Trung Quốc thiếu tiền đến mức nào?
Dòng tiền của các doanh nghiệp chính là bằng chứng rõ ràng khẳng định tình trạng "khát tiền" của Trung Quốc.
Thế giới đang lo lắng về tình hình suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc khi nước này công bố GDP quý II chỉ đạt 7,6%, thấp nhất trong vòng hơn 3 năm qua. Có thể tìm thấy những dấu hiệu cảnh báo sự suy giảm ấy hay không? Hãy nhìn vào dòng tiền của các doanh nghiệp.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thiếu tiền mặt và phải tìm kiếm lượng tiền bị thiếu hụt từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy khó có thể hình dung được bức tranh tổng quan do số liệu quá ít ỏi, ngày càng có nhiều bằng chứng cho sự thiếu hụt này.
Có thể lấy các khoản vay ngắn hạn làm ví dụ. Như biểu đồ dưới đây, các khoản vay ngắn hạn đã bùng nổ trong năm nay:
Trong tháng 7, số khoản vay mới tăng thêm có xu hướng thiên lệch về các khoản vay ngắn hạn. 29% các khoản vay mới là hối phiếu đã được chiết khấu (loại thường được sử dụng để tài trợ vốn lưu động và tài trợ thương mại). Đây là tỷ lệ cao hơn nhiều so với mức trung bình 12 tháng chỉ đạt 12%.
Như vậy, có thể rút ra kết luận các ngân hàng không muốn cho vay trong môi trường kinh doanh như hiện nay. Tuy nhiên, rõ ràng là họ phải chịu áp lực lớn từ các công ty có lượng hàng tồn kho quá cao hoặc các dự án chưa được hoàn thiện. Các công ty này đang rất khát vốn ngắn hạn để có thể duy trì hoạt động.
Những công ty sản xuất máy móc điển hình như Zoomlion và Sany Heavy đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi nỗi lo sợ tình trạng thiếu tiền mặt trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Thậm chí, hồi tháng 6 vừa qua, Zoomlion, công ty có trụ sở đặt tại Hồ Nam, đã phải thông qua ý kiến cổ đông về việc triển khai thêm các khoản vay mới. Zoomlion đã có cổ phiếu được niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến và Hồng Kông với giá trị thị trường đạt 12,3 tỷ USD.
Tình trạng thiếu tiền mặt đang tiếp tục lan rộng. Theo các chuyên gia phân tích tại Jefferies, vốn lưu động quá thấp, chi phí gia tăng cùng với lượng hàng tồn kho tăng lên đã làm xói mòn dòng tiền và lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Tuần này, tờ South China Morning Post cũng có bài báo khá thú vị về kinh tế Trung Quốc. Tác giả cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt với các khoản nợ “tay ba”. Khách hàng nước ngoài hoãn việc hoàn trả các khoản nợ có thời hạn dưới 60 ngày. Trung bình, 90 ngày sau, họ mới hoàn trả các khoản nợ. Điều này khiến các nhà xuất khẩu đói vốn và kéo theo đó là bên cung ứng cho các nhà xuất khẩu cũng bị đói vốn.
Đây là tình trạng phổ biến trong các ngành sản xuất thép, than đá, điện, kim loại màu và máy móc thi công.
Thêm vào đó, 1 biến số khác cũng thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư: các địa phương đang muốn tăng thuế. Theo các chuyên gia phân tích tại CICC, mức thuế doanh nghiệp đã tăng lên ngoài sức tưởng tượng. Các chính quyền địa phương đã cắt hết các khoản ưu đãi về thuế dành cho các doanh nghiệp công nghệ cao.
Sự thiếu hụt còn có thể được cảm nhận ở cấp NHTW. Tuần trước, NHTW Trung Quốc đã bơm ròng 278 tỷ nhân dân tệ vào hệ thống tài chính thông qua nghiệp vụ mua lại. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 1.
Theo quan sát của Simon Derrick, chiến lược gia tiền tệ tại BNY Mellon, từ tháng 6 năm ngoái đến tháng 6 năm nay, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 1,32%. Ngược lại, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kể từ năm 2001 luôn ở mức trên 30%. Ở những tháng thấp nhất, tỷ lệ cũng đạt 8,5% vào tháng 3/2011; 12,1% vào tháng 12/2011 và 12,1% hồi tháng 3/2001.
Theo Derrick, 3 yếu tố bao gồm khủng hoảng nợ châu Âu, chính sách tiền tệ thiếu linh hoạt của Mỹ cùng với sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Đối với 1 nước phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu như Trung Quốc, vấn đề không chỉ nằm ở nguồn cung tín dụng và đầu tư – những yếu tố mà chính phủ có thể điều chỉnh được – mà còn phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu ở nước ngoài – yếu tố Trung Quốc không thể kiểm soát.
Trong chuyến thăm Quảng Châu hồi tuần trước, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nói về việc giảm thuế và mở rộng phạm vi áp dụng bảo hiểm xuất khẩu cho các công ty xuất khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Những biện pháp này cùng với nghiệp vụ mua lại có thể xoa dịu tình hình. Tuy nhiên, mối lo lớn ở đây là tình trạng này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống ngân hàng với lượng nợ xấu tăng lên nhanh chóng.
Thu Hương