MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vướng luật, ngân hàng lo khó thu nợ

30-08-2012 - 12:19 PM | Tài chính - ngân hàng

Mgân hàng lo ngại khi xảy ra khủng hoảng, hoặc thua lỗ, nếu bên giữ tài sản bảo đảm không hợp tác, không có sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước thì các ngân hàng vẫn là đối tượng lãnh hậu quả sau cùng.

Tại buổi tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số điều về xử lý tài sản bảo đảm do Bộ Tư pháp và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 28-8, nhiều ý kiến cho rằng, nếu luật về xử lý tài sản bảo đảm không được thông qua sớm, trên cơ sở bổ sung các quy định mới thì thiệt hại về tài chính đối với nhiều ngân hàng sẽ khó tránh khỏi.

Chủ nợ bị động trong thu hồi nợ?

Theo đại diện Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), luật quy định về xử lý tài sản bảo đảm hiện còn vướng mắc, đặc biệt là quy định về thu hồi nợ. Đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức xử lý tài sản bảo đảm. Hệ quả là một số quy định về xử lý tài sản bảo đảm vẫn không có hiệu lực trong quá trình áp dụng.

Một số ngân hàng thương mại lo ngại, khi xảy ra khủng hoảng, hoặc thua lỗ, nếu bên giữ tài sản bảo đảm (thế chấp ngân hàng khi vay vốn) không hợp tác, không có sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền,… thì các ngân hàng vẫn sẽ là đối tượng lãnh hậu quả sau cùng vì không thu hồi được nợ từ tài sản bảo đảm.

 Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cũng thừa nhận, áp dụng theo luật hiện nay thì bên nhận bảo đảm chưa có được quyền chủ động khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật, cũng như theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm.

Nhiều ý kiến cũng lo ngại, khi ngân hàng không "nắm đằng chuôi” thì khi xảy ra trốn nợ khó thu hồi, buộc ngân hàng phải lựa chọn con đường tố tụng (khởi kiện ra tòa án). Tuy nhiên, việc theo đuổi con đường tố tụng sẽ dẫn đến nhiều bất cập đối với hoạt động kinh doanh của các ngân hàng nói riêng và của bên nhận bảo đảm nói chung.

Thậm chí, một số ngân hàng thương mại phản ánh, việc kiện ra tòa thời gian theo đuổi vụ việc rất dài, thủ tục phức tạp qua nhiều cấp xét xử với nhiều quy trình tố tụng… Trong nhiều vụ việc, dù bên nhận đảm bảo thắng kiện nhưng vẫn không chắc chắn có thể xử lý được tài sản bảo đảm trên thực tiễn.

Không chỉ lo nợ khó đòi, nhiều ngân hàng cũng phàn nàn do rơi vào tình thế bị động trong các giao dịch liên quan đến thế chấp bất động sản. Bà Phạm Ngọc Liên – Giám đốc Văn phòng đăng ký sử dụng đất TP. Hồ Chí Minh phản ánh thực trạng, các quy định về thế chấp bằng sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hiện bộc lộ nhiều vướng mắc, gây khó khăn trong các giao dịch ngân hàng, giao dịch dân sự liên quan đến nhà, đất…

Chẳng hạn, quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm hiện chưa rõ đối với một số trường hợp đăng ký thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai. "Có trường hợp khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng căn hộ chung cư, chủ đầu tư thắc mắc có được tiếp tục thế chấp bằng quyền sử dụng đất của dự án đó không?

Mặt khác, trong trường hợp nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp, vừa làm chung cư để bán, vừa giữ lại một phần để kinh doanh, làm văn phòng cho thuê thì thủ tục thế chấp quyền sử dụng đất chung hỗn hợp này thực hiện như thế nào?”.

Chủ nợ phải được quyền xử lý tài sản bảo đảm

Ông Lê Thanh Hải, đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) góp ý, trong thông tư sắp ban hành hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm thì luật phải thống nhất quy định bên nhận đảm bảo có quyền chứ không có nghĩa vụ thực hiện xử lý tài sản.

 Theo ông Hải, đứng ở một góc độ là một tổ chức tín dụng thì ngân hàng ACB cũng chịu sự điều chỉnh trực tiếp từ thông tư này. "Thời gian qua, khi các tổ chức tín dụng tự xử lý tài sản bảo đảm là nhà ở thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền không phải lúc nào, ở đâu cũng đồng ý căn cứ vào những thỏa thuận trong Hợp đồng thế chấp để thực hiện thủ tục sang tên cho bên mua căn nhà. Không rõ vì vướng mắc gì (!?) nhưng rõ ràng là một rào cản rất lớn” đối với các tổ chức tín dụng”, ông Hải cho biết.

Ông Nishioka – Cố vấn trưởng Dự án JICA cho rằng, việc chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong xử lý tài sản bảo đảm sẽ giúp Chính phủ Việt Nam có được những bổ sung hợp lý hơn trong Thông tư được ban hành tới đây hướng dẫn thực hiện Nghị định 163.

 "Luật phải cho thấy được cơ chế, cách thức xử lý tài sản bảo đảm nhằm cụ thể hóa các quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm; đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong việc chủ động xử lý tài sản đảm bảo, tăng khả năng thanh khoản của tài sản đảm bảo và tạo sự ổn định trong hoạt động tín dụng”, ông Nishioka góp ý.

Theo Lan Anh
Đại Đoàn kết

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên