Cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc bị “hắt hủi”
Nhà đầu tư không còn mặn mà với cổ phiếu ngành ngân hàng Trung Quốc mặc dù P/E hấp dẫn, bởi lo ngại rủi ro tín dụng và sự thiếu minh bạch về số liệu nợ xấu.
- 22-08-2012Standard & Poor's: Trung Quốc đã sẵn sàng cho một gói nới lỏng tiền tệ
- 15-08-2012Nợ xấu nhà băng tại Trung Quốc tăng 3 quý liên tiếp
Sau báo cáo tình hình hoạt động quý II mới công bố, các nhà đầu tư tỏ ra khá lo lắng với khả năng rủi ro tín dụng tại 4 ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất Trung Quốc và cũng thuộc top các ngân hàng sung mãn nhất thế giới, khi mà các dữ liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng của các tổ chức này đang quá nhanh.
Dấu hiệu nợ xấu gia tăng tại các doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu khi mà nền kinh tế đang rơi vào giai đoạn tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2008 trực tiếp đánh vào lợi nhuận kinh doanh của các ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, giá cổ phiếu của 4 ngân hàng quốc doanh nói trên, bao gồm: Bank of China, Ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc hiện đã giảm trung bình khoảng 19% kể từ cuối tháng 2 -thời điểm xác lập đỉnh của năm nay trên thị trường chứng khoán lục địa và giảm 7,3% tại thị trường chứng khoán Hồng Kông cũng so với thời điểm trên.
Diễn biến trái chiều giữa lợi nhuận và giá cổ phiếu ngành ngân hàng Trung Quốc 4 quý gần đây
Điều này tưởng chừng như khá khó hiểu bởi mặc dù là một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn, với kết quả kinh doanh không đến nỗi nào, các nhà đầu tư vẫn đang quay lưng lại với cổ phiếu ngân hàng. Nguyên nhân chính là bởi các ngân hàng này đang cố gắng che giấu những món cho vay không hiệu quả có giá trị khổng lồ và các nhà đầu tư e ngại rằng đang tồn tại một sự thiếu minh bạch về tài chính.
Giữa tháng 8, Ủy ban điều tiết ngân hàng Trung Quốc vừa công bố số liệu nợ xấu của nền kinh tế trong quý II năm nay, và con số thực sự đáng lo ngại. Cụ thể, các khoản cho vay không hiệu quả tăng 4%, thêm 18,2 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 2,86 tỷ USD) trong quý II, nâng tổng số nợ xấu tính đến hết tháng 6 lên tới 456,4 tỷ Nhân dân tệ, chiếm 0,9% tổng tín dụng.
Ông Arthur Kwong, người đứng đầu bộ phận đầu tư tài sản khu vực châu Á Thái Bình Dương của quỹ đầu tư BNP Paribas Investment Partners tại Hồng Kông, nắm trong tay khối tài sản khoảng 4,5 tỷ USD cho biết quỹ của ông cũng đang giảm dần tỉ trọng đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng Trung Quốc mặc dù hầu hết các ngân hàng nước này đang có tỷ lệ P/E khá hấp dẫn, vào khoảng 6, trong khi mức trung bình trên thị trường chứng khoán Hồng Kông lên tới trên 10.
Thêm vào đó, còn một nguyên nhân nữa khiến giới đầu tư không còn mặn mà với cổ phiếu ngành ngân hàng. Trong bối cảnh kinh tế có nhiều chuyển biến xấu, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng quốc doanh lớn chính là công cụ hữu hiệu để các nhà hoạch định chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô. Khi đó, mục tiêu cao cả đối với nền kinh tế khiến lợi ích của một bộ phận nhà đầu tư nhỏ lẻ bị coi nhẹ, và họ cảm thấy đầu tư vào ngân hàng quá rủi ro.
Hồng Liên