MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại gia thoái vốn khỏi ngân hàng: Đường lui gập ghềnh

10-10-2012 - 10:57 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngoài Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), một loạt tập đoàn nhà nước khác cũng đang đứng trước áp lực phải thoái hết vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng.

Dấu hỏi PVN

Trong số 3 cổ đông buộc phải thoái vốn tại OceanBank theo Dự thảo Điều lệ sửa đổi đã được Đại hội cổ đông bất thường thông qua ngày 6/10, PVN được quan tâm đặc biệt, bởi đây là doanh nghiệp nhà nước rót vốn lớn vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

PVN hiện nắm vốn tại Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank (20% vốn), Tổng công ty cổ phần Dầu khí Việt Nam - PVFC (78% vốn) và Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GP.Bank). Điều đặc biệt là, cả 3 tổ chức tín dụng mà PVN nắm giữ cổ phần đều trong diện tái cơ cấu, tự cơ cấu lại hoặc có sự chuyển dịch lớn về cơ cấu cổ đông.

Ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN trong cuộc họp báo chiều ngày 8/10 đã tuyên bố, từ nay đến năm 2015, PVN sẽ thoái toàn bộ vốn tại OceanBank. Đến năm 2015, PVN cũng dự kiến thoái vốn khỏi Tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí Việt Nam (PVFC) xuống còn 20% vốn tại PVFC. Tất nhiên, việc thoái vốn này chỉ thực hiện được nếu PVFC được chuyển đổi sang mô hình ngân hàng thương mại.

Như vậy, từ nay đến năm 2015, PVN sẽ phải thoái một lượng lớn vốn tại hai tổ chức tín dụng. Thời gian để PVN thoái vốn không còn dài, câu hỏi đặt ra là PVN sẽ thoái vốn như thế nào, nhất là khi “ông lớn” này đặt điều kiện: chỉ thoái vốn khi thị trường tốt, nhằm bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất.

Riêng với OceanBank, liệu ngân hàng này sẽ tìm đối tác nào khi PVN thoái vốn? Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đầu tư, ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT của OceanBank cho biết, việc PVN thoái vốn không ảnh hưởng đến OceanBank vì quá trình này kéo dài đến tận năm 2015 và OceanBank cũng chưa có ý định tìm kiếm đối tác khác.

Một câu hỏi nữa đặt ra với PVN là, liệu quá trình thoái vốn khỏi ngân hàng của tập đoàn này có minh bạch? Cơ sở cho nghi vấn này là trường hợp GP. Bank. Sau khi PVN và GP. Bank ký Hợp đồng góp vốn cổ phần và Hợp tác chiến lược được ký năm 2006, ngân hàng này cũng tuyên bố PVN đóng góp 20% vốn điều lệ của GP. Bank.

Tuy nhiên, báo cáo thường niên 2010 của GP. Bank lại xác định, cổ đông lớn nhất của GP.Bank tại thời điểm đó là Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư FPT, với tỷ lệ sở hữu 5,84%. Vậy PVN đã thoái vốn thế nào trong những năm qua, hiện tỷ lệ cổ phần sở hữu của PVN tại GP.Bank là bao nhiêu? Đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Nhiều “ông lớn” trầy trật thoái vốn

Theo Đề án Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp này phải thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành vào năm 2015, song đến nay, công việc còn rất ngổn ngang.

Có thể “điểm mặt” một số tập đoàn còn nắm giữ cổ đông của các ngân hàng, như Vinatex hiện là cổ đông của Ngân hàng Nam Việt; Vinacomin, VRG là cổ đông của SHB; EVN là cổ đông của An Bình; Tập đoàn Bảo Việt sở hữu Ngân hàng Bảo Việt; VNPT góp vốn vào Ngân hàng MaritimeBank và Bưu điện Liên Việt…

Không chỉ PVN, mà nhiều “ông lớn” khác trong lĩnh vực ngân hàng cũng đang nỗ lực rời khỏi lĩnh vực tài chính - ngân hàng, không chỉ bởi áp lực của Chính phủ, mà còn do ngân hàng không còn là lĩnh vực béo bở như trước.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đến nay, gần 40 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân sở hữu trên 5% tại các ngân hàng TMCP và các doanh nghiệp này lại sở hữu các công ty đầu tư tài chính. Cơ cấu sở hữu chéo này đang gây nhiều hệ lụy cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường như hiện nay, việc thoái vốn với các tập đoàn không hề dễ.

Minh chứng là, theo lộ trình thoái vốn của Vinacomin, trong năm 2012, tập đoàn này sẽ thoái xong vốn ở các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và CTCP Đầu tư phát triển đường cao tốc BIDV. Đến năm 2013 - 2014, Vinacomin sẽ thoái vốn trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và các lĩnh vực còn lại. Tuy nhiên, việc thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Bảo hiểm SHB - Vinacomin không hề suôn sẻ, khi phiên đấu giá bán cổ phần vừa qua của Vinacomin tại công ty này đã bị hủy bỏ do chỉ có một nhà đầu tư tham gia.

Nhận xét về áp lực thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, vấn đề đáng ngại nhất không phải là không có người mua, mà là mức giá sẽ như thế nào. Cũng theo TS. Võ Trí Thành, để đẩy nhanh quá trình thoái vốn, Chính phủ cần phải kiên quyết và phải chấp nhận mất mát.

Theo Hà Tâm

Báo Đầu tư

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên