Lương tối thiểu dự kiến tăng 35%
Từ 1/1/2013, lương tối thiểu cao nhất tại mọi loại hình doanh nghiệp có thể tăng 700.000 đồng lên 2,7 triệu đồng một tháng theo đề xuất mới của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Trong dự thảo Nghị định về lương tối thiểu vùng tại mọi loại hình doanh nghiệp công bố chiều 16/8, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án điều chỉnh.
Với phương án thứ nhất, mức lương tối thiểu quy định cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I là 2,7 triệu đồng, tăng 700.000 đồng so với hiện hành. Các doanh nghiệp hoạt động ở vùng II, III và IV lần lượt áp dụng mức 2,4 - 2,13 - 1,93 triệu đồng một tháng.
Ở phương án thứ hai, Bộ đề xuất mức cao nhất cho vùng một là 2,5 triệu đồng và thấp nhất là 1,8 triệu đồng cho vùng IV.
Vùng | Hiện hành (Đến hết 31/12/2012) |
Phương án 1 (Từ 1/1/2013) |
Phương án 2 (Từ 1/1/2013) |
I | 2.000.000 | 2.700.000 | 2.500.000 |
II | 1.780.000 | 2.400.000 | 2.250.000 |
III | 1.550.000 | 2.130.000 | 1.950.000 |
IV | 1.400.000 | 1.930.000 | 1.800.000 |
(Đồng/tháng)
Nghị định này nếu được thông qua sẽ áp dụng từ 1/1/2013, áp dụng cho các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.
Theo quy định hiện hành, lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương. Dự thảo khuyến khích các doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định.
Đồng thời, dự thảo quy định mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề, kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề, phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng theo quy định.
Mức lương tối thiểu vùng được dùng làm căn cứ để xây dựng các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác do doanh nghiệp xây dựng và ban hành theo thẩm quyền do pháp luật lao động quy định.
Trên thực tế, lương tối thiểu vùng chỉ mang tính chất tham chiếu để các doanh nghiệp xây dựng bảng lương và làm căn cứ tính bảo hiểm cho người lao động. Và thu nhập thực lĩnh của lao động tại nhiều doanh nghiệp đều cao hơn so với mức tối thiểu này.
Bản thân mức lương tối thiểu cũng được cho là lạc hậu so với đời sống thực tế. Khảo sát năm 2011 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, mức sống tối thiểu của người lao động từ vùng IV đến vùng I lần lượt là 2,47 - 2,66 - 2,86 và 3,04 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi mức cao nhất áp dụng trước 1/10/2011 là 1,55 triệu đồng và sau mốc này cũng chỉ là 2 triệu đồng một tháng.
Trong một hội thảo tổ chức hồi tháng 5, ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nhân công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) phải thốt lên 20 năm qua lương tối thiểu chưa bao giờ đạt đến mức sống tối thiểu.
Theo Song Linh
VnExpress