MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tác động từ việc Trung Quốc tăng dự trữ vàng

23-08-2012 - 13:39 PM | Tài chính quốc tế

Từ đầu năm, Trung Quốc đã bắt tay vào việc tăng dự trữ và đã mua ròng 240 tấn vàng, đưa tổng dự trữ vàng cuối quí 1/2012 lên khoảng 1.400 tấn, chủ yếu nhập khẩu qua Hồng Kông với 135,53 tấn.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp quốc tế hóa nhân dân tệ (RMB). Trong đó, bước đi đáng chú ý nhất được ghi nhận vào đầu năm 2012, khi Ngân hàng Phát triển Trung Quốc có kế hoạch cung cấp tín dụng dưới dạng RMB cho các nền kinh tế đang nổi (BRICS), bao gồm Brazil, CHLB Nga, Ấn Độ, CH Nam Phi; đồng thời, kêu gọi thành lập ngân hàng phát triển riêng của BRICS.

Việc RMB được quốc tế hóa rộng rãi sẽ hỗ trợ tích cực cho phát triển thương mại và đầu tư của Trung Quốc, giảm dần sự lệ thuộc vào USD với mục tiêu cuối cùng là đưa RMB thành đồng tiền dự trữ quốc tế để cạnh tranh và thay thế USD.

Để đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa RMB, Trung Quốc đã chủ động tránh dự trữ nhiều USD và euro, thiên về đầu tư vào các tài sản thực, tăng cường cho các nước đang phát triển vay USD, tích cực mua vàng nhằm thay đổi cơ cấu dự trữ ngoại hối quốc gia.

Lượng vàng dự trữ của Trung Quốc vào cuối năm 2009 là 1.054 tấn, gấp gần 2 lần so với cuối năm 2003. Năm 2011, dự trữ vàng của Trung Quốc tăng thêm 107 tấn lên 1.161,1 tấn vào cuối năm.

Mặc dù lượng vàng dự trữ tăng mạnh, nhưng tỉ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm từ 1,8% vào năm 2010 xuống 1,6% vào năm 2011 do dự trữ ngoại tệ tăng nhanh hơn nhờ thặng dư thương mại.

Vì thế, Trung Quốc chú trọng tăng dự trữ vàng trong cơ cấu dự trữ ngoại hối, cả về tỉ trọng và lượng vàng thực tế. Các chuyên gia Trung Quốc khuyến nghị, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC) phải soạn thảo một chiến lược dự trữ vàng rõ ràng và vững chắc với một chương trình dài hạn về gia tăng bền vững lượng dự trữ vàng, đẩy mạnh tiếng nói của Trung Quốc về giá vàng trên thế giới. Mục tiêu đề ra là đưa lượng vàng dự trữ lên khoảng 6.000 tấn, vượt tất cả các nước trên thế giới, trừ Mỹ.

Từ đầu năm 2012, Trung Quốc đã bắt tay vào việc thực hiện chiến lược này và đã mua ròng 240 tấn vàng, đưa tổng dự trữ vàng cuối quí 1/2012 lên khoảng 1.400 tấn, chủ yếu nhập khẩu qua Hồng Kông với 135,53 tấn.

Động thái tăng mua vàng của Trung Quốc đã làm nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận là sẽ dẫn đến tình trạng hoảng loạn trên thị trường quốc tế, khi Trung Quốc sẵn sàng trích USD trong nguồn dự trữ khoảng 3.200 tỉ USD hiện nay để mua vàng. Tuy nhiên, đây là nghiệp vụ không dễ dàng đối với PBC, do thị trường vàng thế giới chịu sự chi phối bởi các nhà đầu cơ quốc tế, trong khi qui mô thị trường này rất nhỏ so với các thị trường tiền tệ và tài sản khác.

Các quốc gia có dự trữ vàng cao nhất trên thế giới (cuối năm 2011)

Quốc gia, tổ chức

Lượng vàng (tấn)

Tỉ trọng trong dự trữ ngoại hối (%)

Mỹ

8.133,5

74,5

Vương quốc Anh

4.600,2

74,4

CHLB Đức

3.396,3

71,4

IMF

2.814,0

Italia

2.451,8

71,0

CH Pháp

2.435,4

71,1

Trung Quốc

1.161,1

1,6

Thụy Sĩ

1.040,1

16,3

CHLB Nga

883,3

9,1

Nhật Bản

765,2

2,9

Hà Lan

612,5

59,8

Ấn Độ

557,7

9,2

Nguồn: Hội đồng Vàng thế giới

Nhiều chuyên gia phân tích tin rằng, nếu Trung Quốc thực sự tham gia vào thị trường vàng, giá vàng sẽ tăng mạnh do sự mất cân đối cung cầu, gây ra tác động tâm lý, khi các nhà đầu tư nghi ngờ về giá trị thực của USD nếu giá vàng cứ tăng tốc một cách vững chắc, các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm giải pháp thay thế USD. Hệ quả của động thái này là, USD sẽ mất giá, mô hình thế giới được xây dựng theo các qui tắc của Mỹ sẽ sụp đổ.

Tuy nhiên, thực tế rất khó diễn ra theo chủ trương kế hoạch đề ra. Theo báo cáo của Hội đồng vàng thế giới, lượng vàng do các ngân hàng trung ương nắm giữ chỉ chiếm khoảng 18% tổng lượng vàng thế giới, tuy cao hơn nhóm vàng lưu niệm dưới dạng tiền vàng cổ và huân huy chương là 16% và nhu cầu vàng trong ngành công nghiệp chiếm 12%, nhưng thấp xa lượng vàng trong dân và các công ty chế tác vàng là 52%.

Do vàng chỉ chiếm giá trị rất nhỏ so với tiền giấy trong lưu thông và nhiều nhà đầu tư ưu tiên giữ tiền để kinh doanh, nên rất ít nhà đầu tư quan tâm đến vàng.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng chú trọng khai thác vàng với sản lượng vàng tăng từ 288 tấn năm 2008 lên 314 tấn năm 2009 và 345 tấn năm 2010, dự kiến tăng sản lượng vàng khai thác lên 400 tấn/năm trong 3 năm 2011-2014, lượng vàng khai thác tại Trung Quốc đang chiếm khoảng 13% sản lượng vàng thế giới.

Với sản lượng vàng khá lớn như vậy, lại chủ yếu được tiêu thụ trên thị trường trong nước, nên Trung Quốc chỉ cân nhắc mua vàng từ thị trường bên ngoài khi giá vàng thế giới giảm xuống dưới mức kỳ vọng.

Hơn nữa, lượng vàng dự trữ tại Trung Quốc tăng thêm 240 tấn trong quí 1/2012, trong khi lượng vàng dự trữ tại Mỹ trong thời gian này đã tăng thêm 832 tấn lên 8.965 tấn. Nghĩa là, Mỹ vẫn chi phối thị trường vàng và duy trì được vị thế của USD trên thị trường quốc tế.

Cho dù GDP của Trung Quốc có thể vượt GDP của Mỹ vào năm 2016, nhưng Mỹ vẫn là nền kinh tế mạnh nhất thế giới với các thị trường tài chính lớn và có tính thanh khoản cao và các luật chơi rõ ràng, USD sẽ vẫn là đồng tiền dự trữ chính trong 50 năm tới, thậm chí lâu hơn.

Trong khi đó, các nước trên thế giới ngày càng cảnh giác trong quan hệ kinh tế - thương mại với Trung Quốc, không dễ chấp nhận đưa RMB vào nhóm ngoại tệ trong cơ cấu dự trữ ngoại hối quốc gia.

Như vậy, cũng như một số ngân hàng trung ương khác và đa số người dân tại một số nước, việc Trung Quốc tăng mua vàng là động thái bình thường mà nguyên nhân là do những bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới vẫn hiện hữu và còn kéo dài trong nhiều năm tới, trong khi sản lượng vàng thế giới tăng chậm và chi phí khai thác ngày càng cao.

Văn Thanh

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM