Huy động miệt mài, cho vay “nhát tay”
Huy động vốn tăng nhanh nhưng tình trạng cho vay rất ì ạch, nguyên nhân được cho là một bộ phận ngân hàng đang bị kẹt số vốn cho vay ra, nhưng hiện không thể thu chứ đừng nói thu hồi vốn được lãi.
Theo thống kê, tính đến 20/8 dư nợ cho vay tín dụng chỉ tăng 1,4% trong khi huy động vốn của các ngân hàng đã tăng lên 11,23%. Điều đó cho thấy thanh khoản của các ngân hàng đang rất dồi dào. Tuy nhiên, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, mặc dù cho vay không nhiều nhưng vẫn phải tăng các chương trình khuyến mại để huy động bởi thanh khoản của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.
Trong khi những biến động trên thị trường vàng thời gian qua cũng đã rút một lượng vốn không nhỏ khỏi kênh tiết kiệm. Hơn nữa, vay vốn trên thị trường liên ngân hàng hiện rất khó khăn, các ngân hàng có thế mạnh cho vay trên thị trường này hiện yêu cầu tỷ lệ chiết khấu rất thấp trên tài sản thế chấp bằng vàng và ngoại tệ.
Tổng giám đốc một NHTMCP nhỏ ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, nếu đầu năm 2012 có 100 đồng ngoại tệ sẽ được vay vốn tiền đồng tương ứng với số ngoại tệ thế chấp quy đổi theo tỷ giá tại thời điểm vay. Hiện số tài sản ngoại tệ thế chấp chỉ được vay bằng 90-95% theo quy đổi tỷ giá hiện hành, tài sản thế chấp bằng vàng miếng SJC cũng tương tự ngoại tệ.
“Vay vốn trên thị trường liên ngân hàng không phải ngân hàng nào cũng vay được, các ngân hàng lớn nhìn thấy ngân hàng nào khỏe mạnh mới cho vay. Ngân hàng nào bị NHNN “khu nhóm lại” do vấn đề thanh khoản thì không có cách nào có thể vay liên ngân hàng được” - Tổng giám đốc một ngân hàng tiết lộ.
Đó là chưa kể vừa qua nhiều ngân hàng đã được nới room tín dụng lên khá cao nên càng đẩy mạnh huy động để cho vay.
Trong bối cảnh lãi suất huy động ngắn hạn đang bị khống chế bởi trần 9%/năm, nên đa phần các ngân hàng phải sử dụng chiêu khuyến mại hoặc đẩy mạnh lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng. Và khi một ngân hàng sử dụng chiêu này, buộc các ngân hàng khác dù rất dư dả về thanh khoản cũng phải lao theo nếu không muốn mất khách hàng. Đặc biệt là thời điểm cuối năm các ngân hàng thường phải lo phòng thủ thanh khoản.
Theo một lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh khuyến mại, các ngân hàng còn ưu đãi cho khách hàng tiền gửi tổ chức bằng miễn phí dịch vụ thanh toán, mua bán ngoại tệ… Tất cả những yếu tố này nếu cộng lại đã đẩy lãi suất huy động thực tế của tiền đồng cao. Tuy vậy, một số ngân hàng lớn nhờ nguồn tiền gửi của các tổ chức với lãi suất rất thấp, bình quân lãi suất đầu vào tại các ngân hàng nằm ở quãng trên dưới 9%/năm.
Thế nhưng không phải ngân hàng nào cũng có nguồn tiền này, nhất là trong bối cảnh hiện nay, các tổ chức kinh tế lại càng không muốn tiền nằm im tại ngân hàng. Chẳng hạn ở TP. Hồ Chí Minh, tiền gửi tiết kiệm dân cư ở các TCTD trong 8 tháng qua có mức tăng cao nhất (16,8%) so với cùng kỳ nhiều năm gần đây, trong đó tiền gửi tổ chức kinh tế và cá nhân chỉ tăng khoảng 1,97%. Mảng phát hành giấy tờ có giá từ đầu năm đến nay của các TCTD ở mức giảm 3,5%.
Huy động vốn tăng nhanh trong 8 tháng
qua, nhưng tình trạng cho vay rất ì ạch, nguyên nhân được cho một bộ
phận ngân hàng đang bị kẹt số vốn cho vay ra, nhưng hiện không thể thu
chứ đừng nói thu hồi vốn được lãi. Mỗi một khoản vay đến hạn trả nợ nay
ngân hàng chưa thu hồi được, lại phải tiếp tục huy động vốn vào để bù
đắp cho số tiền đã cho vay ra còn kẹt trên đống hàng hóa tồn kho và dự
án chậm tiến độ.
Trong khi đó, vốn huy động đổ về ngân hàng liên tục trong những tháng qua nhưng bản thân các ngân hàng chỉ chọn các dự án hiệu quả mới quyết định cho vay mới. Đã có ngân hàng giảm lãi vay xuống đến 6%/năm, 9%/năm đối với cho vay tiền đồng, nhưng không thể tăng trưởng tín dụng được. Sở dĩ như vậy do hoặc là DN không đáp ứng được điều kiện vay vốn; hoặc là do không muốn vay khi mà đầu ra của sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn vẫn có xu hướng tăng, hiện chiếm tỷ trọng 6,54% so với tổng dư nợ (khoảng 676 ngàn tỷ đồng), trong khi tỷ lệ này cuối năm 2011 là 4,3%. Nợ xấu khối ngân hàng tăng cao nhất thuộc về các ngân hàng liên doanh 10,32%, công ty tài chính nợ xấu lên đến mức 32,15%, NHTMCP ở mức 5,81%, NHTM Nhà nước 6,82%, riêng khối ngân hàng ngoại có mức thấp nhất 2,1%.
Theo các chuyên gia, để khơi thông tín dụng không có cách nào khác các ngân hàng phải giải quyết được nợ xấu, đặc biệt hạn chế nợ xấu phát sinh. Khi đó mới mở rộng cho vay và tăng trưởng tín dụng trở lại, thay vì huy động vốn luôn trong trạng thái “yểm trợ” cho những khoản nợ khó đòi, để duy trì thanh khoản.
Theo Đình Phối
Thời báo ngân hàng