MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cấu trúc ngân hàng ở Việt Nam phải là cuộc chạy “maraton”

06-10-2012 - 07:01 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo IMF, để có một “khoảng không” đủ cho việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng thì các nước cần có thời gian tăng trưởng ổn định từ 6 -7 năm.

Sáng ngày 5/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Văn phòng Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Hà Nội tổ chức hội thảo "Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới 2012”.

Tái cấu trúc phải là cuộc chạy “maraton”

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc giải quyết nợ xấu và tái cấu trúc lĩnh vực ngân hàng hiện nay, ông Sanjay Kalra - Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam cho rằng, những khó khăn mà hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang gặp phải không giống như nhiều nước trên thế giới.

“Trong khi nhiều nước gặp khó khăn, không có tiền để cho vay ra thì ở Việt Nam các ngân hàng lại rất dồi dào tiền; NHNN cũng cho phép tăng trưởng tín dụng cao cho nền kinh tế nhưng vấn đề lại nằm ở việc nợ xấu đang ở mức khá cao và có chiều hướng tăng mạnh. Chính vì thế tiền không thể ra nền kinh tế”.

Các chuyên gia IMF đã đưa ra khuyến cáo rằng: Nợ xấu là vấn đề mà Việt Nam cần phải ưu tiên giải quyết. Tuy nhiên, muốn giải quyết vấn đề nợ xấu Chính phủ Việt Nam cần ngồi lại thảo luận và tính toán cụ thể xem số liệu nợ xấu là bao nhiêu? Nợ này rơi vào nhóm doanh nghiệp nào? Mức độ của các món nợ này xấu đến đâu?... từ đó mới đưa ra các giải pháp phù hợp

Ông Sanjay Kalra nói, “Chúng ta không nên vội vàng trước mọi quyết định vì khi tăng trưởng có thể nhanh nhưng lạm phát và nợ xấu sẽ luôn là những mối nguy hại rình rập và quay trở lại bất kỳ lúc nào. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần minh bạch hóa mọi thông tin để mọi người có thể đánh giá được tính hiệu quả”.

Cũng theo chuyên gia của IMF, Việt Nam đang tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế và việc này cần phải được duy trì thường xuyên, không phải cứ khó khăn thì mới nghĩ đến việc cải cách. “Cần phải xác định đây là một cuộc chạy “maraton” chứ không phải là hứng khởi nhất thời”

Ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đồng tình với quan điểm trên và kết luận: Có 4 yếu tố giúp Việt Nam chống cự với các khó khăn hiện nay của kinh tế thế giới, bao gồm: Cần giải quyết cải cách cơ cấu kịp thời, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực ngân hàng và khu vực doanh nghiệp nhà nước; Việc tái cấu trúc cần phải xác định là “cuộc chạy maraton chứ không phải cuộc chay đua 100m”; Đặc biệt điều hành tỷ giá càng linh hoạt thì khả năng chống cự với các cú sốc sẽ càng tốt hơn; ...

Phải có “khoảng không” để đối phó với khủng hoảng

Nghiên cứu của IMF cũng chỉ ra rằng, để có một “khoảng không” đủ cho việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng thì các nước cần có thời gian tăng trưởng ổn định từ 6 -7 năm.

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lấy làm buồn vì với Việt Nam gần như không có một chút “khoảng không” nào cho sự phục hồi kinh tế.

Đặc biệt là những cú sốc nội tại của nền kinh tế như khó khăn trong hệ thống ngân hàng, quản lý các ngân hàng yếu kém, nới lỏng tín dụng và suy giảm kinh tế xảy ra liên tiếp, trong một thời gian rất ngắn.

“Một chính sách tốt là yếu tố quyết định và phục hồi nhanh chóng, lấy lại đà tăng trưởng nhưng hiện tại gần như chúng ta không có một chính sách nào có thể toàn vẹn như thế” - Ông Cung thẳng thắn.

Theo ông Cung, muốn tăng trưởng thì chúng phải nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa nhưng hệ quả để lại lại là lạm phát và bất ổn vĩ mô.

“Việt Nam cũng như các nước mới nổi khác, để đối mặt với những vấn đề rủi ro Chính phủ phải cố gắng giữ lạm phát ở mức dưới 10% để có thời gian tăng trưởng dài hơn, đi kèm với đó là một dư địa chính sách đủ lớn thì mới có thể vượt qua các cú sốc một cách dễ dàng” - Chuyên gia IMF khuyến cáo.

Khánh Linh

hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên