MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lại nói chuyện vàng

09-09-2012 - 13:26 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng đang gặp hai vướng mắc về vàng. Thứ nhất vàng đã huy động được phần lớn có kỳ hạn ngắn, còn vàng đã cho vay là dài hạn, thứ hai là trạng thái vàng đang âm.

“Chúng tôi đã kiểm tra các thiết bị và sử dụng tối đa công suất dập vàng miếng SJC. Nếu chạy liên tục ba ca/ngày, hiện SJC có thể dập 3 tấn/ngày” – ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TPHCM cho biết. Ngoài vàng miếng SJC móp méo, vàng miếng các nhãn hiệu khác cũng được đưa vào dập lại.

Một nguồn tin thân cận với TBKTSG cho biết khoảng 20 tấn vàng miếng nhãn hiệu khác đang chờ được kiểm định chất lượng trước khi được gia công thành vàng SJC.

Số lượng vàng như vậy hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong điều kiện bình thường. Nhưng hiện do nhu cầu vàng đang tăng, nên khả năng thiếu hụt nguồn cung là có thể có. Cầu tăng không chỉ vì người dân bắt đầu mua vàng nhiều hơn khi nhận thấy giá thế giới nhích lên và có khả năng chưa dừng lại nếu xét đến yếu tố mùa vụ, mà còn vì doanh nghiệp, ngân hàng cũng mua.

Trong khi đó giá vàng trong nước luôn giữ khoảng cách với giá quốc tế, ít thì 1,8-2 triệu đồng, cao thì tới 3 triệu đồng/lượng. Sự chênh lệch này càng làm không ít người tin vào sự bảo hiểm vô hình của vàng, vào việc vàng vẫn là kênh đầu tư thời thượng.

Trong chưa đầy một tháng qua, vàng đã tăng giá xấp xỉ 10%, từ 41,5 triệu đồng lên 45,3 triệu đồng/lượng. Mức tăng quá nhanh đã khiến một bộ phận người gửi vàng ở ngân hàng rút vàng ra bán chốt lời. Các ngân hàng phải lập tức mua lại để bù đắp số vàng bị rút đó.

Ngân hàng đang gặp hai vướng mắc về vàng. Thứ nhất vàng đã huy động được phần lớn có kỳ hạn ngắn, chủ yếu từ 1 đến 3 tháng, còn vàng đã cho vay tồn đọng từ các hợp đồng tín dụng còn lại là dài hạn trên 12 tháng, thậm chí 2 -3 năm. Rủi ro kỳ hạn trong huy động – cho vay vàng đang hiện hữu.

Vướng mắc thứ hai tỏ ra nghiêm trọng là tổng lượng vàng huy động đang thấp hơn dư nợ cho vay vàng. Nói một cách khác, trạng thái vàng của các ngân hàng đang âm. Hệ quả này đã bắt nguồn từ 4-5 năm trước khi người vay vay vàng để chuyển đổi thành tiền, đầu tư vào bất động sản hoặc dự báo giá vàng sẽ giảm nên vay để bán, chờ giá xuống mua lại. Khi ấy lãi suất vay vàng rất thấp, chỉ bằng 1/3 lãi suất vay tiền đồng, nên người vay đã không tính đến việc mua bảo hiểm cho giá vàng. Các khoản vay vàng ngày càng rủi ro khi giá vàng cứ tăng đều đặn. Mặc dù một tỷ lệ lớn người vay đã bổ sung tài sản thế chấp hoặc cắt lỗ, không phải tất cả các hợp đồng vay vàng quá hạn đã được tất toán.

NHNN đã liên tục gia hạn thời gian chấm dứt huy động vàng cho các ngân hàng. Sự linh động này giúp các tổ chức tín dụng lựa chọn thời điểm thích hợp để cân bằng lượng vàng huy động và cho vay. Việc cân bằng đã không thể diễn tiến nhanh một phần vì nguồn cung thị trường hạn chế (NHNN không cấp hạn ngạch nhập vàng, người dân vẫn giữ vàng, ít bán ra), phần khác vì giá vàng nội địa không những không giảm mà còn luôn cao hơn giá quốc tế.

Sự ban hành Nghị định mới về quản lý vàng là một bước tiến so với các văn bản cũ, nhưng việc thực hiện lại chưa rốt ráo. Nghị định đã không đạt được hai mục tiêu: tạo sự liên thông giữa giá vàng nội-ngoại, đưa chênh lệch giá trong – ngoài nước về mức 400.000 đồng/lượng như NHNN tuyên bố; việc huy động vàng trong dân vẫn chưa được tiến hành. Ở những thời điểm cần thiết NHNN vẫn chưa có đủ lượng vàng dự trữ để can thiệp thị trường.

Khoảng 20 tấn vàng miếng nhãn hiệu khác đang chờ dập lại thành vàng SJC được cho là nguồn cung có thể làm dịu thị trường lúc cầu cao. Song nhìn kỹ, đây là vàng của các ngân hàng, doanh nghiệp và họ cũng có nhu cầu ổn định trạng thái vàng của chính họ. NHNN chỉ là người gia công, không phải là chủ nhân của số vàng đó. Nếu thị trường biến động, ai dám đảm bảo các ngân hàng, doanh nghiệp sở hữu số vàng trên sẽ bán ra? Họ là người kinh doanh, đặt lợi nhuận lên đầu. Họ không có nhiệm vụ phải bình ổn thị trường vàng.

Giải quyết trạng thái vàng âm của các ngân hàng thực ra không khó. Các ngân hàng hiện có đủ, nếu không muốn nói là thừa, ngoại tệ để nhập vàng. Trong trường hợp không cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng, NHNN có thể tự nhập và phân phối lại cho các tổ chức tín dụng trên cơ sở nhu cầu thực của từng đơn vị. Các tổ chức tín dụng sẽ trả ngoại tệ cho NHNN và NHNN không cần sử dụng đến dự trữ ngoại hối.

Nhập khẩu vàng có thể phân bổ vào nhiều thời điểm, chọn những lúc giá thuận lợi, không nhất thiết phải nhập toàn bộ ngay. Vấn đề là NHNN cần có một đội ngũ chuyên viên về vàng, không chỉ theo dõi thị trường mà còn có các đề xuất chính sách, giải pháp kịp thời để xử lý.

Mới đây NHNN đã ban hành Thông tư 24/2012 sửa đổi bổ sung điều 1 của Thông tư 11/2011 về quản lý vàng, theo đó các tổ chức tín dụng không được thực hiện vay và cho vay bằng vàng (trước đây chỉ không được thực hiện cho vay bằng vàng), đồng thời trong những trường hợp đặc biệt để ổn định hoạt động ngân hàng, Thống đốc NHNN quyết định việc vay và cho vay bằng vàng giữa các tổ chức tín dụng với nhau. Qui định mới này được xem là mở đường cho việc vay vàng liên ngân hàng trong hoàn cảnh cần thiết. Tuy vậy, nó mang tính đối phó và chắp vá, không tháo gỡ được vấn đề trạng thái vàng âm của hệ thống.

Thời gian qua, NHNN đã có những thành công nhất định trong điều hành tỷ giá, lãi suất, kiềm chế lạm phát và ổn định giá trị đồng nội tệ. Chỉ còn lại một số tồn tại của thị trường vàng và nó cũng không quá phức tạp để kiểm soát. Nay là lúc chính sách tiền tệ phải tập trung vào cả thị trường vàng.

Theo Hải Lý

TBKTSG

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên