MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân tự lập công ty

25-09-2012 - 07:56 AM | Doanh nghiệp

Theo người dân, nhận liên doanh liên kết với cách tính của công ty UMH họ lại tiếp tục là nạn nhân của cách phát canh thu tô của Công ty UMH.

Cho rằng nếu tiếp tục thực hiện liên doanh liên kết (LDLK) sẽ bị bóc lột sức lao động theo kiểu phát canh thu tô, người dân ở U Minh Hạ rủ nhau thành lập Cty. Mục đích của họ nhằm có tư cách pháp nhân để thuê đất đến 49 năm và hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh như các doanh nghiệp trồng rừng khác.


Tuy nhiên mục đích này xem ra khó đạt vì năng lực, kinh nghiệm đều khó đáp ứng và thẩm quyền lựa chọn nhà đầu tư thuộc về chủ đầu tư là Công ty TNHH một thành viên U Minh Hạ và UBND tỉnh.


Lập Công ty để thoát kiếp làm thuê


Cầm giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH hai thành viên trở lên mang tên Công ty TNHH thương mại dịch vụ du lịch sinh thái Huỳnh Quốc Sơn do Sở Kế hoạch Đầu tư Cà Mau cấp, ông Trần Ngọc Huỳnh - ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh - phân trần: “Không phải tôi thích làm giám đốc mà lập Công ty đâu. Tất cả cũng do cách tính phương thức ăn chia đối với các hộ LDLK của Công ty TNHH một thành viên U Minh Hạ (Công ty UMH) mà ra cả. Tôi muốn có sự công bằng giữa những người trồng rừng với nhau. Các DN khác được thuê đất, được hưởng ưu đãi đầu tư, tại sao chúng tôi không được”. 


Là người đã từng nhận đất rừng theo phương thức LDLK cách đâu hơn 10 năm, khi khai thác, ông Huỳnh phải nộp các khoản phí cho Công ty UMH quá cao, nên bắt đầu lo lắng khi phải tiếp tục ký LDLK mới.


Theo cách tính của Công ty UMH, các hộ nhận đất rừng theo phương thức LDLK thời gian tối đa là 24 năm. Tất cả vốn đầu tư các hộ LDLK tự đầu tư, Công ty UMH chỉ bỏ ra đúng 2,4 triệu đồng/ha tiền quản lý bảo vệ. Dù vậy đến cuối 4 chu kỳ Công ty UMH được hưởng lợi trên 80 triệu đồng; trong khi đó người dân bỏ ra đến gần 80 triệu đồng, lợi nhuận thu về chỉ 161 triệu đồng. 


Đó là chưa kể các khoản: Thiết kế trồng rừng, khảo sát thiết kế thu hoạch, chi phí thẩm định, công khai thác... phải nộp cho Công ty UMH với một khoản tiền lớn. Ngoài ra vốn đầu tư ban đầu (trên 38 triệu đồng/ha) do hộ LDLK không được Công ty UMH tính vào vốn đầu tư chung. Suy đi tính lại sau 24 năm LDLK người dân chỉ thu về chưa đến 100 triệu đồng/ha.


Theo người dân, nhận LDLK với cách tính này họ lại tiếp tục là nạn nhân của cách phát canh thu tô của Công ty UMH. Chính vì vậy cách duy nhất thoát khỏi “vòng kim cô” này là thành lập Công ty. Không riêng gì ông Huỳnh, ông Huỳnh Văn Tửng cùng một số hộ dân cũng đang làm thủ tục để thành lập Công ty hòng được trồng rừng.


Người dân sẽ gặp khó


Cái lý của nông dân tại rừng U Minh Hạ là vậy. Tuy nhiên, để thực hiện được là điều không dễ. Trước đó, hàng loạt DN xin trồng rừng nguyên liệu tại Công ty UMH đã không được UBND tỉnh chấp nhận với lý lẽ hiện nay Công ty UMH không còn đất trống. Dù vậy tại công văn số 1089/UBND –NN ngày 19.3.2012 UBND tỉnh Cà Mau nêu rõ: “Công ty TNHH một thành viên xây dựng STP và Công ty TNHH xây dựng Quang Tiền xin được giao, thuê đất hoặc hợp tác đầu tư trồng rừng nguyên liệu là rất phù hợp trong điều kiện Công ty UMH đang khó khăn về nguồn vốn trồng rừng. 


Tuy nhiên, hiện nay Công ty UMH không còn quỹ đất trống. Vì vậy sau khi Công ty UMH rà soát lại quỹ đất từ các hợp đồng LDLK trước đây, nếu không tiếp tục ký hợp đồng với các đối tác cũ thì phải chủ động liên hệ với 2 nhà đầu tư này để thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư trồng rừng thâm canh”. Được biết, hiện tại Công ty UMH quản lý trên 852ha rừng thuộc dạng LDLK và vị trí mà 2 Công ty nói trên xin thuê nằm trên phần đất mà các hộ LDLK chuẩn bị thuê sau khi thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Với văn bản này, thì các hộ LDLK không có nhu cầu LDLK nữa thì việc cho DN thuê lại thuộc về Công ty Quang Tiền và Công ty STP chứ không phải các Công ty mà người dân mới lập nên.


Trong thực tế, người dân tự lập Công ty sau đó xin được thuê lại chính mảnh đất mà mình LDLK trước đây để trồng rừng sản xuất (keo lai) đã bị Công ty UMH và UBND tỉnh không chấp thuận. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Hoài Tâm, bức xúc chuyện LDLK, năm 2010, ông thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên với tên gọi Công ty TNHH PT LNN Giang Sơn (Công ty Giang Sơn). Sau khi thành lập DN, ông làm đơn xin được trồng rừng sản xuất đúng thủ tục, trình tự nhưng không được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư. 


Tại văn bản số 4130/UBND – NĐ ngày 13.10.2010 UBND tỉnh Cà Mau trả lời rõ: “UBND tỉnh ghi nhận thiện chí của doanh nghiệp tư nhân Giang Sơn đã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp tại tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất lâm nghiệp của Công ty UMH không còn để giao cho DN thuê. Vị trí khu đất DN đề nghị xin thuê, UBND tỉnh đã có chủ trương để Công ty TNHH Hào Hưng thuê đất trồng rừng nguyên liệu”.


Việc các hộ LDLK không chịu tiếp tục ký LDLK mà tự thành lập Công ty để được bình đẳng trong kinh doanh trồng rừng trong điều kiện Công ty UMH trả lời hết đất cho thuê đang đẩy người dân vào thế khó. Bởi họ không tiếp tục LDLK xem như là không có nhu cầu. Đã không có nhu cầu thì Công ty UMH có quyền thu hồi. Và chuyện giao cho DN nào thuê đất là chuyện của Công ty UMH và UBND tỉnh Cà Mau. Xem ra những hộ dân LDLK muốn thoát khỏi hình thức phát canh thu tô cũng không phải dễ.

Theo Nhật Hồ

Lao động

 

thunm

Trở lên trên