Hoạt động ủy thác ngân hàng sắp được siết chặt
Ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa công bố bản dự thảo Thông tư quy định hoạt động ủy thác, nhận ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo NHNN, hiện đã có Thông tư 04/2012 quy định về nghiệp vụ nhận ủy thác và ủy
thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 04) và
Thông tư 05/2006 hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cho thuê tài chính và
dịch vụ ủy thác cho thuê tài chính (Thông tư 05).
Tuy nhiên, NHNN đánh giá những quy định tại Thông tư 04 còn chung chung và chưa
đầy đủ trong khi những quy định tại Thông tư 05 còn khó tham chiếu và áp dụng.
Do vậy, NHNN xây dựng Thông tư mới nhằm đưa ra một quy định chung và đầy đủ nhằm
đảm bảo hoạt động ủy thác được thực hiện an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro
của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thêm và đó, do đặc thù nghiệp vụ ủy thác vừa mang tính chất của công cụ huy động vốn và công cụ cho vay nên Thông tư phải đảm bảo mục tiêu quản lý chặt chẽ hoạt động nhận uỷ thác và uỷ thác của TCTD, hạn chế và kiểm soát vi phạm các quy định của pháp luật về giới hạn tăng trưởng tín dụng, huy động vốn, lãi suất, quy định về hoạt động trên thị trường liên ngân hàng, cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán cũng như các giới hạn đảm bảo an toàn khác.
Để thực hiện hoạt động ủy thác, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng
nước ngoài cần phải tuân thủ các nguyên tắc, điều kiện tại dự thảo Thông tư
nhằm đảm bảo hoạt động ủy thác được thực hiện an toàn, hiệu quả và kiểm soát
rủi ro.
Thông tư mới gồm có 5 mục, 20 điều, trong đó quy định rõ về đối tượng áp dụng,
phạm vi điều chỉnh, quy định về ủy thác, nhận ủy thác, về hạch toán, báo cáo,
trách nhiệm của tổ chức tín dụng và chi nhánh nước ngoài…
Về nguyên tắc ủy thác có một số điểm đáng lưu ý như sau:
Hoạt động ủy thác phải được thỏa thuận bằng hợp đồng uỷ thác ký kết giữa bên ủy thác và bên nhận ủy thác phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Nguyên tắc này để đảm bảo nôi dung ủy thác, nhận ủy thác được xác định cụ thể, rõ ràng tránh hiện tượng lợi dụng vốn ủy thác để sử dụng ngoài phạm vi hoạt động ủy thác.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là bên ủy thác chỉ được ủy thác cho tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác, tổ chức được kinh doanh trái phiếu theo quy định của pháp luật để thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng mà bên ủy thác và bên nhận ủy thác được thực hiện theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc này nhằm để đảm bảo việc ủy thác, nhận ủy thác chỉ được thực hiện đối với đối tượng được làm nghiệp vụ đó theo quy định của pháp luật.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là bên nhận ủy thác chỉ được nhận ủy thác từ tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác, tổ chức, cá nhân để thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng mà bên nhận ủy thác và bên ủy thác được thực hiện theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc này đảm bảo tính chất rủi ro của hoạt động ủy thác do bên ủy thác chịu, theo đó bên ủy thác phải đảm bảo tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ an toàn nhằm hạn chế việc lợi dụng hoạt động ủy thác để tránh các giới hạn an toàn.
Bên nhận uỷ thác không được thực hiện việc uỷ thác lại cho bên thứ ba.Nguyên tắc này đảm bảo loại bỏ hoạt động trung gian trong ủy thác, nhận ủy thác, phù hợp với bản chất của hoạt động ủy thác.
Bên nhận uỷ thác không được sử dụng vốn uỷ thác trái với mục đích, nội dung của hoạt động uỷ thác được quy định tại hợp đồng uỷ thác. Nguyên tắc này nhằm hạn chế việc TCTD, chi nhánh NHNNg lạm dụng vốn ủy thác, sử dụng sai mục đích ủy thác và tránh hiện tượng bên ủy thác, bên nhận ủy thác cấu kết làm trái các quy định về ủy thác, đồng thời phù hợp với chuẩn mực kế toán về hoạt động ủy thác, theo đó bên nhận ủy thác không được hạch toán vốn ủy thác vào tài sản mà phải hạch toán ngoại bảng để theo dõi.
Việc chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác của ngân hàng mẹ để cho vay, mua trái phiếu phải tuân thủ quy định của pháp luật về vay trả nợ nước ngoài. Nguyên tắc ngày để đảm bảo quản lý việc lợi dụng vay nước ngoài mà NHNN không kiểm soát được.
Các khoản ủy thác là tài sản của bên ủy thác. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tính số dư ủy thác vào dư nợ cấp tín dụng khi xác định các giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Bên ủy thác là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với số dư ủy thác theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc này để đảm bảo quản lý, trích lập dự phòng đầy đủ đối với rủi ro tín dụng – rủi ro chính mà bên nhận ủy thác phải chịu.
Bên nhận ủy thác là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với số dư nhận ủy thác theo quy định của pháp luật.
Bên ủy thác, bên nhận ủy thác phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng. Nguyên tắc này để đảm bảo các TCTD thực hiện hoạt động ngân hàng một cách lành mạnh, an toàn và hiệu quả.
Xem chi tiết dự thảo Thông tư mới tại đây
Thành Hưng