MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2012 chứa đựng nhiều khác biệt đặc trưng

Năm 2013, chúng ta không nên xây dựng kế hoạch mà ngay lập tức xây dựng kế hoạch 3 năm 2012-2015, kế hoạch phục hồi sau khủng hoảng.

Đó là nhận định của PGS, TS. Trần Đình Thiên tại Hội thảo “Tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình thế” vừa diễn ra sáng nay 24/9.

Tại Hội thảo, TS. Thiên nhấn mạnh: “do chúng ta quá chú trọng đến từng phần trăm tăng trưởng mà quên đi những việc đại sự hơn.

3 tình huống lạ của nền kinh tế

TS. Thiên đã phác ra 3 tình huống có phần lạ thường, mang tính nghịch lý của nền kinh tế Việt Nam.

Tình huống thứ nhất: Trạng thái lạm phát hạ nhanh, nhập siêu giảm mạnh trong những tháng qua. “Đây là những mục tiêu mà trong mấy năm qua, nền kinh tế đã nỗ lực hết sức để đạt nhưng không thể làm được”, ông Thiên cho biết.

Chính vì thế, trạng thái này đang gây ra lo ngại với mức độ sâu sắc không kém tình trạng lạm phát cao và nhập siêu lớn của những năm trước.

Tình huống thứ hai: Hệ thống ngân hàng thừa thanh khoản, nhưng một bộ phận rất lớn doanh nghiệp vẫn thiếu vốn đầu tư nghiêm trọng do không thể, hoặc rất khó tiếp cận vốn vay. Sự ách tắc này đang đe dọa sự tồn vong của các doanh nghiệp lẫn hệ thống ngân hàng- hai lực lượng chủ lực của kinh tế thị trường.

Tình huống thứ ba: Nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, tuy đã được Đại hội Đảng XI ghi nhận là vấn đề chiến lược cấp bách hàn đầu, được nhiều nghiên cứu ghi nhận là giải pháp căn cơ để đưa nền kinh tế thoát khỏi xu hướng khó khăn gay gắt kéo dài đang làm suy kiệt nền kinh tế, vậy mà, sau gần 2 năm, hầu như vẫn chưa được triển khai trên thực tế, trừ một vài hoạt động có tĩnh khởi động ở một vài lĩnh vực.

Hội nghị Trung ương 3, khóa XI diễn ra cách đây gần 1 năm yêu cầu triển khai tái cơ cấu nền kinh tế sớm một cách gay gắt hiếm thấy, với 3 tuyến nhiệm vụ ưu tiên được định rõ.

“Vậy mà cho đến nay, trong khi tình hình kinh tế tiếp tục sa sút nhanh, vẫn chưa cảm nhận được tác động thực tiễn của Nghị quyết đó”, ông Thiên băn khoăn.

Đặc biệt, những hành động tái cơ cấu đang diễn ra mang nặng tính tình thế, phản ứng ngắn hạn, chưa thật bài bản, hệ thống và triệt để, đủ tạo sự xoay chuyển căn bản trong cơ chế phân bổ nguồn lực quốc gia”, vị chuyên gia này nhận định.

Nền kinh tế năm 2012: Tựu chung là thế nào?

Nhấn mạnh rằng, tình hình kinh tế cũng đã có những tín hiệu khả quan, nhưng các chuyên gia tại Hội thảo cho rằng, tình hình không khả quan như mong muốn.

Cụ thể, theo TS. Thiên, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, CPI tgiảm thấp, dù tháng 8 và tháng 9 chỉ số này tăng trở lại, nhưng trong năm 2012, khả năng giữ lạm phát ở mức 7-8% là khả thi. So với mức lạm phát hơn 18% năm ngoái và mong mỏi nhiều năm thì đây là một kết quả đáng kể.

Nhập siêu cũng được “xử lý gọn”, trong 8 tháng đầu năm, khối lượng nhập siêu chỉ còn 500 triệu USD, nếu so với những con số nhập siêu cao ngất ngưỡng trong cùng kỳ các năm trước, khoảng 4-8 tỷ USD, thì đó là một “kỳ tích”.

Tổng cầu của nền kinh tế chưa thật sự mạnh nhưng đã có những chuyển động tích cực. Nếu loại trừ yếu tốt giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng dần trong năm 2012, từ mức 6,5 của 6 tháng đầu năm lên 6,8% qua 8 tháng đầu năm.

“Không nghi ngờ gì nữa, tình hình kinh tế - trên một số khía cạnh – đang được cải thiện so với đầu năm. Có vẻ như nền kinh tế Việt Nam đã qua “cơn nguy kịch”. Và giống như năm trước, bài ca lạc quan lại bắt đầu được cất lên”, ông Thiên cũng dí dỏm.

Nhưng, kinh nghiệm của chính các năm trước cho thấy, “bài hát” đó thường gây sự lạc quan quá mức, để sau đó, nền kinh tế phải trả giá.

Ông Thiên băn khoăn, phải chăng tính “có vấn đề” của nền kinh tế đã trầm trọng yếu đến mức không còn đủ sức hấp thụ cả nhân sâm, không đủ sức thoát khỏi những vấn đề ngắn hạn để thực hiện một cú đột phá, dù chỉ mang tính cục bộ, để tạo ra sự xoay chuyển tình thế căn bản dài hạn.

“Có phải nền kinh tế đã lâm vào trạng thái mà hồi đầu năm, một số nhà kinh tế gọi là tình hình đặc biệt?”, ông Thiên đặt câu hỏi

Đồng ý với quan điểm đó của TS. Thiên, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), TS. Lê Đình Ân cho rằng, năm 2012, chúng ta giữ được mặt trận cho tốt là đã may.

