nhập khẩu một số mặt hàng từ Việt Nam trong thời gian qua đã làm nhiều doanh nghiệp làm ăn với thị trường này gặp không ít khó khăn.

TBKTSG Online lược ghi ý kiến của bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó chủ tịch Phòng thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) về vấn đề này.

Bà cho rằng, doanh nghiệp làm ăn với Trung Quốc cần có thông tin chính thức của các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường của họ.

Trung Quốc không đóng cửa biên giới với tất cả các mặt hàng mà chỉ ngưng và hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng nông sản và khoáng sản của Việt Nam.

Cụ thể, cơ quan phụ trách thị trường Trung Quốc của Bộ Công Thương cần nhanh chóng làm việc với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc để tìm hiểu lý do. Doanh nghiệp cần có những thông tin mặt hàng nào bị hạn chế nhập khẩu, mặt hàng nào bị ngưng hoàn toàn, thời hạn ngưng nhập khẩu là bao lâu?

Việc sớm có thông tin chính thức các cơ quan hữu quan của Trung Quốc sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đối phó với với những thay đổi về chính sách của họ đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Một vấn đề quan trọng khác là những mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Câu chuyện nuôi trồng nông thủy sản tràn lan theo nhu cầu của thương nhân Trung Quốc phải được xử lý rốt ráo và triệt để hơn. Khi Trung Quốc có nhu cầu cao về một mặt hàng, họ sẽ đổ xô mua với giá cao. Khi người nông dân mở rộng diện tích, Trung Quốc lại ngưng mua và mặt hàng rớt giá, buộc phải bán đổ bán tháo cho họ. Vì vậy, chúng ta phải liên tục cung cấp có hệ thống những thông tin cho doanh nghiệp, nông dân và cảnh báo liên tục những bất lợi và khó khăn khi làm ăn với thị trường Trung Quốc.

Cơ quan quản lý nhà nước cũng như mỗi nông dân, doanh nghiệp phải nhìn được vấn đề đâu là nhu cầu dài hạn hay ngắn hàng của thị trường Trung Quốc đối với hàng nông sản của Việt Nam.

Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm về việc này khi làm ăn với thị trường Trung Quốc. Cụ thể, nếu nông dân trồng khoai lang ở Vĩnh Long vẫn trồng với mức độ bình thường mà không mở rộng diện tích ào ạt theo nhu cầu của thị trường Trung Quốc, nông dân vẫn bán khoai được giá cao ở thị trường nội địa.

Việc thương lái Trung Quốc sang Việt Nam dẫn dắt và thao túng các mặt hàng nông sản cũng là vấn đề đáng báo động hiện nay.

Thương nhân Trung Quốc chi phối các mặt hàng nông sản trong nước sẽ làm đảo lộn cung cầu của thị trường, hàng nông sản sản xuất ra với số lượng lớn sẽ bị ép giá. Ngoài ra, khi thương nhân Trung Quốc vào sâu thị trường nội địa dẫn dắt nông dân nuôi trồng các sản phẩm theo quy trình và nhu cầu của họ còn làm dấy lên lo ngại về quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Điều này càng làm cho hàng nông sản Việt mất giá ở thị trường xuất khẩu và nguy cơ bị người tiêu dùng trong nước quay lưng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo Trần Sơn

TBKTSG

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên