MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NSNN bấp bênh vì những khoản “không thường xuyên”

22-09-2012 - 08:25 AM | Tài chính - ngân hàng

“Tuy đã giảm về mức độ, song thu NSNN vẫn đang phụ thuộc tương đối vào các khoản thu “không thường xuyên” như từ dầu thô, các khoản thu từ đất”.

Đó là nhận xét của TS. Vũ Nhữ Thăng – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính.

Bất ổn ngay từ cơ cấu

Sự thiếu ổn định của ngân sách nhà nước (NSNN) lại là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm nhất của những người tham dự Hội thảo – Triển lãm Vietnam Finance 2012 bởi đây là một triển lãm, hội thảo thường niên giới thiệu về công nghệ thông tin áp dụng cho ngành tài chính. Đặc biệt là chủ đề này được nói đến trong điều kiện thu NS rất khó khăn. Đã sang tháng 9 nhưng thu NS mới chừng ngót 60% theo dự toán, ngược hẳn lại với nhiều năm trước đây, NS thu luôn vượt dự toán ở mức cao.

Với tình hình kinh tế được dự báo có thể còn kéo dài giai đoạn khó khăn tới tận năm 2015, NSNN đã và nhiều khả năng rơi vào cảnh “thu vào thì khó, đòi chi thì nhiều”. Trong khi, để có được một nền tài chính bền vững, bội chi NS những năm tới đã xác định nhiều nhất là 5% GDP, năm 2015 bội chi phải giảm về mức 4,5% và năm 2020 là 4%, để sau đó hướng về mục tiêu 3%.

“NS sẽ khó duy trì mức thu như giai đoạn 5 năm vừa qua”, TS. Vũ Nhữ Thăng – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính chia sẻ sau khi đã trình bày rất nhiều những giải pháp mà ngành Tài chính đã và sẽ thực hiện để đảm bảo sự bền vững của tài khóa.

Chiến lược tài chính đến năm 2020 và Chiến lược phát triển của ngành Tài chính đã đưa ra nhiều biện pháp, chỉ số về an ninh, an toàn tài chính và bền vững tài khóa. Tuy nhiên, nhìn sâu vào cơ cấu thu ngân sách, TS. Vũ Nhữ Thăng đã thẳng thắn và mạnh mẽ chỉ ra khá nhiều những yếu tố mà với cách nói rất thận trọng, rằng “có thể ảnh hưởng đến tính bền vững trong trung và dài hạn”.

Như ông Thăng đã trình bày nhiều về những cải cách mà ngành Tài chính đã đang thực hiện, cân đối lại cơ cấu thu hợp lý hơn, phù hợp với nguyên tắc chung và xu hướng chung của thế giới, nhưng tỷ trọng thu NSNN từ thuế gián thu là những khoản được nộp từ người tiêu dùng như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu vẫn cao. Các khoản thuế trực thu từ sản xuất, kinh doanh chưa được như mong muốn.

“Tuy đã giảm về mức độ, song thu NSNN vẫn đang phụ thuộc tương đối vào các khoản thu “không thường xuyên” như từ dầu thô, các khoản thu từ đất”, theo TS.Thăng. Giá dầu thô thì lúc lên lúc xuống, biến động liên tục, các khoản thu từ đất lại phụ thuộc vào tốc độ giao dịch trên thị trường.

Ngay như một nguồn thu quan trọng là thu từ thuế xuất nhập khẩu cũng khó có sự ổn định bởi phụ thuộc nhiều vào biến động giá trên thị trường thế giới, cộng thêm tới đây khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết cắt giảm thuế quan thì số thu từ thuế nhập khẩu sẽ giảm đi. “Rõ là cơ cấu thu NSNN của Việt Nam rất bất ổn”, ông Nguyễn Minh Tân – Phó vụ trưởng Vụ Tài chính NS (Văn phòng Quốc hội) phát biểu.

Và kịch bản thu thấp chi cao

Theo Bộ Tài chính, tháng 8 bội chi 26.000 tỷ đồng, cả 8 tháng bội chi tới 102.145 tỷ đồng, bằng 72,9% dự toán năm. Tuy đã giảm khá nhiều so với giai đoạn trước, nhưng trong 10 năm qua lúc nào NS cũng trong cảnh bội chi cao, kể cả ở những năm có tốc độ tăng thu cao nhất như năm 2009. Bội chi cao và kéo dài khiến không gian tài khóa ngày càng bị thu hẹp và đẩy nợ công liên tục ngấp nghé ngưỡng an toàn.

Những năm tới, với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện điều kiện sống cho nhân dân và thực hiện các kế hoạch phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng, chi NS sẽ ngày một nhiều hơn. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ để làm sao vừa bảo đảm duy trì mức chi NS nhưng vẫn không bị bội chi cao.

Lập một kế hoạch NS trung hạn, trong đó hướng đến sự cân bằng giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa tiết kiệm và đầu tư và cơ cấu lại nguồn thu, đặc biệt cần lập ra kế hoạch chi tiêu trung hạn, đó là việc cần làm để bảo đảm sự bền vững của nền tài chính quốc gia. Thế giới đã áp dụng việc này từ những năm 1990, ông Habid Rab - chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho biết.

Lập kế hoạch chi tiêu trung hạn để kiểm soát chi tiêu bền vững, giúp Chính phủ kiểm soát nguồn thu – chi trong vòng 3-4 năm. Điều này giúp các dự án kéo dài vài năm giữ được tính ổn định, bền vững, tránh những thay đổi lớn trong kế hoạch dài.

Các chuyên gia nước ngoài đã gợi ý, Việt Nam cần có kế hoạch chi tiêu trung hạn chi tiết, minh bạch, rõ ràng đi cùng với những phân tích đánh giá, dự báo chi tiêu trong tương lai. “Cần phải biết đồng tiền bỏ ra ngày hôm nay sẽ tác động thế nào tới tương lai”, ông Habid Rab phát biểu.

Theo Linh Ly
Thời báo ngân hàng

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên