MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải pháp nào cho bài toán nợ xấu?

10-10-2012 - 08:20 AM | Tài chính - ngân hàng

Nếu coi thị trường mua bán nợ xấu bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài thì vấn đề chỉ còn là giá cả đã đủ hấp dẫn hay chưa?

Xử lý nợ xấu để khơi thông luồng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thất nghiệp là một trong những giải pháp cấp bách hiện nay nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một phương án xử lý nợ xấu cụ thể nào được đưa ra. Việc thiếu vắng sự đồng thuận trong xã hội cho thấy mỗi phương án xử lý nợ đều đang gặp phải những trở ngại rất khó vượt qua.

Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Độ – Viện Kinh tế – Tài chính (Học viện Tài chính).

Nhiều ý kiến cho rằng nên để thị trường tự giải quyết vấn đề nợ xấu, ông có nghĩ rằng ý kiến này là đúng không?

Việc thị trường có thể tự giải quyết được vấn đề nợ xấu hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố: nguồn lực tài chính và giá cả.

Về nguồn lực tài chính, các nguồn lực tài chính trong nước đã không còn dồi dào như trước đây, bởi phần lớn các doanh nghiệp và nhà đầu tư đang ở trong tình trạng nợ nần do sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao. Chính vì thế ưu tiên của họ là giảm nợ chứ không phải mua nợ.

Nhưng nếu coi thị trường mua bán nợ xấu bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài thì vấn đề chỉ còn là giá cả đã đủ hấp dẫn hay chưa?

Về điểm này thì các nhà đầu tư nước ngoài và một số nhà dầu tư trong nước nắm giữ nhiều tiền đang ở thế thượng phong. Họ chỉ chấp nhận mua nợ xấu với giá rẻ, bởi càng để lâu các khoản nợ xấu sẽ mất giá do những áp lực về trả nợ, giá bất động sản giảm...

Theo kinh nghiệm quốc tế được nhiều chuyên gia trích dẫn, các khoản nợ xấu chỉ có thể bán với giá trung bình ở mức từ 30 – 50% giá trị ban đầu.

Nhưng dường như cả doanh nghiệp và ngân hàng đều đang không muốn bán lại nợ xấu với mức giá quá thấp như vậy?

Đúng thế. Vì nếu bán nợ xấu với giá quá thấp thì đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng phá sản, còn các ngân hàng nếu không phá sản sẽ vào tình trạng thua lỗ.

Hơn nữa, phần lớn các khoản nợ xấu có tài sản thế chấp là bất động sản (ở mức 130%) nên cả ngân hàng và doanh nghiệp đều không muốn bán nợ xấu với mức chiết khấu lớn, họ vẫn hy vọng có thể bán được tài sản thế chấp ở mức giá cao hơn.

Với nhiều doanh nghiệp, việc bán tài sản thế chấp với mức giá thấp sẽ khiến họ bị mất trắng số tài sản này do vậy sẽ dẫn đến những tranh chấp về pháp lý, đồng thời tiêu tốn nhiều tiền của và thời gian.

Không tìm được tiếng nói chung phải chăng các bên đều trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước?

Trong bối cảnh hiện nay sự can thiệp của Nhà nước là cần thiết. Vì nếu không các ngân hàng và doanh nghiệp chỉ có thể thực hiện theo phương pháp xử lý từng bước.

Và rõ ràng là phương án này đòi hỏi rất nhiều thời gian và gặp nhiều rủi ro. Trong khi chưa giải quyết được vấn đề nợ xấu, tín dụng sẽ tăng chậm; lợi nhuận, vốn chủ sở hữu và tài sản của các ngân hàng cũng sẽ tăng chậm.  

Nếu quy mô vốn chủ sở hữu của hệ thống NH là 400 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ ROE trong những năm tới là 10 – 15% và các NH trích một nửa số lợi nhuận để giải quyết nợ xấu thì mỗi năm sẽ giảm được nợ xấu khoảng 20 – 30 nghìn tỷ đồng, tức phải mất 7 – 10 năm để giải quyết số nợ xấu quy mô 200 nghìn tỷ..

Tín dụng tăng trưởng thấp sẽ khiến tăng trưởng GDP thấp, với việc mỗi năm có thêm hơn 1 triệu người  gia nhập lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng mạnh qua mỗi năm và gây ra nhiều chi phí xã hội khác. Do đó, Nhà nước không thể không can thiệp.

Giả sử Nhà nước sẽ can thiệp vào việc xử lý nợ xấu, theo ông có những thách thức gì sẽ đặt ra?

Thứ nhất về vấn đề nguồn lực. Với quy mô nợ xấu lên đến 200 nghìn tỷ đồng, ngân sách Nhà nước sẽ rất khó đáp ứng tất cả trong thời gian ngắn, bởi thu ngân sách đang bị ảnh hưởng mạnh từ việc tăng trưởng kinh tế suy giảm, còn nợ công đang tiến gần đến mức 60% GDP.

Một nguồn khác có thể được tính tới là phải cổ phần hóa các DNNN, nhưng để thu được số tiền như yêu cầu thì việc cổ phần hóa đó phải diễn ra trên quy mô lớn. Nó cũng đòi hỏi nhiều thời gian và cũng gặp phải nhiều vật cản từ các nhóm lợi ích.

Thứ hai cho dù Nhà nước có đủ nguồn lực thì việc xác định giá mua cũng là vấn đề khó giải quyết. Giá của một tài sản đang sinh lời còn rất khó xác định, do nhiều phương pháp định giá khác nhau, các dự báo về dòng tiền trong tương lai khác nhau hay do việc lựa chọn lãi suất chiết khấu cũng khác nhau. Chính vì thế việc xác định giá trị của một tài sản xấu là công việc chứa đựng rất nhiều rủi ro.

Điều này sẽ tạo ra kẽ hở để các nhóm lợi ích hoạt động và việc định giá tài sản cao sẽ điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Thứ ba kể cả khi nợ xấu được mua với mức giá hợp lý, câu hỏi đặt ra là Nhà nước sẽ làm gì với các khoản nợ xấu này? Nếu đó là các tòa nhà đang xây dở dang hay các công ty đang thua lỗ thì ai sẽ đứng ra thực hiện các phương án khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh? Đó là còn chưa kể các công việc này cũng đòi hỏi những nguồn lực rất lớn về vốn và con người.

Thứ tư nếu Nhà nước có thể làm được những việc trên vẫn còn một câu hỏi nữa là sau đó Nhà nước sẽ bán lại nợ đó cho ai? Bán với giá nào để không bị lỗ?...

Nói như vậy thì Nhà nước cũng không thể bỏ tiền để mua tất cả nợ xấu của nền kinh tế mà nếu để tư nhân tham gia lại “vấp” vào vấn đề giá. Theo ông làm sao để giải quyết được bài toán này một cách hài hòa?

Cũng phải nhấn mạnh rằng, nếu mua nợ theo mức giá các nhà đầu tư tư nhân đề xuất thì tốt hơn hết là nên để thị trường tự giải quyết. Thị trường không thiếu tiền! Tuy nhiên, nếu mua nợ xấu theo giá Nhà nước quyết thì tư nhân sẽ không bỏ tiền vào, bởi họ sẽ lo ngại đến rủi ro liên quan đến hiệu quả.

Chính vì thế, giải pháp hài hòa cho tât cả là Nhà nước sẽ trợ giá cho những người mua nợ xấu.

Chỉ khi có sự trợ giá của Nhà nước thì mới đủ lớn để lấp khoảng cách này và đủ khuyến khích để việc mua bán nợ tự diễn ra theo cơ chế thị trường.

Người mua nợ sẽ được lợi nhuận, người bán nợ sẽ không bị lỗ quá nhiều. Tuy nhiên, người nộp thuế sẽ bị thiệt hại khi bỏ tiền trợ giá cho các doanh nghiệp, ngân hàng và các nhà đầu tư.

Nhưng đổi lại khi tín dụng được khơi thông thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng cao hơn, tỷ lệ thất nghiệp sẽ không tăng hoặc tăng chậm, Nhà nước sẽ phải chi ít tiền hơn để thực hiện các biện pháp kích cầu, đảm bảo an sinh xã hội.

Nếu những lợi ích này lớn hơn so với những khoản tiền sử dụng để thực hiện trợ giá thì đây là giải pháp nên được cân nhắc.

Xin cảm ơn ông!

Khánh Linh (thực hiện)

hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên