MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 lý do để tin vào “phép màu” mang tên Indonesia

25-09-2012 - 13:14 PM | Tài chính quốc tế

Đất nước với 240 triệu dân đang trở nên hiện đại, năng động và đa dạng hơn rất nhiều so với những gì mà các nhà đầu tư và công ty quốc tế nhận định.

Khi nghĩ đến Indonesia ngày nay, hầu hết mọi người đều nghĩ đến những bãi biển dài tuyệt đẹp, đền đài hay những thành phố đông đúc ồn ào. Tuy nhiên, đất nước với 240 triệu dân đang trở nên hiện đại, năng động và đa dạng hơn rất nhiều so với những gì mà các nhà đầu tư và công ty quốc tế nhận định. Dưới đây là 5 điều mà mọi người thường nhầm tưởng về Indonesia. 

“Nền kinh tế Indonesia không ổn định”

Đây là nhận định được nhiều người đưa ra khi nhận xét về nền kinh tế Indonesia. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn sai lầm nếu nhìn vào tốc độ phát triển đầy ấn tượng của quốc gia này trong 1 thập kỷ qua. Suốt 10 năm gần đây, kinh tế Indonesia luôn đạt tốc độ trung bình 4 – 6%, ổn định hơn rất nhiều so với các nền kinh tế mới nổi khác như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và thậm chí là cả 1 số nền kinh tế phát triển. 

Chỉ trong vòng 1 thập kỷ, nợ chính phủ của Indonesia đã giảm 70% và hiện nay đang ở mức thấp hơn so với 85% các nền kinh tế phát triển.  Tỷ lệ lạm phát giảm từ hơn 20% cách đây 10 năm xuống chỉ còn 8%. Các biện pháp điều hành kinh tế nói chung cũng đã có bước cải thiện đáng kể. 

Theo bảng xếp hạng vừa được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đưa ra, Indonesia được xếp thứ 25 trên tổng số 139 nước về mức độ ổn định kinh tế trong năm 2012, tăng vọt so với vị trí 89 trước đó. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 62 và Ấn Độ xếp thứ 99. 

 "Không có gì đáng chú ý ngoài Jakarta"

Điều này không còn đúng nữa. Đúng là thủ đô Jakarta đóng góp đến 1/4 tăng trưởng GDP của quốc đảo này. Tuy nhiên, vị trí thống trị của Jakarta đang bị lung lay. Rất nhiều thành phố cỡ trung, điển hình như Bandung và Medan đang phát triển với tốc độ nhanh hơn Jakarta, trở thành “điểm nóng” thu hút nhà đầu tư nước ngoài và những công ty tìm kiếm cơ hội phát triển.  

Quá trình đô thị hóa đang lan tỏa ở Indonesia và ngày càng trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến năm 2030, hơn 70% dân số sẽ sống ở thành thị, tăng mạnh so với tỷ lệ 50% ngày nay.  Các thành phố có số dân từ 2 – 5 triệu người, điển hình như Bekasi và Surabaya, đang phát triển nhanh nhất và được dự đoán đến năm 2030 sẽ chiếm khoảng 27% GDP.  
Trên thực tế, đến lúc đó, khoảng 90% các thành phố phát triển nhanh nhất ở Indonesia sẽ nằm ở bên ngoài đảo Java – nơi đóng đô của Jakarta. 

"Indonesia không có gì ngoài tài nguyên thiên nhiên”  

Indonesia là đất nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất dồi dào. Đây là nước đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu dầu cọ, thứ 2 về ca cao và thiếc. Indonesia cũng có xếp thứ 4 và thứ 5 thế giới về trữ lượng nịckel và bauxite. Thêm vào đó là trữ lượng dầu thô và khí khổng lồ. 

Tuy nhiên, khoáng sản, dầu thô và khí gas chỉ chiếm 11% GDP của Indonesia. Thực tế, đất nước này đã nhập khầu ròng dầu thô kể từ năm 2004 đến nay. Có thể điều này sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng 1 nửa GDP Indonesia đến từ khu vực dịch vụ, trong đó điển hình là các mảng dịch vụ tài chính, bán lẻ và viễn thông. 

Đây là nước sử dụng Facebook nhiều thứ 4 trên thế giới và điều này hứa hẹn nền tảng vững chắc cho lĩnh vực thương mại điện tử. 

"Indonesia giống như những con hổ châu Á khác”

Đây là nhận định hoàn toàn sai lầm. Nền kinh tế Indonesia không được dẫn dắt bởi xuất khẩu – đặc điểm quan trọng nhất của hầu hết các nền kinh tế châu Á khác. Xuất khẩu chỉ tạo ra 35% GDP. 

Trong khi đó, tiêu dùng nội địa mới là lực đẩy chính của nền kinh tế. Với tốc độ tăng dân số 5 – 6%/năm như hiện nay, 90 triệu dân có thể gia nhập đội ngũ người tiêu dùng vào năm 2030 (người tiêu dùng được định nghĩa là các cá nhân có thu nhập hàng ngày từ 10 USD trở lên, hoặc có đủ tiền để chi trả cho các hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu.  

Tốc độ tăng trưởng này mạnh mẽ hơn so với bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới (ngoại trừ Ấn Độ và Trung Quốc). Tỷ lệ tiêu dùng ngày càng tăng cao sẽ là lực đỡ cho thị trường nội địa và thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn đồng thời giúp bảo vệ Indonesia trước suy thoái kinh tế toàn cầu. 

"Tăng trưởng dân số là yếu tố đứng sau tăng trưởng kinh tế"

Điều này vừa đúng lại vừa sai. Indonesia có lực lượng dân số trẻ hùng mạnh và đang ngày càng hùng mạnh. Cơ cấu dân số cũng hứa hẹn sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai, ít nhất là đến năm 2030. Tuy nhiên, không chỉ có vậy, năng suất lao động mới là yếu tố quyết định. 

Trong 20 năm qua, năng suất lao động tăng lên đóng góp tới 60% tăng trưởng của nền kinh tế Indonesia. Hoạt động bán buôn và bán lẻ, vận tải, viễn thông và chế tạo máy là những lĩnh vực đóng góp nhiều nhất. 

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% đầy tham vọng, Indonesia cần phải làm tốt hơn cả so với những gì đã đạt được trong quá khứ. Năng suất lao động phải tăng thêm 60% so với mức hiện nay. 

Tuy nhiên, nhiều khả năng Indonesia sẽ có thể vượt qua được thách thức này. Nếu như đẩy tăng sản lượng và dỡ bỏ những rào cản phát triển trong 3 lĩnh vực chủ chốt (dịch vụ tiêu dùng, nông nghiệp và khai thác tài nguyên), nền kinh tế Indonesia có thể chạm mốc 1.800 tỷ vào năm 2030. 

Indonesia đang đứng trước bước ngoặt quan trọng. Nền kinh tế nước này đã gây ấn tượng mạnh hơn nhiều so với các nhận định được đưa ra trước đó, kể cả nhận định của chính người dân Indonesia. Ngày nay, quốc đảo này đang là nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới. Tuy nhiên, theo nhiều dự báo gần đây, Indonesia sẽ vươn lên vị trí số 7 vào năm 2030, vượt qua cả 2 quốc gia hùng mạnh ở châu Âu là Đức và Anh. 

Thu Hương

huongnt

Foreign Policy

Trở lên trên