CEO JCCI: Sẽ có "làn sóng" doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam
Ông Toshio Nakamura, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản khẳng định, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng 2-3 lần trong vòng một năm tới.
Sáng 24-9, tại hội trường của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khoảng 120 đại biểu là lãnh đạo của 100 công ty, tập đoàn Nhật Bản đã gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam để trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.
Đây là đoàn doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản, đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực như thương mại, điện tử, phần mềm, tài chính – ngân hàng, truyền thông, chế tạo, sản xuất linh kiện - phụ tùng, khai khoáng, xây dựng, vận tải, nông nghiệp, khí đốt, dược phẩm…
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngòai, tính đến hết tháng 8-2012, Nhật Bản đã có 1.729 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 28,2 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ nhất trong 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2012, Nhật Bản cũng đứng đầu về số dự án và vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam, với 174 dự án và 3,6 tỉ đô la Mỹ (chiếm 26% về số dự án và 65,5% về số vốn đăng ký) |
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là một trong những đoàn doanh nghiệp lớn nhất của Nhật Bản sang thăm Việt Nam và ông hy vọng sau cuộc gặp sẽ có một làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ Nhật Bản vào Việt Nam.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Toshio Nakamura, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản-JCCI cho biết, trước đây các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản thường phải tháp tùng các doanh nghiệp lớn, nhưng giờ họ không muốn làm “vệ tinh” nữa mà muốn tự mình đi tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. “Tôi tin rằng trong vòng một năm tới, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản sang Việt Nam sẽ gấp 2-3 lần”, ông Nakamura nói.
Giải thích về dự báo này, ông Toshio Nakamura cho rằng, sau trận động đất năm ngoái, kinh tế Nhật Bản trì trệ và Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư ra nước ngoài. Doanh nghiệp Nhật Bản nhận thấy, tại Việt Nam gần đây chính phủ đã cho xây dựng nhiều khu công nghiệp chuyên dụng dành riêng cho ngành công nghiệp phụ trợ, tạo cơ sở để doanh nghiệp Nhật Bản sang đầu tư. "Việt Nam luôn là địa chỉ ưa thích của các doanh nghiệp Nhật Bản", ông Toshio Nakamura nói.
Ông Đinh Mạnh Hùng, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho biết Nhật Bản hiện là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2011 đạt trên 21,12 tỉ đô la Mỹ và vốn đầu tư cam kết đạt hơn 26 tỉ đô la Mỹ.
Trả lời TBKTSG Online về việc đoàn doanh nghiệp lớn của Nhật tới Việt Nam lần này có liên quan gì tới làn sóng các doanh nghiệp Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc sau những tranh cãi về chủ quyền biển đảo giữa Tokyo và Bắc Kinh hay không? Ông Toshio Nakamura, cho biết sự kiện này không liên quan trực tiếp tới những tranh cãi chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Sau thảm họa động đất sóng thần, các doanh nghiệp Nhật Bản cần phải xây dựng nhà máy ở một quốc gia khác và Trung Quốc là một thị trường lớn và quan trọng. "Chúng tôi hy vọng hai nước sẽ cải thiện quan hệ để không ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế. Theo thông tin mà tôi nắm được, không phải các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Trung Quốc từ bỏ nước này để sang một nơi khác. Chỉ có các doanh nghiệp chưa đầu tư thì có cân nhắc thôi", ông nói. |