Bởi, các biện pháp hành xử của Chính phủ hiện nay chỉ mang tính xử lý tình huống. Năm 2012, tình hình có vẻ phức tạp hơn khi quý 1 một tình huống, quý 2 lại có một tình huống khác, và các cách xử lý tình huống là khác nhau.

Dẫn đến sự khó khăn hiện nay, theo TS. Lê Đình Ân là do chúng ta có chủ trương tốt, nhưng thực hiện lại nửa vời. Cụ thể như chủ trương cấp room tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là rất tốt.

“Nhưng do thực hiện nửa vời, đến nay, chẳng rút được kinh nghiệm lại còn chấp nhận mức đề nghị của các ngân hàng, nhằm mục đích tăng trưởng tín dụng”, ông Ân cho hay.

Thuốc cũ đã nhờn

Trước những biến đổi lạ của nền kinh tế hiện nay, TS. Trần Đình Thiên và các chuyên gia tham gia Hội thảo cho rằng, để xoay chuyển tình hình, phải cần có thuốc đặc trị riêng, chứ không thể dựa mãi vào mấy bài thuốc đã dùng quen mấy năm qua nhưng ít tác dụng.

Theo ông Thiên, GDP cải thiện từng quý nhưng cả năm thì giảm. Việc CPI giảm trong những tháng trước tháng 8 cho thấy “cơ thể lạnh đi của nền kinh tế”. Và ngay khi có dấu hiệu nới lỏng tín dụng, nền kinh tế đã “rùng mình”, khi CPI tháng 8 đã tăng trở lại và tháng 9, CPI tăng 2,2%. Điều này cho thấy mức độ nhạy cảm cao của nền kinh tế và nó bắt nguồn từ tình trạng yếu kém kéo dài.

Vì thế, phải chuyển hướng căn bản trong cách “chẩn bệnh” và tìm kiếm giải pháp cho nền kinh tế.

Bởi, “Nếu vẫn tập trung chú ý thành tích ngắn hạn, lo tìm kiếm các giải pháp “ăn ngay”, mà không quan tâm tới thực tiễn, sự ưu tiên sống còn cho những quyết sách lớn và những giải pháp chiến lược, thì chắc chắn khó có thể tạo ra sự xoay chuyển thực sự để thoát khỏi nguy cơ vòng xoáy, thậm chí khủng hoảng, mà nền kinh tế có thể lâm vào”, ông Thiên cảnh báo.

Cũng đồng quan điểm rằng phải tìm ra phương thuốc đặc trị của TS. Thiên, TS. Nguyễn Quang A nhận định, những biện pháp hiện nay của chúng ta chỉ trúng về mặt kỹ thuật. Đó là trên cơ sở tìm ra những khiếm khuyết tạo ra những hành vi sai lầm để tìm cách sửa chữa.

“Điều đó là chưa đủ, chúng ta cần phải có những giải pháp về mặt căn nguyên, xuất phát từ cơ chế”, vị chuyên gia này thẳng thắn.

Còn TS. Vũ Tuấn Anh cho hay, hiện nay công tác quản lý của chúng ta đang có vấn đề. Dự báo sai dẫn đến các cân đối lớn của nền kinh tế sai. Như vậy, công cụ kế hoạch chưa đạt được yêu cầu.

Cũng theo vị chuyên gia này, Chính phủ cần cải cách gánh nặng thuế, phí. Bởi, với cách thu và điều hành thu như hiện nay thì khu vực dân doanh sẽ không có tiền tích trữ để phát triển sản xuất.

Vậy đâu là “thuốc đặc trị”?

Trên cơ sở phân tích những căn nguyên, TS. Trần Đình Thiên thẳng thắn chỉ ra rằng, cần phải trở lại với những ý tưởng đổi mới ở tầm, thế mới.

Cụ thể, cần phải giải quyết vấn đề ruộng đất, thị trường đất đai cho những người chủ đích thực; Cải cách khu vực DNNN theo mục tiêu phát triển kinh tế thị trường; Cải cách Ngân sách Nhà nước để xác lập cơ chế phân bổ nguồn lực-quyền lực mới; Công khai minh bạch.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế một cách triệt để: Cải cách hệ thống ngân hàng, cần chống sở hữu chéo, liên kết nhóm lợi ích; Tư duy mới về tập đoàn để làm tan những “cục máu đông”, làm lại hệ thống cơ chế tồn tại, từ sứ mạnh đến chức năng của khối DNNN; Tái cơ cấu đầu tư công.

Trên cơ sở phải đổi mới tư duy, trở lại vấn đề đầu tiên của đất nước trước khi Đổi mới, các chuyên gia cho hay, cần phải xác định những việc phải làm ngay trong năm nay. Cụ thể, cần xác định lại xem còn bao nhiêu tiền để phục vụ mục tiêu tăng trưởng.

Làm việc tại cơ quan về hoạch định chính sách nhiều năm, TS. Lê Đình Ân đề xuất, năm 2013, chúng ta không nên xây dựng kế hoạch mà ngay lập tức xây dựng kế hoạch 3 năm 2012-2015, kế hoạch phục hồi sau khủng hoảng.

“Không thể để kế hoạch năm 2013 là giải pháp tình thế cho năm 2012, và nối tiếp ở những năm sau cũng là giải pháp tình thế, thì không không thể giải quyết được việc gì”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Ông Ân cũng cho rằng, năm 2012-2015 sẽ tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế, với 3 mũi trọng tâm.

Bên cạnh đó, TS. Ân nhận định: “Tư duy và quản lý nửa vời chính là cục máu đông thứ ba của nền kinh tế. Vì thế, chúng ta phải sửa đổi lại căn bản cách nghĩ và cách làm”.

Anh Phương

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên